Chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng
Điên điển là loại loại cây thân gỗ, hoa có màu vàng, sống chủ yếu ở vùng ngập nước theo mùa ở đồng bằng Sông Cửu Long (Đồng bằng Nam bộ) nước ta. Do mọc ở vị trí đặc biệt, cây dễ thích nghi với môi trường và có sức sống mãnh liệt.
Mỗi năm, vào mùa lũ, hoa điên điển bắt đầu xuất hiện, kéo dài tầm 3-4 tháng. Lúc này, người dân nơi đây chèo xuồng đi hái làm rau ăn hoặc bán với giá 50 - 60 ngàn đồng/kg. Đến khoảng tháng 11 âm lịch, lũ dần rút cũng là lúc hoa bắt đầu tàn.
Người dân đang chèo ghe (thuyền) đi hái hoa điên điển. Ảnh minh họa.
Theo BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3, bộ phận dùng được của cây điên điển là hoa, lá và hạt. Trong đó, hoa điên điển không chỉ dùng để làm thuốc chữa bệnh mà chủ yếu dùng trong ẩm thực với các món ăn như: điên điển xào trứng, muối chua, trộn với dừa nạo và làm bánh khọt…
Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, Phó chủ tịch Hội đông y - Hội châm cứu tỉnh Cà Mau, hoa điên điển được người dân Nam Bộ thường dùng làm các món gỏi, xào với tôm, thịt, tép hoặc thịt bằm và làm nhân bánh xèo. Ngoài ra, nó còn được chế biến thành các món đặc sản như nấu canh chua, lẩu chua với cá rô đồng, cá lóc, cá linh...
Những món ăn từ hoa điên điển thường ngon miệng, tốt cho người nóng bứt rứt, khó ngủ, táo bón, dễ bị mụn nhọt. Ngoài ra, nó giúp kích thích tiêu hóa, nhuận trường, giải nhiệt, giải độc, có ích cho người suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, nhất là những người bị tiểu đường…
Hoa điên điển có thể chế biến được nhiều món ngon, nhất là canh chua hoặc lẩu với cá linh. Ảnh: BL.
Các bài thuốc từ điên điển
Theo các bác sĩ, trong đông y, hoa, lá và hạt của điên điển có vị ngọt, đắng, tính mát, tác dụng an thần, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận trường… dùng trong các trường hợp cảm sốt do phong nhiệt, mất ngủ, mụn nhọt, táo bón, ăn uống kém.Trong đó, nước cốt từ lá điên điển có tính tẩy nên được dùng để uống giúp xổ giun. Ngoài ra, nó còn được dùng ngoài da với công dụng giảm đau, chống viêm, làm dịu da viêm nhiễm, mụn nhọt và áp xe.
Hạt điên điển được dùng trong trường hợp da bị ngứa ngáy, viêm tấy bằng cách giã nát rồi trộn với bột gạo và đắp lên. Nước sắc từ hạt điên điển có tác dụng điều kinh, giảm tiêu chảy và làm săn da.
“Nhựa điên điển có màu trắng, dùng điều trị giời leo. Lấy nhựa từ đọt điên điển non tra vào vết giời leo và để khô tự nhiên, khi thấy khô thì tra tiếp nhựa khác lên, chỉ vài lần như thế là khỏi. Lưu ý, để thực hiện cách trị bệnh này thì nên hái điên điển vào buổi sáng sớm để được nhiều nhựa”, lương y Nguyễn Kỳ Nam chia sẻ.
Theo lương y Nguyễn Kỳ Nam, rễ cây điên điển được dùng trong trường hợp bị mụn nhọt, áp xe hoặc bọ cạp cắn bằng cách rửa sạch, giã nát và đắp lên.
Hoa điên điển là thực phẩm giàu folate, đóng một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của thai nhi và có lợi cho phụ nữ mang thai.
Điên điển có thể xào với tôm, tép ăn rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Các bác sĩ cho biết, từ lâu, người dân Nam Bộ đã dùng hoa điên điển để làm thuốc bổ tim, bằng cách, dùng hoa bỏ cuống, chưng cách thủy với đường phèn. Mỗi ngày ăn 100-200 gam liên tục trong nhiều ngày sẽ rất tốt.
Với những người bị mụn nhọt có thể dùng lá điên điển rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp lên chỗ đau giúp bớt sưng và mau lành miệng. Dùng 12 - 16 g hạt điên điển khô sắc uống hằng ngày sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt.
Dù điên điển tốt, nhưng các bác sĩ lưu ý, lá cây điên điển được biết đến với công dụng ngừa thai và hạt điên điển cũng cho thấy hoạt tính diệt tinh trùng. Vì vậy, cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi uống.
Hạt điên điển tươi có độc. Vì vậy, muốn sử dụng hạt, cần ngâm hạt trong ba ngày mới nấu chín.
DIỆU THUẦN