Xúc động chuyện nghề của người chuyên trang điểm... xác chết

Google News

Nhiều lúc chữ "duyên" đã đưa đẩy họ vào công việc có một không hai này: người chuyên trang điểm... xác chết.

Vào một chiều đầu tháng 4, chúng tôi đến nhà tang lễ X., nó được coi là một trong những nhà tang lễ lớn nhất Thủ Đô. Dù ngoài trời khá nóng bức khi thời tiết đang vào tiết hè nhưng vừa bước vào cổng, ai trong chúng tôi cũng đều cảm nhận được cái lạnh lẽo, âm u với những tiếng tụng kinh, gõ mõ hương khói nghi ngút xồng xộc vào mắt, mũi.
 Để liên hệ với những nhân viên tại nhà xác này mất rất nhiều thời gian vì họ khá kiệm lời, không thích lên báo do sợ người quen dị nghị. Ảnh minh họa.
Nghề chọn người nhờ chữ "duyên"
Chúng tôi liên hệ với những nhân viên tại nhà xác này mất rất nhiều thời gian. Vì ai cũng cho rằng cái nghề của những người chuyên trang điểm... xác chết này nó "nhạy cảm" và không có gì hay ho để đưa lên báo chí. Có người thì thẳng thừng từ chối, có người thì lưỡng lự nhưng rất khó để mở lời.
Kể cả anh H., một nhân viên làm việc lâu năm trong nhà xác này đồng ý trò chuyện với PV. Nhưng anh H. đề nghị được dấu tên, dấu danh tính vì sợ... người quen biết chuyện lại dị nghị những điều không hay ho.
Anh H. cùng rất nhiều anh em khác ở đây là những người thợ trang điểm không chuyên cho những người đã khuất. Cả đời các anh nào có biết cầm thỏi son hay phấn trang điểm như các chị bao giờ. Nhưng rồi dần dần thành quen, các anh vô tình trở thành những "nghệ sĩ" trang điểm thực thụ.
"Lúc đầu, mình cũng sợ sợ vì nào có biết tô son là gì. Người sống thì đã đành, đây còn là người chết nữa nên cũng ngại. Nhưng dần dần thành quen nên bây giờ cũng chẳng sợ gì nữa".
Anh H. lí giải tiếp: "Nhiều người cũng hỏi mình, tại sao các anh phải làm mà không phải các chị thì mình cũng thật thà nói rằng, các chị nhìn thấy thôi cũng đã sợ ... chạy mất dép chứ đừng nói là trang điểm cho tử thi".
Anh H. vốn là người tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Nhưng vì không có bằng cấp anh cũng chỉ đi làm tự do như phụ hồ, vôi vữa cho qua ngày. Nhưng một lần được giới thiệu, anh vào nhà tang lễ này làm việc vặt. Được một thời gian, thì anh chuyển hẳn sang công tác "phục vụ" cho người chết như tắm rửa, thay quần áo, trang điểm,...
Thời gian đầu, gia đình anh biết chuyện, họ khuyên anh từ bỏ vì anh còn trẻ (năm nay anh H. 35 tuổi). Nhưng bản thân anh nghĩ rằng, bây giờ có ra ngoài làm quần quật cả ngày còn không đủ ăn còn làm ở đây lương không cao nhưng vẫn còn tốt hơn đi "bán sức lao động".
 Nghề chọn người nhờ chữ "duyên". Ảnh minh họa.
"Mẹ mình sợ làm ở môi trường đó không tốt rồi liên quan tới chuyện tâm linh khó giải thích. Bà có nói với mình, bao nhiêu việc mày không làm, mày chui vào nhà xác làm cái gì. Làm cái nghề đó có gì hay ho đâu mà đâm đầu vào làm. Nhưng mình nghĩ rằng, việc mình làm cũng như làm việc thiện vậy, mình cũng không làm điều gì thất đức thì việc gì mình phải sợ đâu", anh H. tâm sự.
Tuy nhiên, anh H. cũng bật mí rằng anh đến với nghề trang điểm tử thi nhờ một chữ "duyên". Anh giải thích, "Mình làm ở đây được 5 - 6 năm rồi, cũng có những thời điểm muốn từ bỏ nhưng cứ khi nào mình có ý định là lại có thứ gì đó níu kéo mình lại, khó giải thích lắm".
Thực hư những chuyện khó lí giải bằng khoa học
Sẽ có rất nhiều người tò mò, liệu những người làm việc trong khu vực biên giới giữa sự sống và cái chết thì có bao giờ cảm nhận được hay thấy được những câu chuyện khó có thể giải thích bằng khoa học được không?
