Dị nhân 20 năm ra nghĩa địa tìm công nghệ… bốc mộ

Google News

Hàng chục năm nay gã vẫn miệt mài hoàn thiện và gửi đề xuất của mình để được chính quyền đầu tư thực hiện.đầu tư thực hiện.

Đỗ Ngọc Dũng hăm hở nói rằng mình có một sáng kiến về “hiện đại hóa” thủ tục bốc mộ, để người Việt Nam có thể duy trì phong tục địa táng (chôn người chết xuống đất) mà không lo ngại các hệ lụy. Ý tưởng này thậm chí đã được nhận giải thưởng nhưng vẫn nằm phủ bụi một cách oan uổng… Nhắc đến chuyện rợn người như tử thi, mồ mả, nhưng gã chẳng có vẻ gì e ngại mà rất sôi nổi. Hàng chục năm nay gã vẫn miệt mài hoàn thiện và gửi đề xuất của mình để được chính quyền đầu tư thực hiện.
 
 Đỗ Ngọc Dũng thuyết trình về ý tưởng.

Lấy cảm hứng ở... nghĩa trang

Đỗ Ngọc Dũng (ngụ tại phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang) có vẻ ngoài không giống một nhà khoa học hay một… người thường cho lắm: Hàm răng xỉn màu, khấp khểnh (người ta hay gọi là răng cải mả), tóc bơ phờ, mắt có viền đỏ, bàn tay khi bắt tay thấy có vẻ lành lạnh, dễ gây liên tưởng kỳ lạ. Gã lại có thú vui tặng thơ vừa ứng tác cho người mới quen (ngay cả về chuyện bốc mộ theo kiểu mới cũng… có thơ tặng cho phóng viên). Hỏi nơi ở, gã cho một địa chỉ ở thành phố Bắc Giang, nhưng bảo: “Có việc gì cứ gọi điện, tôi không có mặt ở nhà thường xuyên”. Hỏi công việc, gã cười cười: “Công việc chính của tôi là… lãng du”. Hỏi vợ con, gã bảo: “Vợ chồng đã giải phóng cho nhau từ lâu”…

Theo Đỗ Ngọc Dũng thì ý tưởng về công nghệ tự động hóa bốc mộ có mấy điểm cơ bản sau. Đầu tiên, để có thể cơ giới hóa, tự động hóa quy trình bốc mộ thì việc chôn cất người chết cũng phải được thực hiện theo một công nghệ nhất định. Đặc biệt, các huyệt mộ và quan tài phải được xây dựng và đóng theo thiết kế kết đặc biệt và đồng bộ. Sự khác biệt trong thiết kế huyệt và quan tài theo ý tưởng của “dị nhân” Đỗ Bá Dũng là phải có hệ thống để cấp, thoát nước và quan tài có thể tự xoay theo một trục dọc ngay trong huyệt mộ. Trước khi cất bốc, chỉ cần xả nước vào hầm mộ với áp suất dòng chảy đủ mạnh làm quan tài quay. Nước và lực li tâm sẽ “nhặt” sạch những chất mùn và những loại tạp chất khác ra khỏi quan tài và hài cốt. Sau khi xả nước cần để một khoảng thời gian nhất định cho huyệt mộ, quan tài và hài cốt khô ráo lúc đó mới chọn ngày tốt tiến hành cất bốc. Công đoạn đưa hài cốt lên khỏi mặt đất cũng được cơ giới hóa.

  “Người ta bảo tôi là thằng hâm, thằng điên, thằng rồ… Nhưng tôi mặc kệ. Tôi cứ phải đi tìm hiểu thực tế xem thế nào, lấy cảm hứng để còn xây dựng ý tưởng”, gã nói như một nhà khoa học nói về công tác thực nghiệm rất nghiêm túc. Rồi gã chốt lại một câu “xanh rờn”: “Ý tưởng của tôi hoàn toàn có căn cứ khoa học, đã từng được trao giải thưởng”.


