Từ trước tới nay, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đều rất để ý đến việc đặt tên cho con, bởi theo họ cái tên không chỉ chứa đựng hy vọng của cha mẹ vào con cái, mà còn là từ ngữ thân thuộc, yêu thương mà mọi người dùng để gọi con mình trong suốt cuộc đời. Thế nên cùng với sự gia tăng dân số tại đất nước tỷ dân, những người làm cha làm mẹ cũng rất đau đầu trong việc lựa chọn tên cho con của mình, sao cho vừa có ý nghĩa lại độc lạ, lại tránh bị trùng lặp.
Ông Giao Vy Trọng (ở Trung Quốc) cũng nghĩ như vậy. Ông là cử nhân đại học, là người có học thức nhưng sau khi tốt nghiệp, ông phải vật lộn nhiều nghề để mưu sinh. Với mong muốn con trai sẽ không giống mình, sẽ có một cuộc sống giàu sang nên ông đặt cho cậu bé cái tên thật đặc biệt, để con được chú ý khi ra ngoài xã hội.
Ông Trọng đặt tên cho con là Giao C. Giao C là sự kết hợp của một chữ hán và một chữ La-tinh, cụ thể là chữ C - đứng thứ 3 trong bảng chữ cái La-tinh, con số được cho là may mắn với người Trung Quốc. Ông Trọng đã hy vọng con trai mình có thể đi theo xu hướng của thời đại, có thể ra nước ngoài và khám phá nhiều nơi khác trên thế giới, mở rộng tầm nhìn, có một cuộc sống đầy màu sắc của riêng mình. Và nếu Giao C có cơ hội ra nước ngoài làm việc, bạn bè quốc tế có thể dễ dàng gọi tên cậu bé hơn.
Ông Giao Vy Trọng đặt tên độc lạ cho con trai nhưng không ngờ cái tên này khiến cậu bé gặp rắc rối lớn vào năm 20 tuổi
Nhưng ông Giao không ngờ rằng trước khi Giao C bước ra thế giới, anh thậm chí còn không thể xác thực danh tính vì cái tên quá đặc biệt. Chính vì sự việc này mà Giao C được mọi người biết đến theo một cách khác. Sau đó, tên tuổi của anh trở thành chủ đề nóng, người ta cho rằng những cái tên không thể được chọn một cách tùy tiện mà phải tuân thủ các quy định của quốc gia.
Cụ thể, rắc rối mà Giao C gặp phải là khi đất nước Trung Quốc tiến hành làm thẻ căn cước công dân đời mới. Lúc này, Giao C đã học năm thứ ba đại học và đã sử dụng cái tên này hơn 20 năm mà chưa bao giờ cảm thấy có gì khác biệt. Thế nhưng khi làm thẻ, cán bộ nói rằng không thể làm thẻ CCCD cho Giao C, và điều đó có nghĩa là anh không được công nhận như một công dân của Trung Quốc.
Hóa ra tên anh có chữ C, không thể nhập vào hệ thống thông tin vì không tuân thủ quy định. Giao C cũng được cảnh sát thông báo rằng tên của anh cần phải được thay đổi để có thể nhập lại vào hệ thống đăng ký, xác nhận danh tính. Đó là một cú sốc đối với chàng trai trẻ, bởi anh đã quen được gọi với cái tên Giao C, hơn nữa, đây là tên do cha anh đặt và mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Và anh biết rõ rằng mọi công dân đều có quyền tự do đặt tên, thế nhưng cái tên của anh thì không được chấp nhận.
Giao C đã đấu tranh cho cái tên đặc biệt của mình bằng việc khởi kiện lên tòa án ở thành phố Ưng Đàm (tỉnh Giang Tây). Toà án căn cứ vào việc công dân có quyền tự đặt tên cho mình, yêu cầu đồn cảnh sát ở Yuehu cấp căn cước mới cho Giao C một cách bình thường. Thế nhưng đồn cảnh sát này phản đối, vì việc xác nhận và xử lý trên hệ thống máy tính không cho phép.
Đứng trước sự khó xử của hai bên và hòa giải không thành, Giao C vẫn được yêu cầu đổi tên, sau đó phía cảnh sát sẽ ngay lập tức cấp thẻ CCCD cho anh. Sau khi tham khảo ý kiến của cha, Giao C đã quyết định thay đổi cái tên đã đi với mình suốt 20 năm qua đầy tiếc nuối.
PHÚ NGUYỄN