7 năm kết hôn nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác được chồng thương yêu che chở. Ngược lại, trong cuộc sống gia đình, tôi giống như 1 cái máy, vừa đi làm, vừa chăm chồng, chăm con, chăm cả gia đình nhà chồng. Vậy mà mỗi lần nói bản thân mệt mỏi, chồng liền mắng:
“Ở nhà này thấy mệt thì cô cứ về sống với bố mẹ cô cho nhàn”.
Khi chồng hay bố mẹ chồng ốm, tôi nâng giấc chăm chút từng ngày. Đổi lại, khi tôi đổ bệnh nhờ anh đưa đi khám, mặt anh lạnh tanh bảo:
“Tự đi xe vào viện, đừng động tí hành chồng”.
Khi tôi đổ bệnh, nhờ chồng đưa đi khám thì mặt anh lại lạnh tanh. (Ảnh minh họa)
Cứ như thế, tôi lầm lũi sống trong cuộc hôn nhân của mình, lúc nào cũng phải ra sức chăm lo, vun đắp cho nó, còn chồng như người ngoài cuộc. Thậm chí có lần trên đường đi làm về, xe máy của tôi bị hỏng, trời tối, đường vắng, không tìm được quán nào sửa xe, tôi đành gọi chồng. Song thay vì chạy tới giúp, anh làu bàu:
“Đi xe hỏng tự phải biết xử lý. Còn không từ sau đừng đi nữa”.
Cũng may hôm ấy tôi nhờ được người đi đường giúp đỡ mới về được tới nhà. Vậy mà câu đầu tiên chồng tôi nói khi thấy vợ mở cổng đi vào là:
“Vào bếp nấu cơm nhanh lên. Vì cô mà tối nay cả nhà tới giờ này vẫn chưa được ăn”.
Mệt mỏi nhất là anh luôn yêu cầu vợ phải thể hiện tốt vai trò dâu hiền vợ thảo với gia đình, họ hàng. Mỗi khi nhà có giỗ lễ, dù nấu 5 mâm hay mười mâm cũng chỉ mình tôi lo liệu. Anh nói rằng:
“Em là dâu trưởng, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho các em dâu. Cũng đừng bao giờ khiến chồng mất mặt, họ hàng đánh giá lấy được cô vợ không ra gì, không biết dạy vợ”.
Vì muốn đẹp mặt bản thân, chồng tôi bất chấp tất cả những lo toan nhọc nhằn vợ phải chịu. Lần nào ăn uống cỗ bàn xong, tôi cũng cặm cụi rửa bát đũa, dọn dẹp một mình cả ngày trời không hết việc. Họ hàng giữ ý, họ bảo ra rửa bát cùng, chồng tôi liền xua tay:
“Mọi người cứ lên nhà ngồi nghỉ. Vợ tôi làm quen rồi. Có mấy mâm bát đĩa không rửa được thì còn làm trò trống gì?”.
Hôm đó giỗ bố chồng tôi, anh lại sai vợ làm 10 mâm cỗ. Đúng hôm tôi thấy trong người không khỏe nên bàn:
“Giỗ lần này của bố chắc phải gọi 2 cô (2 em chồng tôi) về nấu nướng cùng hoặc thuê người làm cỗ. Một mình em làm sợ không kịp vì em lại đang ốm”.
Song chồng tôi nhất định không chấp nhận, các em anh được đà càng ỉ lại lừa cả cho chị dâu. Cuối cùng, tôi đành dậy từ 3h sáng để vào bếp, xoay xở quay cuồng tới chóng mặt, 11h cũng xong. Lúc ngồi vào mâm, thiếu quả ớt, miếng chanh chồng lại gọi.
Cỗ bàn xong xuôi, cả nhà chồng ngồi cười nói, hát hò trên nhà còn tôi mướt mải mồ hôi với chục mâm bát đũa chất ngổn ngang. Trong lúc nghĩ ngợi, tôi khua tay phải con dao trong chậu bát, vết thương sâu, máu chảy tới đỏ loang cả chậu. Nhưng thay vì đau chỗ đứt tay, tôi lại chỉ thấy buốt lòng, tủi thân tới cùng cực.
Đúng lúc đó, chồng tôi đi xuống. Nhìn vợ bị đứt tay, anh không hỏi han nửa lời còn mắng:
“Rửa cái bát cũng không nên hồn. Băng tay lại rồi lên nhà dọn mấy mâm trên nhà”.
Nhìn vợ bị đứt tay, anh không hỏi han nửa lời còn mắng. (Ảnh minh họa)
Câu nói của chồng cùng chậu nước loang vết máu khiến tôi như tỉnh con u mê, để hiểu rằng mình thực sự đã cạn sức cho cuộc hôn nhân hiện tại. Nếu còn cố thêm, tôi sẽ chỉ có mất, không có được. Kể cả tôi có tiếp tục hi sinh nhiều hơn nữa cũng sẽ chẳng nhận được sự yêu thương, trân trọng từ chồng. Vậy là không đắn đo thêm, tôi đứng dậy tuyên bố:
“Tôi mệt rồi, cần được nghỉ ngơi. Các việc còn lại anh tự làm”.
Chồng tôi đỏ mặt hỏi vợ:
“Mới rửa mấy cái bát đã kêu mệt là sao?”.
Giọng tôi đanh lại đáp:
“Là tôi nói, làm vợ anh tôi quá mệt rồi. Chúng ta ly hôn. Tôi không thể sống với người chồng coi vợ như cái máy làm việc, không quan tâm, không lo lắng, chỉ đòi hỏi và yêu sách như anh. Coi như 7 năm qua tôi mù quáng hi sinh vì một người không xứng đáng”.
Vậy là tôi dứt khoát ly hôn, chấm dứt cuộc hôn nhân 7 năm tại phút đó.
NẮNG