Sau khi cẩu nguyên cả quan tài và hài cốt lên khỏi mặt đất sẽ xếp lên một xe chuyên dụng đưa về một khu vực xử lý tiếp theo. Theo mô tả của gã thì đó sẽ là một phòng chức năng để “tắm rửa” cho hài cốt. Căn phòng này có thể xây dựng, thiết kế ngay tại các nghĩa trang cho tiện. Trong “phòng tắm hài cốt”, các nhân viên mới chính thức mở nắp quan tài để thu nhặt hài cốt. “Vì được thiết kế đặc biệt, quan tài nguyên vẹn nên hài cốt của người đã khuất chắc chắn không bị rơi rụng đi chút nào”, nhà sáng chế quy trình bốc mộ hiện đại khẳng định. Nguyễn Bá Dũng cũng cho biết, tại phòng tắm rửa hài cốt, các nhân viên nghĩa trang sẽ vệ sinh hài cốt một cách tối ưu bằng nước ấm có sau đó tráng qua bằng loại nước có các hương liệu thảo dược. Hài cốt sẽ được sắp xếp vào tiểu theo đề nghị của gia chủ. Còn bộ quan tài sẽ được vệ sinh sạch sẽ và tái sử dụng. Nguồn nước cũng được làm sạch để tuần hoàn, tiếp tục sử dụng cho việc cải táng ngôi mộ khác…

 Nguyễn Bá Dũng cho biết ý tưởng này xuất hiện từ hơn 20 năm trước. Khi Dũng còn đang trong quân ngũ, sau một việc lớn của gia đình là cải táng cho bố, gã bắt đầu lang thang khắp các nghĩa địa gần xa, từ Văn Điển đến Thanh Tước, đến cả các đài hóa thân hoàn vũ hiện đại cũng đến “thăm quan”. Nguyễn Bá Dũng kể, khi nẩy ra ý tưởng này anh viết tóm tắt và một tờ giấy, sau đó anh ta mang ra hàng photocopy để nhân bản. Một cụ già đứng gần máy photocopy vô tình đọc lướt qua, đã thảng thốt kêu lên: “Cái gì… gì… vậy? Giờ lại còn có môn học này nữa à?!”. Dù ý tưởng đã bị một “khách hàng tiềm năng” đầu tiên nhìn thấy phản đối nhưng Nguyễn Bá Dũng vẫn không hề có ý định từ bỏ và theo đuổi nó hàng chục năm nay.
 
“Chàng gàn” có thiện tâm

Được biết, ý tưởng của dị nhân Đỗ Ngọc Dũng đã từng được một tờ báo trao giải khuyến khích trong một cuộc thi ý tưởng mới năm 2003. Tuy nhiên gần chục năm sau khi được trao giải, chủ nhân ý tưởng đã gửi hàng xấp tài liệu đi các cơ quan chức năng có liên quan, nhưng chẳng mấy khi nhận được hồi đáp. Mới năm 2011, Đỗ Ngọc Dũng gửi một “Phiếu đề xuất đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh” cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang, được phúc đáp rằng: “Rất cảm ơn, nhưng tiếc là thời điểm này chưa hợp tác được”. Mặc dù thất bại hết lần này qua lần khác, nhưng Đỗ Ngọc Dũng lập luận: “Việc đón nhận một sinh linh chào đời thì mất rất nhiều công chuẩn bị, vậy thì một sinh linh kết thúc sự sống trở về cát bụi cũng cần phải hết sức quan tâm. Các cụ ngày xưa vẫn nói rằng nghĩa tử là nghĩa tận kia mà?”. Theo Đỗ Bá Dũng, trở ngại lớn nhất của ý tưởng này là vấn đề thói quen và quan niệm của người dân. Để thay đổi được điều này cần có thời gian, vì vậy gã phải…kiên nhẫn.