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, PV đã phỏng vấn nhanh một số nhân công đang làm việc tại nhà tang lễ X. Tuy nhiên, ai trong số họ cũng khẳng định chắc nịch rằng "chưa bao giờ thấy có gì khác biệt cả".
Cô L. một nhân viên nữ ở đây chia sẻ: "Cô làm ở đây hơn 10 năm rồi nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy những gì đặc biệt cả. Bọn cô làm việc ở đây cũng bình thường giống như mọi người thôi. Sáng đi làm, trưa nghỉ rồi chiều về ăn cơm, như một công nhân viên chức chứ có gì đặc biệt đâu".
 Công việc hàng ngày của anh H. nhưng nhiều người vẫn sợ khi nghe anh nhắc tới công việc. Ảnh minh họa.
Một người đàn ông mặc đồng phục trắng của nhà tang lễ ngồi bênh cạnh tiếp lời: "Chú cũng thế, nhiều người tin vào mấy cái chuyện mê tín làm gì cho nó sợ".
Tuy nhiên, anh H., người mà PV nói chuyện bên trên thì lại có một câu chuyện hoàn toàn khác. Anh chia sẻ, nhiều khi có những người không thấy, không nghe, không cảm nhận được cõi âm là có thật. Nhưng cũng có người cảm nhận được những thứ khó lí giải lắm.
"Bản thân anh cũng gặp một số câu chuyện trùng hợp tới lạ kì. Ví dụ, có lần anh nằm mơ thấy có một người nhờ vả anh trang điểm thật đẹp để xuống âm phủ gặp chồng. Anh có biết là ai đâu, chỉ đến sang hôm sau anh mới tá hỏa nhận ra khách hàng của mình là người mình gặp trong giấc mơ đêm hôm trước", anh H. kể chuyện bằng một giọng bí hiểm.
Ế vợ vì làm việc ở ... nhà xác
Khi Pv đến đề muốn tìm hiểu công việc của anh H., anh H. một mực từ chối. Anh nói rằng: "Chú đừng đưa anh lên báo, không thì anh khỏi lấy vợ".
Quả thật, ở cái tuổi 35 anh H. vẫn chưa lập gia đình. Anh H tâm sự, trước đây cũng có yêu vài cô, cũng tiến đến hôn nhân nhưng khi biết anh làm ở... nhà xác thì cô nào cũng chạy mấy dép.
"Mình thấy công việc của mình có gì đâu mà mấy cô cứ nghe là sợ chết khiếp thế nhỉ". Anh H. còn bật mí thêm: "Mấy thanh niên ở đây cũng đều 'ế' cả đấy", anh H. cười khanh khách.
Ngoài ra, công việc này đã giúp anh nhận ra những góc khuất của xã hội. Có những câu chuyện về tình người trong gia đình mới nhau hay những câu chuyện vui - buồn mà anh vô tình chứng kiến.
Anh H. ngậm ngùi: "Có những gia đình đưa bố mẹ đến nơi an nghỉ mà chẳng có một giọt nước mắt tiếc thương. Có gia đình còn xô xát chỉ vì chia tài sản không đều,... những trường hợp đó không phải là cá biệt.
 Họ vẫn hằng ngày, âm thầm trang điểm giúp đỡ cho những người đã mất, để mọi linh hồn vắt có thể đẹp hơn mà bước tiếp trên một hành trình mới. Ảnh minh họa.
Nhưng cũng có những câu chuyện rất cảm động, ví dụ như trường hợp về một cụ ông mới đây. Ông cụ già yếu lắm rồi nhưng vẫn cố lết theo quan tài của vợ mà khóc. Những hình ảnh đó thương tâm lắm, kẻ cả tốt hay xấu".
Trong công việc của mình, anh H. cho rằng khó khăn nhất là thời gian không được chủ động: "Người mất thì ngày nào cũng có, sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng có kẻ ra, người vào. Vì vậy, nhiều lúc phải tranh thủ thời gian mà nghỉ ngơi, đang ăn cơm cũng phải bỏ đi hết. Có trường hợp mất vào ban đêm, bọn mình đang ngủ cũng phải dậy giúp đỡ họ, thôi thì làm công việc này cũng giống như làm phúc vậy".
Những người như anh H. hay tất cả các anh em làm công việc này phải có một thần kinh thép mới làm được công việc như thế này. Họ vẫn hằng ngày, âm thầm trang điểm giúp đỡ cho những người đã mất, để mọi linh hồn vắt có thể đẹp hơn mà bước tiếp trên một hành trình mới.
Theo Người đưa tin