Cách viết thư cảm ơn sau phỏng vấn giúp tăng cơ hội trúng tuyển

Google News

Hầu hết các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp đều khuyên rằng, sau buổi phỏng dù thuận lợi hay không thì bạn cũng nên viết thư cảm ơn gửi đến người đã phỏng vấn mình. Càng phỏng vấn không suôn sẻ thì càng cần phải viết thư cảm ơn và coi đó như cơ hội để ghi thêm điểm, biết đâu sẽ tạo nên “một cú lội ngược dòng” ngoạn mục.

Vậy có lưu ý nào khi viết thư cảm ơn giúp lấy lòng nhà tuyển dụng và tăng cơ hội trúng tuyển các vị trí được đăng trên những trang kiếm việc làm? Cùng tham khảo bài viết sau nhé.

Tiêu đề email rõ ràng

Thường thì ứng viên chỉ chú trọng tới nội dung của thư cảm ơn mà không chú ý nhiều tới tiêu đề email. Trong khi mỗi ngày nhà tuyển dụng nhận được cả trăm email khác nhau. Nếu gửi thư cảm ơn không có tiêu đề hoặc ghi chung chung thì email của bạn rất dễ bị rơi vào spam hoặc bị nhà tuyển dụng bỏ qua.

Do đó, đầu tiên để đảm bảo email cảm ơn đến tay nhà tuyển dụng là bạn phải ghi tiêu đề rõ ràng. Đơn giản nhất là bạn ghi và làm nổi bật với kiểu chữ viết đậm hoặc có thể viết hoa: “Thư cảm ơn sau phỏng vấn – Họ và tên…”.

 Ngắn gọn và đúng chính tả

Nhiều bạn viết thư cảm ơn như một “tờ sớ” dài dòng thậm chí tường thuật lại toàn bộ nội dung buổi phỏng vấn, nhồi nhét các các thông tin về bản thân.

Thư cảm ơn chỉ nên ngắn gọn, đủ ý, không dài dòng, khoảng 300 -500 từ. Nếu muốn làm rõ thêm năng lực, giá trị bản thân hay một vấn đề nào đó thì bạn cần chắt lọc và khéo léo.

Đặc biệt bạn cần lưu ý không được sai chính tả, sai tên công ty, tên nhà tuyển dụng. Đây là lỗi sai nghiêm trọng dễ khiến thư cảm ơn sau phỏng vấn phản tác dụng. Nhà tuyển dụng thậm chí trừ thêm điểm của bạn và cho rằng bạn thiếu chuyên nghiệp, không coi trọng họ cũng như cơ hội nghề nghiệp mà công ty mang lại.

Đảm bảo bố cục

Thư cảm ơn dù ngắn gọn nhưng cũng nên đảm bảo cấu trúc ba phần, gồm mở đầu, phần thân và kết luận.

Trong đó, phần mở đầu sau khi chào hỏi nhà tuyển dụng, bạn cần giới thiệu lại về bản thân. Điều này giúp nhà tuyển dụng “nhận diện” bạn là ai trong buổi phỏng vấn trước đó, không nhầm lẫn với ứng viên khác.

Phần nội dung chính bạn nên tập trung làm rõ thêm giá trị bản thân, khẳng định lại sự phù hợp bản thân với doanh nghiệp. Sau đó bạn có thể đính kèm một số dẫn chứng, thành tích, bằng cấp; bổ sung thêm một số điểm mạnh chưa thể trình bày trong buổi phỏng vấn. Từ đó, khẳng định khả năng đóng góp của bạn cho sự phát triển của công ty để thuyết phục thêm nhà tuyển dụng.

Nếu khi phỏng vấn có điều gì hay có câu hỏi nào bạn cần nói thêm với nhà tuyển dụng thì bạn có thể trình bày khéo léo, ngắn gọn trong phần này.

Cuối cùng bạn đừng quên cảm ơn, bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng nhà tuyển dụng, công ty cũng như mong muốn được làm việc tại doanh nghiệp.

Thời gian gửi thư phù hợp

Thư cảm ơn dù có xuất sắc, có cảm động tới đâu mà gửi quá muộn, đặc biệt khi nhà tuyển dụng đã kết thúc quy trình đánh giá ứng viên thì sẽ không còn tác dụng. Do đó, một trong những lưu ý đầu tiên khi viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng là thời gian hợp lý. 

Tốt nhất, bạn nên gửi thư cảm ơn sớm, thường là trong vòng 24 giờ sau cuộc phỏng vấn. Thời gian này đủ đảm bảo, hình ảnh của bạn vẫn tương đối rõ ràng trong tâm trí của nhà tuyển dụng. Hơn nữa, thời gian đó đủ để bạn đánh giá lại buổi phỏng vấn, tìm ra được điểm cần bổ sung trong thư cảm ơn.

Trong trường hợp buổi phỏng vấn kết thúc vào cuối tuần thì tốt nhất đừng vội gửi thư cảm ơn luôn. Một số nhà tuyển dụng kỹ tính sẽ cảm thấy phiền khi họ nhận được email công việc vào cuối tuần. Điều này sẽ dễ khiến thư cảm ơn của bạn bị bỏ qua hoặc không được đánh giá cao.

Cảm ơn với sự chân thành

Bạn nên dành những lời tán thán cho nhà tuyển dụng và công ty với sự tôn trọng và biết ơn. Bởi dù kết quả có thế nào thì rõ ràng, công ty, nhà tuyển dụng đã trao cơ hội, dành thời gian quý báu thậm chí cả lời khuyên thiết thực, hữu ích.

Ngoài ra, nếu trong quá trình phỏng vấn, bạn có hành động hay lời nói khiến nhà tuyển dụng không hài lòng hoặc có thiếu sót gì thì đây là cơ hội để viết lời xin lỗi.

Đừng quên bày tỏ tin tưởng và khao khát được làm việc

Phần kết của thư cảm ơn, cần cho nhà tuyển dụng thấy sự tin tưởng của bạn dành cho họ dù kết quả thế nào. Điều này cho thấy bạn là ứng viên có suy nghĩ tích cực, lạc quan đồng thời thể hiện khao khát được làm việc tại doanh nghiệp.

Qua đó một lần nữa cho thấy bạn đánh giá cao cơ hội việc làm, đề cao doanh nghiệp và nhà tuyển dụng vừa đồng thời cho thấy đam mê được làm việc, cống hiến của bạn. Biết đâu chính nhờ thái độ ấy lại khiến nhà tuyển dụng bị thuyết phục và trao cho bạn cơ hội.

Rất nhiều ứng viên được nhà tuyển dụng “chọn” phần lớn nhờ lá thư cảm ơn sau phỏng vấn. Do đó, khi buổi phỏng vấn không như kỳ vọng thì bạn cũng đừng quá bi quan. Hãy tập trung viết email cảm ơn và áp dụng lưu ý trên để tăng cơ hội trúng tuyển nhé.

NGUYỄN LÝ