3 gia đình Việt đông con gái đón Tết: Người háo hức chờ con cháu về, người cứ Tết đến là du xuân khắp 3 miền

Google News

Tết ở gia đình nhiều con gái rất khác so với những gia đình Việt khác: háo hức chờ đợi con về sum vầy, du xuân khắp 3 miền đất nước...

Mỗi dịp Tết đến - Xuân về, người già lại nhắc nhở con cháu đi xa "về ăn Tết Nguyên đán bên gia đình" với hi vọng được gặp gỡ người thân sau bao tháng ngày xa cách, gia đình sum vầy cùng ăn bữa cơm ấm cúng dịp đầu năm mới.

Song có gia đình chẳng thể tề tựu đông đủ con cháu từ 29-30 Tết đến thời khắc giao thừa bởi nhiều lý do, như: con cháu ở xa, nhà toàn con gái phải lo lễ Tết bên gia đình chồng. Vì thế nhiều người tò mò không biết Tết của những gia đình sinh toàn con gái hoặc nhiều con gái sẽ ra sao, cha mẹ có chạnh lòng khi phải đón năm mới một mình hay không.

Thiên Tân (SN 2000, Hà Nội) cho biết bố mẹ cô sinh được 8 người con gái, trong đó có cô và người chị thứ 6 chưa yên bề gia thất. "Chị cả và chị thứ 7 lấy chồng trong làng, còn lại 4 chị lấy chồng ở xa: Hà Nam, Hải Dương, Hoài Đức - một huyện ngoại thành Hà Nội.

Vì thế chuyện có bao giờ gia đình em đông đủ thành viên vào thời khắc giao thừa hay không rất khó. Có lẽ chỉ có em và chị Nhung (tức người chị thứ 6) còn cơ hội đón năm mới cùng bố mẹ", cô gái Gen Z tâm sự.

Vừa dứt lời, Thiên Tân cho hay, hằng năm cứ độ 28-29 Tết Nguyên đán, các chị đã lấy chồng dù ở xa hay gần đều trở về nhà đoàn tụ sớm với cha mẹ. Đồng thời các chị mang lễ đến cúng bái tổ tiên, biếu cha mẹ tiền bạc bày tỏ công ơn sinh thành...

"Từ ngày các chị đi lấy chồng, năm nào cũng về biếu Tết bố mẹ và hỏi thăm họ hàng. Chỉ có điều các chị không về cùng một ngày, ví dụ ngày 29 chị thứ 2, thứ 3 về thì hôm sau chị thứ 4 thứ 5 ghé tới.

Đại gia đình của Thiên Tân.

Các chị bận con cái, công việc bên gia đình chồng nên phải sắp xếp sao cho hợp lý. Bố mẹ em cũng không giục, yêu cầu các chị phải về đúng một ngày dù thâm tâm háo hức, chờ mong con cháu về sum vầy lắm", Thiên Tân nói.

Dẫu vậy, 4 người chị lấy chồng xa của Thiên Tân đều ý thức được việc Tết đoàn viên nên cứ xong Tết nhà chồng sẽ thu xếp đưa con cái về với ông bà ngoại. "Năm nay các chị của em về biếu Tết như thường niên, có nghĩa ai rảnh hôm nào về bố mẹ hôm đó. Sau đó các chị ăn cùng bố mẹ bữa cơm rồi lại nhanh  nhanh chóng chóng về nhà chồng chuẩn bị Tết.

2 chị lấy chồng trong làng ghé qua nhà liên tục. Các chị lên chúc Tết bố mẹ vào Mùng 1. Hôm sau các chị khác về lại lên ăn cơm tiếp.

Mùng 3 quê em có rước Phật nên các chị ở xa sẽ ở lại vài hôm để chung vui hội làng. Bố mẹ em thích cảnh đó lắm bởi nhà đông đúc con cháu, con gái con rể xắn tay áo cùng nhau nấu bữa cỗ Tết, còn đám cháu ngoại vui đùa quanh sân. Sau đó tất cả thưởng thức bữa cơm đầm ấm và chứa đựng đầy tình thân", cô gái tâm sự.

Năm nào cũng vậy, 5 chị em gái của Ngà (SN 2000, quê Hải Dương) cũng cố gắng tụ tập tại nhà cha mẹ đẻ vào ngày Mùng 2 Tết Nguyên đán. Đó có lẽ là ngày con gái, con rể và cháu ngoại tề tựu đông đủ nhất năm. Vì thế cứ đến đầu tháng Chạp, cha mẹ cô nàng sẽ đếm từng ngày mong chờ Tết đến.

