“Với thời tiết 13 độ C mà để các em xuống sông thi bơi là một việc làm quá ẩu. Nguy cơ chảy máu não, đột quỵ, chuột rút, viêm phổi... dẫn đến đuối nước tức thời là rất cao”, bác sỹ Hà Công Thanh cho biết sau khi đọc thông tin trên báo chí.
Theo bác sỹ Hà Công Thanh, giảng viên quốc gia về cấp cứu đuối nước, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới (Quảng Bình), với nhiệt độ nói trên, khi các cháu xuống nước, các mạch máu ngoại biên sẽ bị co lại, máu dồn về tim và đẩy lên não rất dễ xảy ra chảy máu não, dẫn đến đột quỵ. Đồng thời, khi gặp lạnh, hệ cơ sẽ phản ứng bằng cách co rút, không giải phóng được năng lượng dẫn đến chuột rút. Cả hai nguy cơ trên nếu xảy ra đều dẫn đến hậu quả là đuối nước tức thời. Ngoài ra, các cháu sẽ bị nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn, việc viêm phổi là khó tránh khỏi. Nếu cháu nào có bệnh lý thì càng nguy hiểm.
|
Bác sỹ Hà Công Thanh, giảng viên quốc gia về cấp cứu đuối nước, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới (Quảng Bình) |
“Nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, các học sinh còn được nghỉ học ở nhà để giữ ấm, thì tại sao với nhiệt độ nói trên lại bắt các cháu xuống nước? Thật đúng là một việc làm khó chấp nhận. Nếu nhiệt độ xuống dưới 20 độ C thì ngay cả người lớn cũng không nên xuống nước. Các cháu còn nhỏ, sức đề kháng kém, ngay cả việc vệ sinh cá nhân trong những ngày rét cũng phải thực hiện theo quy trình để tránh nhiễm lạnh, dẫn đến mắc bệnh mà! ” - bác sỹ Thanh nói.
Theo bác sỹ Thanh, với nhiệt độ nói trên, khi các cháu xuống nước, các mạch máu ngoại biên sẽ bị co lại, máu dồn về tim và đẩy lên não rất dễ xảy ra chảy máu não, dẫn đến đột quỵ.
Bác sỹ Thanh cho rằng, trong các cuộc thi đấu thể thao chuyên nghiệp ý kiến của bác sỹ là rất quan trọng. Người phụ trách y tế có thể quyết định vận động viên nào tham gia thi đấu hay không được thi đấu, thậm chí là yêu cầu ban tổ chức dừng môn thi nếu điều kiện không cho phép. “Chúng ta cũng phải thông cảm với nhân viên y tế trong trường hợp này. Rất có thể họ cũng được mời tham gia, nhưng chỉ với vai trò cấp cứu khi có sự cố xảy ra, chứ không có quyền quyết định liên quan cuộc thi” - bác sỹ Thanh nói.
Ông Nguyễn Đại Trường, chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết: Ngay khi đọc được thông tin trên báo Tiền Phong, giám đốc Sở đã chỉ đạo ông kiểm tra thông tin. Theo ông Trường, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội khỏe Phù Đổng nhưng không hề mời hay có thông báo đến Sở GD & ĐT, để Sở cử người theo dõi, chỉ đạo. Ông Trường nói, theo báo cáo của Phòng GD huyện Quảng Trạch, họ thừa nhận sự việc trên là có, và xin rút kinh nghiệm.
Ông Trường cho biết thêm, các huyện trong tỉnh cũng đã tổ chức Hội khỏe Phù Đổng thành công, nhưng riêng môn bơi họ đưa học sinh vào bể bơi của tỉnh để tổ chức thi, chứ không bơi đập tràn như Quảng Trạch. Riêng TP Đồng Hới cũng đã lên lịch cho hội khỏe, nhưng vì thời tiết xấu nên hoãn lại.
Trước đó, trong hai ngày 19 và 20/2, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội khỏe Phù Đổng. Mặc dù trời rét buốt nhưng ban tổ chức vẫn để các cháu thi bơi tại một đập tràn. Vì quá lạnh nên một số học sinh phải bỏ thi và nhiều cháu bị co rút khi xuống nước, gây bức xúc trong phụ huynh học sinh và thầy cô giáo.
Theo Tiền phong