Trong cuộc sống, có quá nhiều người thường xuyên cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Ban ngày, khi đủ thứ công việc bủa vây, bạn bận rộn và có thể bẵng quên đi cảm xúc ấy. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, bạn dễ rơi vào trạng thái nghi ngờ bản thân và tưởng tượng ra đủ những tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
Vì lo lắng quá nên ăn không ngon, ngủ không yên, trước khi đi ngủ miên man suy nghĩ, hôm sau thức dậy lòng vẫn không yên. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiều người còn có thể bị chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, đổ mồ hôi, dễ cáu kỉnh và khó bình tĩnh lại.
Bản chất của sự lo lắng thực sự là sự không hài lòng với thực tế và sợ hãi về sự không chắc chắn. Thực ra, để làm chậm lại những tổn thương do những cảm xúc tiêu cực ấy gây ra không phải điều khó. Chỉ cần bạn bắt đầu với 3 thay đổi nhỏ sau, bạn sẽ mở ra cuộc sống ngày càng thoải mái hơn.
1. Tiết kiệm
Nỗi lo lắng của nhiều người thực chất xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống. Họ muốn nhiều nhưng kiếm được chẳng là bao. Mong muốn và thực tế không tương xứng, lý tưởng lần lượt bị thực tế đánh bại, cảm giác lo lắng nảy sinh một cách tự phát.
Ngày mai là điều không ai đoán trước được. Cuộc sống sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều bất ngờ, đồng thời cũng vô tình gây ra nhiều tổn thương. Khi sức khỏe có vấn đề, bạn cần một khoản tiền lớn. Khi gia đình gặp biến cố, nếu không có đủ tiền tiết kiệm để giải quyết, bạn sao có thể không lo lắng?
Schopenhauer từng nói: “Nếu một người độc lập tài chính, họ nên coi nó như một pháo đài chống lại nhiều điều xấu và bất hạnh có thể ập đến”.
Những người dễ lo âu thực chất là luôn nhận thức được mối nguy hiểm trước khi rủi ro ập đến nhưng lại ít người có thể hành động. Tuy nói về tiền bạc có vẻ hơi tầm thường nhưng sự tầm thường ấy chính là nền tảng để một người bước đi tự tin trên đời và là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc.
Tiền không phải tất cả nhưng sẽ mở ra cho bạn nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống. Hãy kỷ luật mình trong việc tiết kiệm tiền. Khi những con số trong thẻ ngân hàng của bạn ngày càng lớn, dù có gặp khủng hoảng, bạn cũng sẽ không còn sợ hãi do dự, nỗi lo lắng sẽ dần tiêu tan.
2. Tập trung trau dồi bản thân
Suy cho cùng, nếu muốn tiết kiệm, trước tiên bạn phải kiếm được số tiền đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, nuôi sống gia đình, sau đó bạn mới có thể tiết kiệm phần còn lại.
Trong xã hội ngày càng cạnh tranh này, nhiều người sẽ dần bị đào thải. Khi đối mặt với giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp, đa phần sẽ cảm thấy hụt hẫng.
Có một câu nói rất hay rằng: "Nếu một người xoay quanh một thứ, cả thế giới sẽ xoay quanh họ; nếu một người xoay quanh cả thế giới, cuối cùng họ sẽ bị cả thế giới bỏ rơi".
Sở dĩ con người lo lắng là vì họ không có đủ năng lực. Một người luôn thay đổi đường lối chắc chắn sẽ bị mắc kẹt trong cái kén và tự đẩy mình vào vũng lầy của cuộc đời.
Chỉ bằng cách tập trung vào việc trau dồi bản thân và sự nghiệp mà bạn yêu thích, mài giũa nhiều năm, từ từ rèn luyện, từ từ trưởng thành mới là bước khởi đầu cho sự đột phá. Làm được như vậy, bạn mới có thể giảm bớt sự bất an trong lòng và có được niềm vui thành công.
3. Ngừng phàn nàn
Hayao Miyazaki, bậc thầy hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, làm việc trong một công ty hoạt hình sau khi tốt nghiệp đại học. Ông làm việc tận tâm mỗi ngày dù chỉ được sắp xếp côngg việc ở mức thấp nhất. Những ý tưởng mới lạ ông đề xuất đều bị từ chối và mức lương đương nhiên thấp đến mức đáng thương.
Trong một buổi đồng nghiệp ngồi chuyện trò, mọi người đều phàn nàn về việc bản thân đã làm việc chăm chỉ nhưng không được cấp trên coi trọng và quyết định nghỉ việc. Chứng kiến nhiều đồng nghiệp đổi nghề, Hayao Miyazaki vẫn tiếp tục kiên trì với công việc, làm đến 1, 2 giờ sáng là điều bình thường.
16 năm sau, ông bắt đầu làm phim hoạt hình nhưng lại thất bại về doanh thu phòng vé. Đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, ông vẫn không phàn nàn và bắt đầu thử sức với việc xuất bản truyện tranh nhiều kỳ lần nữa. 5 năm sau, tác phẩm của ông được dựng thành bộ phim "Nausicaa of the Valley of the Wind" và trở thành hiện tượng.
Trong suốt khoảng thời gian này, Hayao Miyazaki không bao giờ phàn nàn về những gì mình gặp phải và cũng không bao giờ hối hận về những nỗ lực mình đã bỏ ra.
Có câu nói: “Kẻ mạnh không bao giờ phàn nàn về cuộc sống, kẻ yếu luôn phàn nàn về mọi thứ trừ chính mình”.
Phàn nàn là liều thuốc độc khiến bạn yếu đuối và lo lắng hơn. Trong khi đó, kẻ mạnh sẽ trân trọng mọi thất bại trong cuộc sống và cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn.
Không có con đường nào trong cuộc đời nhất định là bằng phẳng. Nhiều khi, chúng ta phải chịu đựng gian khổ và tích cực tìm kiếm giải pháp khi những thất bại, khó khăn ập đến.
Khi một người ngừng phàn nàn và hiểu rằng làm việc chăm chỉ có thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, thì trái tim người đó sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Làm được như vậy, cuộc sống đã thành công một nửa, nỗi lo lắng sẽ giảm dần và tương lai sẽ đầy hứa hẹn!
BẢO ANH.