Anh kỹ sư bỏ việc mang cây lạ ở nước ngoài về trồng trong vườn nhà, hái quả bán 20 triệu đồng/kg, nhiều người đến học hỏi

Google News

Loại quả này là gia vị đắt đỏ thứ 2 thế giới, được ví như "vàng xanh", ở Việt Nam nhiều người đổi đời nhờ trồng thành công.

Vani là một loại gia vị quen thuộc ở Việt Nam và cả thế giới. Thứ quả này sở hữu hương thơm và mùi vị tinh khiết hết sức đặc trưng. Không chỉ được thêm vào các món tráng miệng như bánh ngọt, kem,... mùi hương của vani còn được đem vào cả các loại túi thơm, gấu bông và thậm chí là nền công nghiệp nước hoa.

Vani là quả gia vị có giá vô cùng đắt đỏ, được ưa chuộng trên thế giới

Sở dĩ vani có giá đắt đỏ là bởi chúng phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều sức lao động mới có thể thu hoạch được. Cây vani phát triển rất chậm so với các loại cây khác. Cụ thể, trên thực tế, cây vani được trồng từ 2-3 năm mới ra hoa và đặc biệt hoa chỉ nở trong đúng 1 ngày trong năm. Do đó, nếu ngày hoa vani nở mà không thụ phấn thủ công kịp thì hoa sẽ tàn đi và người trồng sẽ phải đợi tới một năm sau để hoa nở lại.

Ở Việt Nam, một số người đã trồng thành công vani, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí và đã làm công việc tư vấn thiết kế xây dựng tại TP.HCM, anh Vương Nam (Đồng Nai) vẫn có niềm đam mê với nông nghiệp sạch. Năm 2018, anh bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng vani theo công nghệ cao.

Anh Vương Nam (Đồng Nai) trồng thành công vani trên khu đất 500m2

Trên khu đất rộng 500m2, anh Nam bỏ vốn hơn 300 triệu đồng để trồng loại gia vị lạ này. Trang trại trồng vani của anh được lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới tự động, định vị quan trắc… Các thông tin về trang trại được số hóa và truyền tải đến anh Nam thông qua ứng dụng trên thiết bị kết nối internet như máy tính, điện thoại thông minh.

"Nhờ số hóa, vườn vani đảm bảo các yếu tố từ dinh dưỡng, độ ẩm và không khí nhằm giúp cây mới phát triển tốt", anh Nam chia sẻ.

Thời gian xử lý để hoa vani thụ phấn để cho trái khoảng 9 tháng. Một dây vani có thể cho vài trăm hoa nhưng thụ phấn nhân tạo chỉ giới hạn 40 - 50 hoa. Những hoa còn lại sẽ bị ngắt bỏ để những hoa đã thụ phấn phát triển mạnh hơn.

"Trong điều kiện nhà lưới, năm đầu thu hoạch, cây vani cho năng suất 150kg trái tươi/1.000m2. Sản lượng trái vani sẽ tăng 20% cho mỗi năm sau. Hiện, trên thị trường giá trái vani giao động 10 - 20 triệu đồng/kg", anh Nam chia sẻ. 

Quả vani khô được bán ở Việt Nam với giá từ 10-20 triệu đồng

Cũng thành công nhờ mô hình trồng vani, anh Trung (ở Bình Dương) đặt cây giống từ nước ngoài về để trồng thử nghiệm vào năm 2015. Lúc mới khởi nghiệp, anh Trung gặp thất bại vì chưa có kinh nghiệm, cây yếu, chết dần vì úng. Sau đó, anh dần tìm ra những nguyên nhân để khắc phục.

Anh Trung phải mất thêm 2 năm chờ đợi, những trụ vani mới xanh tốt, khỏe mạnh. Không phụ lòng người, tới năm 2018, những bông hoa vani đầu tiên xuất hiện, mở ra hi vọng cho người đàn ông này. 

Anh Trung bỏ việc kinh tế để trồng vani

Anh quyết định nghỉ việc văn phòng, thuê mảnh đất 3.000m2 để mở trang trại tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Hoa vani chỉ nở đúng 1 ngày trong năm. Nếu ngày hoa nở mà không thụ phấn kịp, đến chiều, hoa tự xếp cánh, 1 năm sau hoa mới nở lại. Do đó, thời điểm hoa nở, cần rất nhiều nhân công để làm việc. Những cây vani được thụ phấn bằng tay đến khi trái chín phải mất tới 9 tháng.

Anh cho biết cây vani này thụ phấn hoàn toàn bằng tay nên anh phải thuê thêm nhân công cho trang trại của mình. Thời gian thụ phấn cho 1 mùa trung bình là 45 ngày.

Sau khi thu hái, trái vani tiếp tục được xử lý bằng một tiến trình lên men đặc biệt. Quá trình đem phơi nắng rồi ủ kín ban đêm kéo dài từ 2-3 tháng cho đến khi hạt vani chuyển sang màu nâu đen và giảm đến 80% trọng lượng ban đầu. Trên thị trường, giá bán vani khô dao động từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng/kg.

Cây vani ra hoa kết trái sau 2 năm trồng khi đạt các điều kiện sau: đúng vây giống, giá thể trồng, nước tưới, dinh dưỡng, ánh sáng và nhiệt độ.

Cùng với việc chia sẻ mô hình với bà con nông dân, anh Trung còn tiếp tục học hỏi, nghiên cứu tài liệu để thử nghiệm việc chế biến quả vani. Anh dự định mở rộng trang trại đến 5 ha để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Thời gian tới, anh đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu loại gia vị này ra thế giới.

H.A