Từng khiến vua Lý Cao Tông kinh hoảng, chúa Trịnh Giang đào hầm để sống, đây là căn bệnh lạ nào trong sử Việt?

Google News

Lịch sử nước ta có không ít câu chuyện kể về những chứng bệnh lạ mà vua, chúa mắc phải. Trong đó, căn bệnh dưới đây từng khiến vua Lý Cao Tông (nhà Lý) và chúa Trịnh Giang (thời vua Lê - chúa Trịnh) sợ hãi, thậm chí phải đào hầm để sống.

Tương truyền, thời trị vì, vua Lý Cao Tông có bệnh sợ sấm. "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi lại rằng, mỗi khi nghe tiếng sấm, vua vô cùng hoảng hốt. Cận thần được vua yêu quý lúc bấy giờ là Nguyễn Dư được đồn có khả năng ngăn chặn tiếng sấm. 

Tuy nhiên, khi sấm vang lên, vua ra lệnh cho Nguyễn Dư thử phép, ông ngửa mặt lên trời đọc thần chú, nhưng tiếng sấm càng thêm dữ dội. Vua hỏi, Dư trả lời: “Thần răn cấm mãi rồi, nhưng vì trời cao nên nó còn dữ tợn như thế!”. Do được vua tin tưởng, Nguyễn Dư không bị xử tội, nhưng bệnh sợ sấm của Lý Cao Tông vẫn không thể chữa trị.

Lý Cao Tông không phải vị vua duy nhất sợ sấm. Vào thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh Giang cũng mắc bệnh sợ sấm sét. Bộ sử nhà Nguyễn, trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã chép lại một cách châm biếm về các chúa Trịnh, ghi rằng: “Từ ngày làm việc bạo nghịch giết vua, Trịnh Giang lấn quyền càn rỡ mỗi ngày một quá, dâm dục chơi bời không còn có mức độ nào cả, sau mắc chứng bệnh kinh quý, sợ sấm sét”. 

Lịch sử Việt Nam có nhiều vị vua chúa mắc hội chứng sợ sấm. (Ảnh minh họa).

Căn bệnh này khởi phát sau một lần chúa Trịnh Giang bị sét đánh suýt chết. Sau đó, mọi người đã phao tin rằng đó là vì dâm dục nên bị ác báo, cách duy nhất để tránh tai họa là đào hầm dưới đất mà ở, họa may mới thoát nạn kiếp. Trịnh Giang bèn làm theo, dựng cung Thưởng Trì dưới lòng đất để sinh sống, không dám ra ngoài nữa.

Dù chưa có tài liệu cụ thể nào nghiên cứu cụ thể về chứng bệnh của vua Lý Cao Tông hay chúa Trịnh Giang, nhưng nếu chỉ xét về chứng sợ sấm thì dựa theo khoa học hiện nay, vua Lý Cao Tông và chúa Trịnh Giang có thể mắc hội chứng sợ sấm.

Tìm hiểu về hội chứng sợ sấm

Hội chứng sợ sấm có tên khoa học là Astraphobia, còn có các tên gọi khác là astrapophobia, brontophobia, keraunophobia hoặc tonitrophobia, là một nỗi sợ bất thường về sấm và sét, đây được xem là một loại ám ảnh cụ thể.

Đây là một loại ám ảnh phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Những người mắc phải hội chứng này sẽ trải qua cảm giác sợ hãi tột độ đối với những hiện tượng thiên nhiên như sấm chớp, mưa bão hay các tiếng động mạnh từ ngoài trời. Hội chứng này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bệnh nhân, từ việc hạn chế các hoạt động ngoài trời, đến những ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm lý.

Hội chứng sợ sấm có thể xuất hiện ở cả người lớn lẫn trẻ em. (Ảnh minh họa).

Trong thực tế thì sấm sét là yếu tố nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến cả tính mạng con người nên việc sợ hãi khi nhìn thấy sấm sét là phản ứng khá bình thường. Tuy nhiên, với những người mắc hội chứng Astraphobia thì khác. Mức độ sợ hãi khi họ đối diện với sấm sét cao hơn. Họ có thể cảm thấy vô cùng căng thẳng, sợ hãi, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, lo âu, thậm chí là mất kiểm soát hoặc la hét dữ dội, bỏ chạy khi nghe hay nhìn thấy sấm sét. Mặc dù đây là chứng sợ hãi khá phổ biến, nhưng hiện nay vẫn chưa được DSM-5 công nhận là một rối loạn riêng biệt.

Nguyên nhân hình thành nỗi sợ sấm

Theo giả thuyết của các nhà khoa học thì hội chứng sợ sấm sét thường sẽ có liên quan đến những ám ảnh trong quá khứ, yếu tố di truyền hoặc sự căng thẳng, lo lắng trong thời gian dài. Cụ thể một số yếu tố có thể tác động và làm gia tăng nguy cơ khởi phát Astraphobia như:

1. Tổn thương xảy ra trong quá khứ

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng sợ sấm là những trải nghiệm tiêu cực hoặc tổn thương trong quá khứ liên quan đến sấm sét. Trẻ em là đối tượng đặc biệt có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ nếu chúng chứng kiến một cơn bão mạnh hoặc một sự cố tai nạn do sấm sét. 

Các trải nghiệm này có thể tạo ra một phản ứng ám ảnh về sau, khiến chúng cảm thấy lo lắng và sợ hãi mỗi khi có tiếng sấm hoặc tia chớp. Đối người lớn, hội chứng này có thể liên quan đến những hiện tượng tự nhiên nguy hiểm, chẳng hạn như: người thân từng chết vì sét đánh, sấm sét gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tai nạn do sấm sét, mưa bão,... thì cũng đủ để làm cho họ trở nên sợ hãi khi gặp lại các tình huống tương tự.

