5 món đồ rất quan trọng khi hỗ trợ người dân vùng lũ ở miền Bắc, đoàn đi cứu trợ cần lưu ý điều gì?

Google News

Người dân các tỉnh phía Bắc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tình hình mưa lũ đang diễn ra phức tạp. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều đoàn cứu trợ đã đứng ra tổ chức quyên góp và di chuyển về các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là những lưu ý để công tác cứu trợ diễn ra hiệu quả và an toàn.

Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, nhiều người chết và mất tích, nhà cửa, tài sản bị thiệt hại, cơ sở vật chất hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng... Nước lũ lên nhanh, nhiều nơi đang bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập... Hơn lúc nào hết, người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt đang rất cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng.

Với tinh thần sẻ chia với nhân dân vùng lũ, hiện tại nhiều tổ chức thiện nguyện và cá nhân trên khắp cả nước đang di chuyển về các vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mang theo lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Tuy nhiên, công tác cứu trợ rất cần được bố trí một cách khoa học, để đảm bảo an toàn cũng như mang lại hiệu quả, kịp thời cho người dân vùng lũ. 

5 món đồ rất quan trọng khi cứu trợ bão lũ miền Bắc

+ Thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn có thể là bánh mì, lương khô, bánh ngọt (bánh gai, bánh nếp, bánh quy), sữa hộp, thịt hộp, xúc xích, cháo ăn liền,... Một số tổ chức, nhóm thiện nguyện cũng chung tay gói bánh chưng, làm cá khô, thịt chưng để ủng hộ cho người dân ở những vùng đang cần giúp đỡ.

Một hình thức đóng gói thực phẩm cứu trợ được CĐM chia sẻ: chia thành từng phần, có cả đồ ăn và nước uống, đóng túi zip, hút chân không để bảo quản được lâu và không bị ảnh hưởng bởi nước mưa, nước lũ

Cần lưu ý việc đóng gói, tránh tình trạng mưa hoặc lũ có thể làm hỏng thực phẩm. Một số đội cứu trợ đã sử dụng phương án phân chia thực phẩm thành các phần, đóng túi zip hoặc túi nilon, sau đó hút chân không để đảm bảo không chiếm diện tích và không bị ảnh hưởng bởi nước mưa, nước lũ. 

+ Nước sạch

Mưa nhiều, nước dâng cao khiến các nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, người dân không thể tiếp cận với nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống tối thiểu trong ngày. Do đó, việc đưa nước sạch đến những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai trong thời điểm này là hết sức cần thiết. 

+ Đồ dùng y tế và đồ vệ sinh cá nhân

Đối với vật dụng y tế và vệ sinh cá nhân, ngoài các loại thuốc men cơ bản như thuốc cảm, sốt, băng gạc, thuốc sát trùng, bộ dụng cụ sơ cấp cứu khẩn cấp, cần có thêm khẩu trang, xà phòng tắm, nước rửa tay khô, cồn, viên khử trùng nước sinh hoạt, băng vệ sinh…

Đặc biệt đối với các đồ dùng cho trẻ em, cần sữa bột, tã lót, nước muối sinh lý, các loại thuốc riêng dành cho trẻ em, cũng như các loại thuốc đường huyết, huyết áp dành cho người lớn tuổi.

Có thể chuẩn bị dầu gió, các loại thuốc bôi ngứa ngoài da, thuốc tiêu hóa... sẽ có ý nghĩa lớn đối với người dân ở vùng đang đối mặt với thiên tai.

+ Trang phục, đồ bảo hộ: Áo phao, đèn pin, dây thừng

Trong tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng, áo phao trở thành vật dụng vô cùng cần thiết, quan trọng đối với nhiều người, góp phần bảo đảm an toàn khi di chuyển trong nước lũ.

Mưa lũ gây sạt lở đất, nhiều nơi mất điện diện rộng, nhiều khu vực phải thực hiện công tác cứu trợ, di tản người dân trong đêm nên đèn pin là vật dụng cần có trong thời điểm này.

+ Thuyền, xuồng

Đây là phương tiện cần thiết để người dân vùng lũ có thể di chuyển. Vừa qua, trên nhiều diễn đàn, nhiều người đã lên tiếng nhờ hỗ trợ thuyền, xuồng để có thể di chuyển đến nơi an toàn.

Những điều cần lưu ý cho các đoàn cứu trợ vùng lũ

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu hộ địa phương

Khi tổ chức các đoàn cứu trợ, việc thực hiện đúng và khoa học giúp đảm bảo sự hỗ trợ đến nơi nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Điều người dân cần ghi nhớ nhất khi tham gia ứng cứu vùng lũ phải tìm đầu mối liên hệ ở địa phương. Cần đảm bảo các đoàn cứu trợ phải luôn phối hợp với lực lượng cứu hộ địa phương để hỗ trợ đúng nơi, đúng đối tượng, tránh trùng lặp.

