Bò là loại gia súc quen thuộc của nhà nông trong tăng gia sản xuất. Xưa kia, việc chăn nuôi bò chủ yếu là để lấy sức kéo phục vụ cho việc cày cấy, đồng áng, kéo xe, thồ hàng,... Hiện nay, nhiều hộ nông dân nuôi bò lại tập trung vào việc lấy thịt, lấy sữa hoặc kiêm dụng. Trong đó, chăn nuôi bò giống, bò lấy thịt chú trọng vào công đoạn vỗ béo, tăng trọng để cho thịt nhiều và chất lượng.
Nuôi bò thịt đang là mô hình chăn nuôi phổ biến ở nhiều địa phương. Theo bà con nông dân, kỹ thuật nuôi bò rất đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn chủ yếu của bò ta là cỏ và các loại thực vật có sẵn trong tự nhiên. Khác với bò nhập khẩu, bò ta là động vật có khả năng thích ứng tốt với môi trường, có sức đề kháng và ít bị bệnh hơn.
Mô hình chăn nuôi bò được bà con áp dụng ở nhiều địa phương.
Hiện nay, nhu cầu về thịt bò của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, kéo theo những nhu cầu khắt khe hơn về chất lượng thịt bò như phải cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, không chứa các chất gây hại,… Chính vì thế, người nông dân chăn nuôi bò thịt cần áp dụng những mô hình chăn nuôi bài bản, hiện đại để đảm bảo hiệu quả kinh tế cũng như thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư, cho doanh thu khủng. Chăn nuôi bò ta hiện vẫn là mô hình kinh tế được chú trọng trong phát triển kinh tế địa phương.
Anh Vừ Mí Phư, (thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã chọn giống bò ta truyền thống để làm giàu thay vì bò nhập ngoại như nhiều người nông dân khác. Chỉ với 2 con bò sinh sản do bố mẹ để lại, anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cỏ tập trung nuôi bò thật tốt.
Anh Phư chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò.
Anh Phư cho biết, nhà anh có truyền thống nuôi bò từ xưa, ngay từ nhỏ anh đã được tiếp cận cách chăn nuôi bò nên mọi việc cũng dễ dàng hơn. Khi đàn bò tăng về số lượng, anh chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ nông dân khác để cùng nhau phát triển kinh tế.
Đến nay, sau 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, gia đình anh Phư đã xây dựng được hệ thống 4 khu vực chuồng trại riêng biệt, trung bình mỗi chuồng nuôi từ 4 - 5 con bò các loại. Anh Phư thường nuôi bò gối lứa, 5 – 6 tháng xuất bán bò một lần, mỗi lần bán từ 2 – 3 con với giá bình quân 30 – 35 triệu đồng một con, có những con bò đực to lớn có thể bán với giá trên 40 triệu đồng.
Tổng thu nhập từ bán bò mỗi năm, anh Phư đạt gần nửa tỷ đồng. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu nhập xấp xỉ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Anh Trần Ngọc Trong (xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) cũng là một người nông dân đi lên từ chăn nuôi bò truyền thống. Đó là thời điểm cách đây gần 10 năm, sau khi tìm hiểu và nhận thấy nuôi bò cho hiệu quả cao hơn các loại động vật khác nên anh Trong đã huy động vốn để đầu tư.
Đàn bò của anh Trong hiện đang tiếp tục phát triển với số lượng ngày càng nhiều.
Theo anh Trong, giống bò ta truyền thống dễ nuôi, chi phí đầu tư thức ăn ít hơn so với các loài động vật khác. Chưa kể nuôi heo, gà, vịt cũng rủi ro cao hơn về bệnh tật, thị trường. Trại bò của anh Trong nằm sâu trong vườn cao su, cách vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng vài trăm mét nên nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, lá cây khá dồi dào.
Hiện tại, anh Trong đã nắm trong tay cả một “gia tài” với 18 con bò cái và có tới 14 con đang mang bầu. Theo nhẩm tính của anh Trong, tổng đàn bò của anh sẽ tăng lên 48 con vào năm sau và còn nhân lên nhiều hơn trong các năm tiếp theo.
Bò cái thì bán giống, nên chỉ cần 2 tháng rưỡi sau sinh là có thể xuất bán, còn bò đực bán thành phẩm nên thường nuôi 8 - 10 tháng mới xuất bán, giá bình quân 1 con như vậy khoảng 20 triệu đồng. Mỗi năm anh Trong xuất trung bình từ 15 - 20 con, doanh thu xấp xỉ 400 triệu đồng/ năm.
Cũng giống như nhiều hộ nông dân khác, gia đình ông Phạm Văn Mần (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã áp dụng mô hình nuôi bò để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Ông Mần từng đi nhiều nơi, làm đủ nghề để mưu sinh, đến năm 2009, ông trở về quê nhà, trồng trọt và chăn nuôi bò.
Vợ chồng ông Mần chăm chỉ chăn nuôi đàn bò cho hiệu quả kinh tế cao.
Bắt đầu với con bò giống trị giá 13 triệu đồng, qua quá trình chăn nuôi, số lượng bò tăng lên từng năm. Ban đầu, bò sinh sản ít, ông mua thêm bò đực vỗ béo để tăng thu nhập, tạo vốn. Khi chọn được lượng giống thích hợp, ông quyết định nuôi bò theo quy trình sinh sản - nuôi thịt - xuất chuồng.
Hiện tại, gia đình ông Mần đang nuôi 8 bò cái sinh sản, 4 bò đực nuôi thịt và nhiều bê con. Có giai đoạn, ông nuôi hơn 15 bò cái, 7 bò đực nuôi thịt. Từ 16 - 18 tháng sau sinh, bò thịt có thể xuất chuồng, giá bán từ 190 - 200 ngàn đồng/kg, trung bình thu nhập 45 - 50 triệu đồng/con. Riêng bò lỡ giá tầm 20 - 30 triệu đồng/con, tùy theo sắc vóc, giống đực hay cái. Nhiều năm nay, thu nhập của gia đình ông Mần gần 400 triệu đồng/năm từ công việc chăn nuôi bò.
Nuôi bò là mô hình chăn nuôi đã có từ lâu và hiện đang khá phổ biến ở nhiều địa phương. Để chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao, các hộ nông dân cần trang bị đủ kiến thức về chuồng trại, chọn giống, quy trình chăm sóc,… và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.
THẢO ANH