Bệnh sợ sấm có thể xuất phát từ ám ảnh trong quá khứ. (Ảnh minh họa).

2. Do di truyền

Theo nghiên cứu nhận thấy rằng, các ám ảnh sợ hãi cụ thể có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Mặc dù vẫn chưa tìm ra bất kỳ loại gen nào có tác động đến sự phát triển của hội chứng sợ sấm sét, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng, nếu một thành viên trong gia đình đã từng mắc phải các rối loạn lo âu như: sợ hãi hoặc rối loạn lo âu tổng quát, thì các thành viên khác trong gia đình có thể có nguy cơ mắc phải các vấn đề tương tự.

3. Ảnh hưởng từ môi trường sống

Môi trường sống có thể bao gồm những yếu tố như sự nuôi dưỡng và các ảnh hưởng từ gia đình hoặc cộng đồng, nơi mà sự sợ hãi không được hóa giải hoặc thiếu hỗ trợ tâm lý. Người lớn giống như tấm gương phản chiếu để trẻ nhỏ học theo. Do đó, nếu như ngay từ nhỏ, trẻ đã thấy người thân có phản ứng sợ hãi, lo lắng, căng thẳng quá mức đối với sấm sét thì trẻ sẽ hiểu rằng đây là yếu tố nguy hiểm và dần hình thành nên nỗi sợ kéo dài. 

Mặt khác, những người sống ở khu vực có tần suất dông bão cao hoặc trong những vùng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể dễ bị hình thành nên sự sợ hãi nếu chúng chứng kiến những trận bão mạnh hoặc các sự kiện thời tiết cực đoan. 

4. Căng thẳng, stress kéo dài

Căng thẳng và stress kéo dài được xem là căn nguyên của chứng lo âu, bao gồm cả hội chứng sợ sấm. Khi một người đang trải qua giai đoạn căng thẳng trong cuộc sống, ví dụ như: công việc, học tập hoặc vấn đề gia đình, hệ thần kinh của họ có thể trở nên nhạy cảm hơn với những yếu tố kích thích. Điều này có thể khiến họ phản ứng mạnh mẽ hơn với các tình huống mà người khác cảm thấy bình thường. Căng thẳng lâu dài có thể làm suy yếu khả năng đối phó với cảm xúc, dẫn đến việc người bệnh dễ bị hoảng sợ.

Căng thẳng kéo dài có thể khiến thần kinh nhạy cảm hơn với những yếu tố kích thích. (Ảnh minh họa).

5. Mất cân bằng hóa chất trong não

Những hóa chất thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine có ảnh hưởng trực tiếp đến các cảm xúc và hành vi của con người. Khi sự cân bằng của các hóa chất này bị thay đổi, có thể dẫn đến sự nhạy cảm quá mức đối với các yếu tố gây lo âu, bao gồm cả sự xuất hiện của những yếu tố bình thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự mất cân bằng hóa chất có thể làm tăng khả năng xuất hiện các triệu chứng lo âu, đặc biệt là khi đối mặt với các tình huống kích thích.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ sấm sét

Các triệu chứng của hội chứng sợ sấm có thể thay đổi tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phản ứng của từng người đối với sấm sét. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến mà người mắc hội chứng này thường gặp phải bao gồm:

1. Lo âu và sợ hãi mãnh liệt

Người bệnh cảm thấy hoảng sợ ngay khi có dấu hiệu dông bão như: khi trời tối, có đám mây đen hoặc những tiếng gió mạnh. Ngay cả khi không có sấm sét, họ cũng cảm thấy lo lắng về khả năng xảy ra cơn bão.

2. Cảm giác mất kiểm soát

Khi nghe tiếng sấm hoặc thấy tia chớp, người mắc hội chứng sợ sấm có thể cảm thấy mình không thể kiểm soát được cảm xúc hoặc hành động của mình, dẫn đến việc họ có thể hành động vội vã hoặc tìm nơi ẩn nấp ngay lập tức. Một số người khác có thể trải qua cơn hoảng loạn khi đối mặt với sấm sét.

Cảm giác này có thể kèm theo sự rối loạn tâm lý như: mất phương hướng, lo sợ rằng một điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra hoặc cảm giác rằng họ đang gặp nguy hiểm. Những người mắc hội chứng sợ sấm có thể cố gắng tránh mọi tình huống có thể dẫn đến sấm sét như: tránh ra ngoài trời khi có mây đen, thậm chí, họ sẽ tìm cách trốn tránh khi có thông báo bão, dông sét sắp xảy ra, có thể làm ảnh hưởng đến công việc, học tập và các hoạt động xã hội.

Người mắc hội chứng sợ sấm phải đối diện với cảm giác sợ hãi mãnh liệt. (Ảnh minh họa).

3. Phản ứng căng thẳng từ cơ thể

Các phản ứng thể chất thường gặp là tim đập nhanh, cảm thấy nghẹt thở hoặc thở dốc, đổ mồ hôi, run rẩy hoặc cảm giác căng cơ. Đặc biệt, nhiều người có thể cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt. Một số trường hợp khác, những người mắc hội chứng sợ sấm có thể trở nên cáu kỉnh, lo lắng hoặc dễ bị tổn thương tinh thần, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với những tình huống liên quan đến sấm sét khiến cho họ cảm thấy không thoải mái trong các cuộc trò chuyện hoặc trong các tình huống xã hội.

Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị mất ngủ hoặc có giấc ngủ không yên khi nghĩ về việc có cơn bão sắp đến, sau đó liên tưởng đến khả năng có sấm sét. Điều này khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và có thể bị ám ảnh với những suy nghĩ tiêu cực.

AN THANH