Đồng thời, lực lượng ở địa phương cũng là đối tượng nắm rõ nhất tình hình hiện tại, các khu vực cần cứu trợ khẩn cấp, các khu vực nguy hiểm và có nguy cơ nguy hiểm, các nhu cầu hiện tại của bà con vùng lũ… từ đó, đoàn cứu trợ có thể lập kế hoạch cụ thể và phân chia công việc một cách rõ ràng.

- Cập nhật tình hình nước lũ, thời tiết trước khi lên đường

Sau khi đã có kế hoạch, đoàn cứu trợ cần đảm bảo yếu tố an toàn: Kiểm tra tình hình thời tiết, nước lũ trước khi lên đường, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cá nhân như áo phao, giày ủng chống nước và các thiết bị y tế cá nhân. Đặc biệt tuân thủ các cảnh báo của lực lượng ứng cứu địa phương, không nên di chuyển đến vùng nguy hiểm khi có cảnh báo lũ tiếp diễn hoặc sạt lở.

Tâm lý các đoàn cứu trợ thường muốn tận tay trao hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ, tuy nhiên nếu điều kiện không cho phép, các đoàn cứu trợ nên nghe theo hướng dẫn của cơ quan sở tại, tránh các trường hợp nguy hiểm. Đoàn cứu trợ cũng cần đảm bảo việc liên lạc giữa các tình nguyện viên trong đoàn, để liên tục cập nhật tình hình hiện tại. 

Khi cứu trợ, cần đưa ra các đánh giá khách quan nhất để đảm bảo hỗ trợ đúng nhu cầu. Cần đánh giá trước những gì cần thiết cho từng khu vực để tránh lãng phí và phân bổ sai nguồn lực. Tránh đưa quá nhiều quần áo cũ, thay vào đó ưu tiên những món đồ thực sự cần thiết như thực phẩm, thuốc men. Luôn lịch sự, tôn trọng người dân địa phương và không chụp ảnh hoặc quay phim người dân trong những tình huống nhạy cảm mà không được phép. 

Muốn quyên góp ủng hộ: Ở đâu và cho ai?

Nếu không thể trực tiếp tham gia cứu trợ tại các khu vực lũ lụt, việc quyên góp ủng hộ qua các kênh đáng tin cậy là một cách hữu ích để giúp đỡ người dân vùng lũ. Theo đó, người dân có thể ủng hộ bằng tiền mặt, hoặc các hiện vật thiết yếu.

Đối với tiền mặt

Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam - Ban Cứu Trợ Trung Ương đã chính thức ra thông báo các kênh thông tin tiếp nhận ủng hộ đồng bào tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra.

- Tài khoản kho bạc nhà nước (số tài khoản: 3713.0.1058784.00000 - tại sở giao dịch kho bạc nhà nước).

- Tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương (số tài khoản: 0011.00.1932418 - Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam).

- Riêng ngoại tệ, kênh tiếp nhận là tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương (số tài khoản: 001.1.37.193253.8 - Tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam).

Khi chuyển khoản, hãy ghi rõ nội dung ủng hộ (Ví dụ: “Ủng hộ bão lũ miền Bắc, ủng hộ đồng bào ảnh hưởng bão Yagi”).

Nếu ủng hộ tiền mặt trực tiếp, có thể đến Phòng Kế hoạch-Tài chính (phòng 109, phòng 111) Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam số 46 Tràng Thi – Hà Nội. Ngoài ra, một số quỹ từ thiện mở dịch vụ quyên góp qua SMS hoặc ví điện tử (MoMo, ZaloPay,...) để tạo sự thuận tiện cho mọi người tham gia.

Ủng hộ hiện vật

Nếu quyên góp hiện vật, các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men, quần áo… có thể quyên góp thông qua các tổ chức như Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đều có kênh tiếp nhận quyên góp tiền và vật phẩm để vận chuyển đến địa phương bị ảnh hưởng. Có thể liên hệ với các quỹ cứu trợ bão lũ tại trực tiếp địa phương, hoặc chính quyền địa phương để ủng hộ trực tiếp. 

Hiện tại, trên MXH có rất nhiều đoàn cứu trợ kêu gọi ủng hộ tiền mặt và hiện vật. Mọi người cần bình tĩnh, lựa chọn những nhà thiện nguyện có uy tín để sự hỗ trợ của mình đến được với bà con vùng lũ.

Việc cứu trợ bão lũ là một hành động thiết thực và ý nghĩa, dù là tham gia trực tiếp hay gián tiếp, mỗi đóng góp đều mang lại hy vọng và sự ấm áp cho người dân vùng lũ trong những thời khắc khó khăn.

H.A