Gustave Le Bon, tác giả cuốn “Tâm lý học đám đông” đã chỉ ra một thực tế đáng buồn rằng: “Khi trở thành một phần của đám đông, trí thông minh của mỗi cá nhân sẽ bị thu hẹp đáng kể. Để được chấp nhận, họ sẵn sàng từ bỏ đúng sai và đánh đổi trí tuệ của mình lấy cảm giác an toàn khi thuộc về một nhóm”.
Càng gần đám đông, con người ta càng dễ bị cuốn theo dòng chảy chung, mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Đám đông không thực sự khao khát sự thật, đi tìm chân lý mà dần lạc lối giữa biển người, thậm chí có thể thực hiện những hành vi đi ngược lại với lương tâm.
Như một câu khác trong cuốn sách: “Đám đông chỉ biết hùa theo kẻ mạnh hoặc bắt nạt kẻ yếu”.
Dù là hành động nào, đó cũng không phải là quyết định được đưa ra khi con người tỉnh táo và tự chủ. Đọc kỹ tác phẩm này, bạn sẽ nhận ra: Càng xa rời đám đông, bạn càng hiểu rõ bản thân mình hơn. Cảm giác được dấn thân vào cuộc hành trình của riêng mình, không bị ảnh hưởng bởi người khác và duy trì tư duy độc lập thật sự sảng khoái, chân thật và đẹp đẽ!
1. Đám đông nuốt chửng đa phần chúng ta
Le Bon chỉ ra trong cuốn sách của mình rằng, khi một cá nhân trở thành một phần của đám đông, họ sẽ bị "tâm lý đám đông" chi phối, dần mất đi bản sắc cá nhân. Hiện tượng này được gọi là "phi cá nhân hóa".
Trong sách có một câu nói rằng: "Cá nhân trong đám đông giống như những hạt bụi trong không khí, có thể bị gió thổi đi bất cứ nơi đâu".
Trong đám đông, mọi người thường thích những quan điểm đơn giản, thậm chí cực đoan, mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Thay vì tự mình phân tích, nhiều người chọn cách tin tưởng người khác, ít người có thể nhìn nhận một cách khách quan những vấn đề phức tạp và tìm ra sự thật ẩn sau đó. Vô tình, nhiều người bị đồng hóa, đơn giản hóa mọi chuyện thành trắng đen mà không cần suy nghĩ, dẫn đến tình trạng quan điểm “một chiều”.
Sau khi tham gia vào một nhóm, nhiều người sẽ cảm thấy trách nhiệm của mình bị phân tán và mất đi cảm giác sợ hãi nên họ làm những việc mà hàng ngày họ không làm.
Một khi đã hòa nhập vào đám đông, đa phần chúng ta dù ít hay nhiều đều bị đám đông chi phối. Cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân hướng về cùng một phía, sẵn sàng nghe theo mọi gợi ý, dần dần mất đi khả năng phán đoán độc lập.
2. Càng xa rời đám đông, chúng ta càng tập trung vào sự trưởng thành của bản thân
Đối với người bình thường, đám đông là một sự tồn tại vừa hấp dẫn vừa khó chịu. Một số người phải giả vờ hòa hợp, hòa nhập vào đám đông; trong khi số khác có thể giữ vững bản thân, tỉnh táo giữa những bộn bề của cuộc sống. Bất kể thế giới bên ngoài như thế nào, luôn có những người có cái nhìn độc đáo về cuộc sống và tập trung vào sự trưởng thành của chính mình.
Trong đám đông, chúng ta có thể cảm nhận được được năng lượng và niềm đam mê, nhưng đồng thời, đám đông cũng mang đến những ồn ào và phiền phức. Hãy tưởng tượng, nếu bạn muốn đọc một cuốn sách, học một kỹ năng nào đó, chắc chắn sẽ có người chế giễu, thậm chí nói bạn đang “làm màu”. Khi mọi người đều đang vui chơi, chỉ có bạn một mình học tập, bạn sẽ giống như một người ngoài hành tinh, bị coi là khác biệt, bị chế giễu.
Để hòa nhập với đám đông, để đáp ứng ánh mắt của người khác, bạn từ bỏ bản thân, đeo lên nhiều chiếc mặt nạ. Bạn dần quên đi lý tưởng ban đầu, quên đi hình ảnh, chôn vùi bản thân thật của mình.
Nếu một ngày bạn thức tỉnh, không còn quan tâm đến ánh mắt và lời phê bình của người khác mà dành thời gian hữu hạn của mình để đọc sách, học tập, thiền định, suy ngẫm, không ngừng hoàn thiện bản thân, bạn sẽ có một con người hoàn toàn mới.
Qua con người mới này, chúng ta có thể nhìn thấy một thế giới mới. Qua thế giới mới, chúng ta lại có thể không ngừng phá vỡ và tái tạo bản thân, trong một vòng tuần hoàn lành mạnh, hoàn thành mục tiêu của mình hiệu quả hơn, thực hiện giá trị của bản thân, sống tỉnh táo và độc lập.
3. Rời xa đám đông đúng lúc để thực sự bước vào thế giới nội tâm của mình
Rời xa đám đông không phải trốn tránh mà là một sự trở về. Những người am hiểu cuộc sống biết khi nào nên hòa nhập và khi nào nên tách mình ra. Họ không dễ dàng bị cuốn theo dòng chảy của xã hội, không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi đánh giá của ai kia. Những người dám dũng cảm rời xa đám đông sẽ không vì những quan điểm thiếu căn cứ mà miễn cưỡng đồng ý, càng không mù quáng chạy theo đám đông.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khả năng tư duy độc lập là vô cùng quý giá. Khi một người có khả năng tư duy độc lập trở lại với đám đông, họ sẽ có niềm tin vững chắc hơn, tâm lý trưởng thành hơn và có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống.
Rời xa đám đông có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn nhưng sự cô đơn này không phải là tiêu cực. Ngược lại, thỉnh thoảng rời xa đám đông, chúng ta mới có thể thực sự đi vào thế giới nội tâm của mình, hiểu rõ bản thân hơn và kiên định hơn với con đường mình đã chọn.
Trong thế giới phức tạp, có lúc ồn ào, có lúc yên tĩnh này, hãy để mỗi ngày của mình luôn mới mẻ. Càng xa rời đám đông, chúng ta càng gần với chính mình. Hãy giữ sự tôn trọng, sự lý trí, sự độc lập, không ngừng suy nghĩ để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và con đường sống thực sự thuộc về bạn trong cuộc đời dài rộng này.
BẢO ANH.