Cô gái 19 tuổi phải nhập viện tâm thần vì cứ gặp trai đẹp, nói chuyện hợp là muốn “chuyện ấy”

Google News

Sau nhiều đợt có biểu hiện bất thường, đặc biệt gần đây những triệu chứng ngày càng nặng nên cô gái trẻ đã được đưa đi khám và phát hiện mắc bệnh tâm thần.

Cô gái trẻ luôn nghĩ mình tài giỏi không ngờ mắc bệnh tâm thần

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Ngô Tuấn Khiêm, Phòng Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết mới tiếp nhận bệnh nhân N.T.A (19 tuổi), được gia đình đưa đến thăm khám vì nói nhiều, luôn cho rằng mình tài giỏi. Mẹ bệnh nhân cho biết, A là con gái đầu, khi sinh và quá trình phát triển bình thường, gia đình vui vẻ, không mâu thuẫn, kinh tế ở mức trung bình. A học hết lớp 12 rồi nghỉ học, đi bán quần áo thuê và được bạn bè, hàng xóm đánh giá là ngoan ngoãn, hiền lành, ít bạn bè, học lực khá.

Khoảng 2 năm trở lại đây, A có nhiều hiện khác lạ và không nhất quán. Ví dụ 2 năm trước A luôn vui vẻ, làm việc không biết mệt, hay nói cười, thích bắt chuyện và giúp đỡ người khác. Nhưng một năm trở lại đây, A lại buồn chán, không muốn làm việc gì, không còn những sở thích trước đây, bị sụt cân nhẹ.

Xuyên suốt quá trình đó là tình trạng mất ngủ, đặc biệt một năm trước, có lúc A nhiều lần nghĩ đến cái chết. Bệnh nhân thường nghĩ đến tự tử vào buổi tối, khi nằm 1 mình, không ngủ được và thấy tương lai ảm đạm. Tuy nhiên, những biểu hiện trên chỉ xuất hiện thời gian khoảng 1 đến 2 tháng lại biến mất, do vậy A chưa từng được đưa đi khám.

Bác sĩ Khiêm chia sẻ về trường hợp cô gái trẻ 19 tuổi bị rối loạn tâm thần phải nhập viện điều trị. 

3 tuần trước khi vào viện, A lại xuất hiện triệu chứng như cách đây 2 năm khi vui vẻ quá mức, thấy nhiều năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi… Dù mất ngủ nhưng A vẫn thấy mình khỏe, có thể làm việc được. Đặc biệt, A tăng nhu cầu, ham muốn tình dục, thậm chí quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người, chỉ cần thấy đối tác đẹp trai và nói chuyện hợp là quan hệ.

A có nhiều ý tưởng, kinh doanh, buôn bán đồ thời trang. Cô dự định mở mấy cửa hàng bán quần áo, rồi mở cả công ty buôn bán xuyên quốc gia. Khi thấy những biểu hiện bất thường trên, mọi người khuyên bảo nhưng A không nghe. Các triệu chứng ngày càng tăng nặng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống nên gia đình đưa A vào Viện Sức khỏe Tâm thần thăm khám.

Bác sĩ Khiêm cho biết, qua thăm khám và khai thác tiền sử, gia đình A không có ai bị tâm thần, động kinh. Sức khỏe thể chất A bình thường, không có bệnh lý nền. Khám tâm thần cho thấy, bệnh nhân nói nhiều, cho rằng mình có khả năng tài giỏi, siêu phàm.

Từ quá trình khám và hỏi bệnh, bác sĩ nhận thấy cô gái trẻ có những triệu chứng sau: Hội chứng hưng cảm; Hoang tưởng tự cao; Có 1 giai đoạn trầm cảm và 1 giai đoạn hưng cảm trước khi vào viện. Qua đó bác sĩ chẩn đoán, A bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiện giai đoạn hưng cảm có triệu chứng loạn thần.

Từ chẩn đoán trên, bệnh nhân đã được cho điều trị nội trú 15 ngày, kết hợp điều trị dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Hiện các triệu chứng thuyên giảm như đỡ hưng phấn, cảm xúc phù hợp hơn, hết hoang tưởng, ăn ngủ được, hợp tác điều trị.

Tự cho mình tài giỏi hay vui vẻ, yêu đời quá mức hãy coi chừng

BS.CKII Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, nguyên nhân gây rối loạn hưng cảm giai đoạn lưỡng cực có thể do gen di truyền, do biến đổi hình ảnh học của não bộ hoặc do nguyên nhân sinh học.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân thăm khám cho một nữ bệnh nhân điều trị tại phòng Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. 

Đặc biệt còn có các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn hưng cảm như căng thẳng trong cuộc sống được cho là yếu tố kích hoạt giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm ở người có nguy cơ cao. Các sự kiện gây căng thẳng như mất người thân, ly hôn, hoặc mất việc có thể làm gia tăng khả năng khởi phát triệu chứng bệnh.

Ngoài ra, các thay đổi trong nhịp sinh học, chẳng hạn như thiếu ngủ hoặc làm việc theo ca, có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong não, làm tăng nguy cơ các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm. Những người thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng có thể làm tăng nguy cơ tái phát các giai đoạn bệnh, trong khi môi trường xã hội tích cực có thể giúp giảm tần suất và cường độ các giai đoạn này.

Bác sĩ Ái Vân cho biết, có rất nhiều dấu hiệu nhận biết người bị rối loạn hưng cảm. Dưới đây là một số dấu hiệu cần phải đặc biệt lưu ý:

- Vui vẻ quá mức: Biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không. Tuy nhiên, nếu bị phản đối họ có thể chuyển thái độ nhanh chóng từ vui vẻ quá mức sang nổi cáu và gây sự với những người phản đối.

- Giảm nhu cầu ngủ: Biểu hiện thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức vài ngày không cần ngủ mà không thấy mệt mỏi.

- Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân thường có áp lực phải nói, nói to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Họ nói về mọi chủ đề, từ chủ đề này sang ngay chủ đề khác. Ngôn ngữ điển hình là đùa cợt, chơi chữ và xấc láo để mua vui.

Sau nhiều đợt có những biểu hiện bất thường, đặc biệt gần đây những triệu chứng ngày càng nặng hơn nên cô gái trẻ đã được đưa đi khám và phát hiện mắc bệnh tâm thần.

Tự cao quá mức cũng là dấu hiệu của rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa. 

- Tự cao: Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường, nếu nhẹ thì bệnh nhân giảm sự tự phê bình, nặng hơn thì bệnh nhân tự đề cao mình rõ ràng và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng. Bệnh nhân có thể nêu các ý kiến về các vấn đề mà họ không biết trước đó. Mặc dù không có kinh nghiệm hoặc khả năng đặc biệt nào nhưng bệnh nhân vẫn bắt tay vào viết tiểu thuyết hoặc viết giao hưởng hoặc công bố một công trình bất khả thi.

Đặc biệt, khi ý tưởng tự cao ở mức độ nặng, chúng có thể phát triển thành hoang tưởng tự cao. Hoang tưởng này hay gặp trong giai đoạn hưng cảm nặng. Bệnh nhân cho rằng minh có nhiều tài năng, có khả năng đặc biệt như có mối liên hệ với một số nhân vật chính trị nổi tiếng, các lãnh tụ tôn giáo hoặc các nghệ sĩ lớn.

Với những người mắc rối loạn này, nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ như công việc, sức khỏe và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình. Do vậy, khi phát hiện người thân có dấu hiệu trên hãy đưa đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần gần nhất để được thăm khám và điều trị.

LÊ PHƯƠNG.