Chiều ngày 29/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra với môn thi tiếng Anh, 24 mã đề, mỗi thí sinh sẽ làm một mã đề trong vòng 60 phút. Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc bài thi đã nổ ra nhiều tranh cãi.
Câu 50 trong mã đề 409 gây tranh cãi.
Trong câu hỏi chung xuất hiện ở một số đề như câu 50 mã đề 409, câu 31 mã đề 401…đề thi yêu cầu thí sinh đánh dấu vào các phương án A, B, C, D trên phiếu trả lời để chỉ ra phần gạch chân cần sửa lỗi:
"Their pioneering (A) research showed that the learning motivation of the two groups of learners was quite distinctive (B) from each other, and the comparative (C) group whose learning motivation was stronger performed better than the control (D) group".
(Tạm dịch: Nghiên cứu tiên phong của họ cho thấy động cơ học tập của hai nhóm người học khá khác biệt với nhau, và nhóm thí nghiệm, với những người có động cơ học tập mạnh mẽ hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn nhóm đối chứng).
Các đáp án được Bộ GDĐT đưa ra là: A, pioneering (tiên phong); B, distinctive (khác biệt); C, comparative (thí nghiệm/so sánh); D: control (đối chứng/kiểm soát).
Nhiều thí sinh chọn đáp án B, trong khi đó có thí sinh lúng túng điền là C. Cộng đồng giáo viên Tiếng Anh cũng đưa ra 2 ý kiến trái khác nhau xoay quanh đáp án này. "Đáp án comparative là đáp án theo kiểu không ai dùng, còn để nói là sai hẳn thì trong câu này chỉ có distinctive thôi", một ý kiến nêu.
Chiều 3/7, Bộ GDĐT chính thức công bố đáp câu hỏi này là B khiến cuộc tranh cãi càng trở nên gay gắt hơn.
Đáp án chính thức của Bộ GDĐT.
Thầy Luyện Quang Kiên, giáo viên IELTS ở Hà Nội, từng 5 lần đạt 9.0 IELTS cho hay: "Trong câu này cả đáp án B và C đều đúng.
Đáp án sửa distinctive thành distinct sẽ phù hợp với đề dành cho học sinh cấp 3 hơn - đúng với nguyên tắc ra đề hơn. Tuy nhiên không tồn tại khái niệm là comparative group, mà chỉ có comparison group nên đáp án này cũng hoàn toàn hợp lý. Nhưng những thuật ngữ này sẽ phù hợp với học sinh đại học hơn, khi họ phải đọc về nghiên cứu khoa học. Cho vào đề thi của học sinh cấp 3 sẽ không phù hợp với năng lực. Học sinh không có nghĩa vụ phải hiểu điều này.
Học sinh tìm được đáp án và có lý do xác đáng để chứng minh được đáp án đó thì vẫn nên được tính điểm. Vấn đề đến từ khâu ra đề, chứ không phải đến từ học sinh. Nếu không được tính điểm sẽ không công bằng và ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các bạn. Một câu thôi cũng quyết định đỗ hay trượt. Mong Bộ GDĐT xử lý khéo léo vụ này".
Cô Mai Phương, giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội nêu quan điểm: "Tôi không đồng tình với việc đáp án comparative không được công nhận là từ có lỗi sai. Điều này gây thiệt thòi lớn cho các bạn học sinh giỏi, dân luyện IELTS vì đã nhận ra lỗi sai này. Một câu hỏi có giá trị 0,2 điểm và 0,4 điểm (với các em xét các ngành nhân đôi Anh) là 1 số điểm lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến các em khi xét tuyển. Tôi khẳng định đáp án comparative này là một đáp án đúng hoàn toàn".
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, lại cho rằng đáp án đúng chỉ là B.
Cô Lê Hồng Ngọc, CEO trung tâm tiếng Anh Impetus English, từng học chuyên Anh ở THPT, top 5 khối D vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, tham gia chương trình 8 IELTS và được cấp Chứng chỉ giảng dạy Quốc tế TESOL và là chị Kính Hồng trong Chúc bé ngủ ngon một thời cũng nêu ý kiến: “Đáp án là B vì dùng distinct from each other mới đúng. Còn đáp án Comparative nghĩa không hợp lý lắm nhưng không sai ngữ pháp, và vẫn có thể dùng được. Với dạng bài này thường sẽ sai ngữ pháp/loại từ/chỉnh tả thay vì thay thế cả 1 từ chưa thực sự phù hợp bằng 1 từ khác hoàn toàn”.
Bên cạnh đó, một số giáo viên của Trung tâm tiếng Anh Apollo khẳng định trong câu hỏi này chỉ có đáp án B là đúng. Distinctive sẽ sửa thành distinct.
Đáp án B cũng chính là đáp án mà Bộ GDĐT đã đưa ra. Hiện những tranh luận xoay quanh đáp án của câu hỏi này vẫn đang được tranh luận gay gắt trên các diễn đàn MXH.
HÀ ANH