Cây mọc bờ bụi, nhìn như cỏ dại lên chậu thành bonsai vừa lạ vừa đẹp, nhiều người "săn lùng" làm cây cảnh trong nhà

Google News

Loại cây này trông giống như cây cỏ dại, tên cũng rất lạ và tỏa ra mùi thơm đặc trưng. Mấy năm gần đây, nhiều người chơi cây đã tìm mua về để trưng trong nhà, giá có thể lên đến cả triệu đồng/chậu.

Mấy năm gần đây, những người yêu cây tìm kiếm một loại cây lạ, nhìn như cỏ dại về làm cảnh, đó là cây thạch xương bồ. Trên chợ mạng cũng một số địa chỉ bán thạch xương bồ và được nhiều người đón nhận bởi loại cây này có đặc tính sống bền, có mùi thơm cùng nét đẹp thanh nhã, phù hợp với việc trang trí bàn trà, thư phòng…

Thạch xương bồ mọc thành từng bụi, nhìn như cỏ dại

Theo tìm hiểu, cây thạch xương bồ có tên khoa học là Acorus calamus, đây là loại dược liệu từ lâu đã được sử dụng để làm thuốc.

Thạch xương bồ thuộc cây thân cỏ, sống lâu năm, thân rễ nhiều đốt và được phân nhánh. Lá dài mảnh hình lưỡi kiếm, thân rễ gồm nhiều đốt và chứa tinh dầu với dược tính nhất định. Hoa thạch xương bồ mọc thành từng cụm, ở đầu của cán dẹt tạo thành hình bông. Quả thạch xương bồ khi chín thường sẽ có màu đỏ nhạt. Cây có mùi tinh dầu thơm như mùi dầu gió, chỉ cần lấy tay bấm một chút vào lá là đã thấy mùi thơm đến “nức mũi”.

Nhiều người có thú chơi cây thạch xương bồ, vừa đẹp vừa tỏa mùi thơm lạ

Đặc biệt, với vẻ ngoài lạ mắt, thạch xương bồ nhiều năm gần đây còn được trưng dụng như một loại cây cảnh, dùng để chế tác nhiều sản phẩm hòn nam bộ, chậu cây sinh vậtt cảnh… Các sản phẩm từ cây thạch xương bồ có giá lên đến cả triệu đồng/chậu.

Từ một giống cây thường mọc hoang trong rừng núi, ở bờ suối hoặc trên các tảng đá có nước chảy ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung nước ta, giờ đây thạch xương bồ được nhiều nhà vườn nhân giống để cung ứng cho thị trường.

Nhiều dáng thạch xương bồ xinh xắn.

Trồng cây thạch xương bồ gần 2 năm nay, anh Tâm (ở Lạng Sơn) cho biết anh mê loại cây này vì nó có chứa tinh dầu rất thơm. Khi biết đến cây này, anh đã mua về một vài cụm. Đem về trồng và nhân giống ra, hiện tại, anh đã sở hữu khá nhiều cây cỏ thơm này ở trong khu vườn của mình.

"Trên mạng còn có cả hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm trồng, trao đổi về loại cây này", anh Tâm chia sẻ. Theo đó, nhóm của những người chơi thạch xương bồ thu hút gần 10.000 thành viên, dù mới thành lập từ năm 2020.

“Không chỉ chơi cảnh, tôi còn sử dụng lá thạch xương bồ để làm gia vị cho món luộc gà, luộc thịt hay thái nhỏ cho vào món tiết canh, thái nhỏ cho vào nước chấm, sốt vang…”, nhiều người cũng tận dụng giống cây này để vừa làm cây cảnh vừa làm cây gia vị giống như anh Tâm.

Hiện tại, anh Tâm có cung ứng ra thị trường một số chậu thạch xương bồ nhỏ, giá bán là 50.000 đồng/kg, chưa bao gồm phí vận chuyển. Anh Tâm cho biết, một số cây thạch xương bồ có xuất xứ nhập từ Trung Quốc thân to hơn, sức sống cũng dẻo dai hơn có giá hàng triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu đồng/chậu.

Cũng đam mê giống cây lạ này, anh Bùi Đình Thanh Hải (ở TP.HCM) đã nghiên cứu và nuôi trồng trong khu vườn 50m2 của mình hơn 300 chậu cỏ có tên thạch xương bồ tạo nên không gian xanh mướt.

"Tôi tình cờ biết đến thạch xương bồ qua một kênh video nước ngoài, thấy đẹp và hợp để trên bàn trà cũng như bàn làm việc nên tìm hiểu và sưu tầm", anh cho biết. Cách trồng thạch xương bồ tùy sở thích của mỗi người, về cơ bản có 3 cách là trồng trong chậu, ký đá (trồng trên đá), phối đá với các loại cây mini khác (như trúc, bonsai mini, rau má). Tiêu chí là làm sao cho bố cục hài hòa, cân đối, tự nhiên.

Vườn cây thạch xương bồ của anh Hải.

Ở Hà Nội, anh Đỗ Tuấn Anh cũng là một thành viên của nhóm chơi thạch xương bồ. Kiến trúc sư 32 tuổi hiện có gần 30 chậu lớn nhỏ, thuộc 6 loại. "Những cây đã thuần dưỡng khỏe mạnh được trưng bày trong phòng khách, trên bàn trà và bàn làm việc. Còn lại tôi đặt ở ban công", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Thạch xương bồ ưa nơi thoáng mát và ánh sáng nhẹ, đất xốp dễ thoát nước, nguồn nước tưới sạch. Người trồng cần thường xuyên nhổ bỏ lá héo già, với những chậu lâu năm mọc dày thì cắt hết lá sát gốc để cây ra lá mới đẹp hơn và tròn đều hơn. Thạch xương bồ ký đá cần được thay nước trong khay 2-3 ngày một lần để tránh thối rễ. Khi tưới nên tưới đẫm vì thạch xương bồ rất thích nước.

H.A