"Chầu rằm tháng 12 Âm lịch, bố mẹ mình sẽ gọi điện cho mấy chị lấy chồng kể chuyện đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Bố mẹ không phải muốn khoe thành quả lao động mà mục đích chính "thăm dò" xem các chị về nhà vào hôm nào.

Còn mình lấy chồng trong làng, ngày nào cũng tranh thủ tạt qua chơi với bố mẹ nên chẳng được hỏi gì cả. Mình có đùa rằng bố mẹ "quan tâm" các chị hơn thì nhận được câu mắng yêu "lấy chồng gần ngày nào chẳng là Tết. Các chị lấy chồng xa nên thiệt thòi nhiều, phải quan tâm hơn"", Ngà tâm sự.

Ngà và con gái nhỏ trong dịp Tết Giáp Thìn.

Cha mẹ Ngà sinh được 5 cô con gái, 3 người đầu lấy chồng xa, còn cô áp út sinh sống tại Nhật Bản. Có năm chị thứ 4 không về được, vào đúng Giao thừa gọi điện về chúc Tết cha mẹ và nói chuyện năm mới vui vẻ. Song khi cả hai cúp máy, mẹ cô đã rơi nước mắt, còn cha lặng người. Họ thương con đón Tết nơi xứ người, không người thân bên cạnh và nhớ thương rất nhiều.

"Nhà mình có chị cả lấy chồng Thanh Hoá, chị áp út ở xa nên năm về được năm không. Năm nào các chị về là bố mẹ vui cả mùa Tết, đi đâu cũng khoe năm nay các con về ăn Tết đầy đủ.

Mùa xuân năm ấy của gia đình cô gái trẻ.

Còn năm nào các chị không thu xếp về được là niềm vui giảm phân nửa. Nhưng chị em còn lại không vì thế là lơ là đâu, vẫn tụ tập ở nhà bố mẹ. Chúng mình dành nguyên nhày đi chúc Tết bên ngoại, ăn uống, hát hò vui lắm. Thậm chí chúng mình cập nhật từng giây từng phút cho 2 chị ở xa để khuây khoả nỗi nhớ nhà, động thời động viên năm sau cố gắng thu xếp về với bố mẹ", Ngà chia sẻ.

Chu Linh (SN 1995, quê Nghệ An) cho biết gia đình cô có 10 anh chị em: 6 gái, 4 trai. Tất cả đều lập gia đình và sinh sống ở đủ 3 miền đất nước: Bắc (Hà Nội) - Trung (Nghệ An, Khánh Hoà) - Nam (TP.HCM). Do đó rất hiếm khi 10 anh em tụ tập đông đủ vào dịp Tết Nguyên đán.

"Mình không nhớ rõ 10 anh chị em tụ tập đông đủ tại nhà vào dịp Tết từ năm nào nữa vì lâu quá rồi. Có năm anh chị trong Sài Gòn bay ra ăn Tết thì người ngoài Hà Nội lại bận công việc không thể thu xếp về và ngược lại.

Năm anh chị ở Sài Gòn, Hà Nội về đông đủ thì các anh ở Nghệ An phải đi trực Tết. Mẹ mình bảo nhà đông con khó tập trung đầy đủ trong ngày Tết có chút buồn nhưng đổi lại ngày nào cũng được quây quần bên mâm cơm cùng con. Thậm chí mẹ còn đùa rằng đông con cháu về quá bị "ngộp thở", nên đi bớt bởi năm nào cũng du lịch, ghé nhà mỗi con vài bữa", Chu Linh tâm sự.

Mẹ của Chu Linh du xuân Đà Lạt cùng con cháu.

Gia đình cùng nhau đón chào năm mới ở một nơi xa.

Năm nay, mẹ của cô gái đón Tết cùng 2 con trai, còn các con khác không thể về sum vầy do trước đó đã đoàn tụ tại nhà trong dịp hết tang bố. "Chúng mình đã về nhà đầy đủ vào dịp hết tang bố. Ai cũng ở xa nên vì nhiều lý do chẳng thể về quê lần nữa.

Các chị ngoài Hà Nội thường ra Tết hoặc rằm tháng Giêng sẽ về thăm mẹ và thắp hương cho bố. Sau đó mẹ sẽ đi du xuân 3 miền, tiện thể thăm con cháu cũng như gia đình thông gia. Chúng mình thấy mẹ khoẻ mạnh, vui vẻ như vậy là mừng lắm, chỉ mong xuân nào mẹ cũng vậy", Chu Linh nói.

NGỌC HÀ