Bà chủ ở Sài Gòn giảm 4kg/tháng nhờ bỏ làm một việc vào buổi sáng, bác sĩ nhắc "đừng cố học theo"

Google News

Sau gần 3 tháng nhịn ăn sáng, chị Nguyên Hồng giảm được hơn 5kg, nhưng thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu khi ăn quá no.

Bỏ bữa sáng để giảm cân

Chị Nguyên Hồng (40 tuổi), hiện kinh doanh tự do tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Mới đây, chị chia sẻ đã giảm được 4kg trong 1 tháng lên nhóm ăn uống để giảm cân có nhiều thành viên nữ tham gia. “Tôi không ăn sáng. Một ngày tôi chỉ ăn bữa trưa lúc 12 giờ, bữa tối lúc 19 giờ. Tôi không ăn vặt hay uống nước ngọt, bia rượu. Duy trì cách ăn như vậy trong một tháng, tôi giảm được 4kg”, chị Nguyên Hồng viết.

Một bữa ăn "xả láng" với bạn bè của chị Nguyên Hồng. Ảnh: NVCC.

Dưới bài chia sẻ về cách ăn của chị Nguyên Hồng, nhiều người đặt câu hỏi, nhưng cũng có một số người cho biết, đó cũng là cách ăn để giảm cân của mình. Trong đó, một thành viên tên Việt Hương chia sẻ, đã giảm được 5kg trong một tháng nhờ cách ăn này.

Chia sẻ với chúng tôi một ngày mới đây, chị Nguyên Hồng cho biết, chị có chiều cao 1m56 nhưng trước đây nặng hơn 60kg. Do cân nặng quá khổ, trong khi chiều cao khiêm tốn nên chị không thể chưng diện được nhiều mẫu quần áo đẹp, vì vậy chị muốn giảm cân. Khi được người quen chia sẻ về phương pháp nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân hiệu quả, chị làm theo.

Phương pháp ăn chị Nguyên Hồng chọn là nhịn ăn 16/8. Tức là, trong một ngày chị sẽ nhịn từ 14-16 giờ và ăn trong 8 giờ còn lại. Bữa sáng chị sẽ nhịn, sau đó ăn trưa bằng một chén cơm cùng thịt, cá, trứng vừa đủ, cộng với nhiều rau xanh và trái cây. “Tôi không ăn xế. Đến 7 giờ tối, tôi ăn khẩu phần như bữa trưa và nhịn đến 12 giờ trưa hôm sau mới ăn lại. 2 ngày cuối tuần, tôi cho phép mình “xả” nhưng không ăn quá nhiều”, chị Nguyên Hồng chia sẻ.

Chị cho biết, trong 2 tuần đầu áp dụng cách ăn trên, chị bị run tay, người thường xuyên mệt mỏi, bụng cồn cào vì đói. Bước sang tuần ăn thứ 3, chị bắt đầu cần bằng, các triệu chứng trên dần hết.

Đến nay, sau gần 3 tháng nhịn bữa sáng, chị Nguyên Hồng giảm từ 60kg xuống còn 55kg và cơ thể cũng đã quen với cách ăn này. Tuy nhiên, chị không thể ăn nhiều trong một bữa và thường mệt, khó chịu khi ăn quá no.

Bỏ bữa sáng kéo dài - Không phải ai cũng áp dụng được

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhịn ăn gián đoạn là một phương pháp ăn uống thay đổi lịch trình ăn để giảm thiểu lượng calo đầu vào hàng ngày, bằng cách nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, sau đó ăn uống bình thường trong khoảng thời gian còn lại.

Hiện có 3 phương pháp nhịn ăn gián đoạn phổ biến là phương pháp 16/8, phương pháp 5/2 và phương pháp Eat-Stop-Eat. Phương pháp chị Nguyên Hồng đang ăn là 16/8, có nghĩa là bạn sẽ nhịn ăn 16 giờ/ngày, sau đó ăn uống bình thường trong 8 giờ còn lại. Tức là, bạn có thể bắt đầu nhịn ăn lúc 20 giờ tối hôm trước và kết thúc vào 12 trưa hôm sau, sau đó ăn uống bình thường trong khoảng thời gian còn lại của ngày.

Theo bác sĩ Tuấn, nhịn ăn gián đoạn có thể giúp giảm cân cho người muốn giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa một số bệnh tật, trong đó có bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đặc điểm cơ thể, chế độ ăn uống và lối sống của mỗi người.

Tác dụng phụ của nhịn ăn gián đoạn là có thể khiến người ăn gặp một số phản ứng như có cảm giác đói và chóng mặt, rối loạn ăn uống, tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, thiếu chất dinh dưỡng, tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch… nếu thực hiện không đúng cách. 


Theo các bác sĩ, nhịn ăn gián đoạn có mặt tích cực nhưng sẽ có tác dụng phụ nếu nếu áp dụng không đúng. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, phương pháp ăn này chỉ nên dùng như một phương pháp giảm cân và cải thiện sức khỏe, không phải ai cũng phù hợp nhất là những người có tiền sử bệnh lý hoặc đang sử dụng thuốc điều trị. Vì vậy, bác sĩ Tuấn khuyên, người ăn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu thực hiện.

Còn theo BS.CKII Phan Tất Khánh Dương, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, nhịn ăn gián đoạn 16/8 không giống như việc bỏ đói cơ thể hoặc hạn chế lượng calo và không được khuyến khích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những trường hợp bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường, có tiền sử ăn uống không điều độ, đang mang thai. 

Bác sĩ Dương cũng cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc ăn và nhịn ăn vào bữa nào sẽ giúp chúng ta giảm cân hiệu quả. Việc giảm cân phụ thuộc vào lượng calo chúng ta nạp vào ít hơn lượng calo chúng ta tiêu thụ hằng ngày và do chế độ vận động, tập luyện mang lại.

“Với những người coi bữa sáng là chủ đạo, việc hạn chế hoặc thậm chí nhịn ăn sáng có thể giúp họ giảm cân. Tuy nhiên, đối với những người đặt nặng tầm quan trọng của bữa trưa hoặc bữa tối thì việc nhịn bữa sáng đối với họ có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí họ còn có thể tăng cân do ăn nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối”, bác sĩ Dương nhấn mạnh.

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

DIỆU THUẦN