Dù vẻ ngoài không được chỉn chu và ý tưởng quá lập dị, nhưng những gì Đỗ Ngọc Dũng dẫn chứng cho thấy gã chắc chắn là rất am hiểu công việc bốc mộ. Gã nói một lèo, rất bức xúc: “Bây giờ phu bốc mộ có khẩu trang, găng tay cao su, ủng… nhưng điều kiện làm việc vẫn mất vệ sinh lắm: Đào phá mộ xong thì mở quan tài, thu gom, tắm cốt, trong ánh sáng tù mù của đuốc củi, lốp xe hỏng. Người nhà thì đa số đứng nhìn, xong việc thì ai nấy lao đi kiếm tiền. Họ có biết đâu rằng sau quá trình bốc mộ là rất nhiều thứ bẩn thỉu thải ra môi trường: Gỗ ván quan tài, quần áo tử thi không phân hủy, nước thải, ni lon và các dụng cụ khác dùng cho buổi bốc mộ…”. Hàng loạt các hệ lụy khác của việc “địa táng” và bốc mộ theo hình thức cũ được gã nêu ra, như tốn kém diện tích, lãng phí tiền của, ô nhiễm nguồn nước…Gã bảo đó là những gì qua hàng chục năm đi lân nghiên cứu trực tiếp tại các nghĩa trang và thậm chí tham gia bốc mộ cứ  không “ngồi nghĩ ra từ phòng máy lạnh”. 

Hỏi: “Anh sẽ làm gì tiếp, nếu chính quyền vẫn tiếp tục im lặng?”, gã bảo: “Tôi hi vọng ý tưởng của tôi được nhiều người biết đến, nếu được chính quyền cho đất, đầu tư một phần kinh phí thì tôi cũng sẽ đóng góp phần công sức, tiền bạc của riêng mình để làm. Bỏ tiền để đầu tư riêng một loại quan tài cho hình thức cải táng mới này chẳng hạn. Tôi định là sẽ đặt công ty nhựa Tiền Phong, hoặc Song Long làm bộ quan tài nhựa này. Giờ tôi muốn làm lắm, nhưng chính quyền không đầu tư, chẳng lẽ tôi làm nghĩa trang trong vườn nhà tôi à?”.

Rõ là gã đã có những tính toán cụ thể trong đầu về “đường đi nước bước”, nhưng tiến hành thì vẫn là công việc ở… vô cực. Dù sao, để nuôi dưỡng ý tưởng này, gã cũng làm được một việc mà nhiều người cảm động: Hễ có ai quen biết có người thân đến dịp cần cải táng, ới cái là gã có mặt, bất kể đêm hôm, mưa gió, đường xá xa xôi. Cả những đồng đội đã hi sinh ở chiến trường xa, gã cũng sẵn lòng lên đường tìm kiếm, cất bốc… “Gã khùng” cao lênh khênh này chẳng khác nào chàng Đôn – ki – hô – tê với con chiến mã là chiếc xe máy cũ mèm, vẫn rong ruổi đi tìm cơ hội “sống” cho cái ý tưởng chăm sóc… người chết của mình.
 
Khó khả thi nhưng nên trân trọng

Nhận xét về ý tưởng của Đỗ Ngọc Dũng, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng theo quan niệm ngàn đời nay của người Việt Nam, khó có chuyện người dân có nhu cầu thực hiện cải táng cho người nhà theo cách này. “Giải pháp này có vẻ công nghiệp quá, hàng loạt quá, mà mỗi nhà thì chỉ có một, hai người thân qua đời, nên chẳng ai có nhu cầu. Xã hội thì còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu thứ phải cải tiến… Nhưng dù sao, Sở Khoa học – Công nghệ Bắc Giang cũng nên hồi đáp, giải thích rõ lý do cho anh Đỗ Ngọc Dũng”, ông Nguyễn Lân Dũng nói.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Theo Nguyên Nguyên (Gia đình)