Cô gái 22 tuổi làm phục vụ trong quán nhậu: Công việc căng thẳng, từng phát khóc khi bị khách "rủ rê" làm sugar baby

Google News

Nhắc đến những tình huống "nhạy cảm" khi làm nghề, Trần Trang cho biết, thường ở quán phân công nhân viên nam làm nhiệm vụ rót bia, bưng cho khách, còn nhân viên nữ chỉ chạy bàn nhưng thi thoảng vẫn không tránh khỏi việc bị trêu ghẹo, bông đùa.

Làm nhân viên phục vụ nói chung và phục vụ quán nhậu nói riêng là công việc làm thêm phổ biến đối với không ít bạn sinh viên, đồng thời là công việc toàn thời gian đối với nhiều người trưởng thành. Nó được nhiều người đánh giá là không gò bó về mặt thời gian, không vất vả như nhiều hình thức lao động khác, đặc biệt thu nhập khá cao, hay được khách boa tiền. 

Song thực tế công việc này "chứa đựng" những khó khăn, vất vả mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu, đòi hỏi người phục vụ phải biết ứng xử khéo léo làm hài lòng khách hàng, bên cạnh đó cần sự tỉnh táo để tránh rơi vào cạm bẫy của đồng tiền…

Trần Trang (22 tuổi) – sinh viên năm cuối tại một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Em từng có 6 tháng làm nhân viên phục vụ tại một quán nhậu ở quận Đống Đa, thường làm từ 18h đến 22h hằng ngày.

Hôm nào em bận học hoặc có việc đột xuất chỉ cần nhắn tin xin quản lý nghỉ trước 3 tiếng là được, vì thế, nói công việc này không gò bó về thời gian cũng đúng. Song nói nó không vất vả thì không phải, ngược lại rất căng thẳng, liên tục phải tập trung cao độ”.

Theo Trần Trang (22 tuổi), làm phục vụ tại quán nhậu là công việc căng thẳng, đòi hỏi phải tập trung cao độ.

Trần Trang đảm nhiệm vị trí bưng bê đồ ăn từ bếp ra bàn khách – tưởng dễ dàng nhưng phải rèn luyện mất một tuần mới quen việc. Cô nàng phải bê cẩn thận, đặt xuống bàn mời khách thưởng thức. Sau đó cô đứng về vị trí ban đầu, đợi khách cần gì thì chạy ra phục vụ tiếp.

Trong tuần quán vắng khách, em và đồng nghiệp cứ túc tắc làm. Nhưng cuối tuần, khách chật kín là chạy bở hơi tai, không có thời gian nghỉ luôn. Em vừa bê đĩa nhậu ra bàn bên kia là phải chạy vào lấy đồ cho bàn bên này.

Chúng em chỉ cần chậm chạp hoặc lơ là một chút là bị quản lý nhắc nhở. Vì thế ai cũng căng như dây đàn, tránh phạm lỗi bị trừ tiền thưởng”, cô sinh viên cho biết.

Nhắc đến những tình huống "nhạy cảm" khi làm nghề, cô gái cho biết, thường ở quán phân công nhân viên nam làm nhiệm vụ rót bia hơi, bưng cho khách, còn nhân viên nữ chỉ chạy bàn nhưng thi thoảng vẫn không tránh khỏi việc bị trêu ghẹo, bông đùa.

Khách hàng ở quán em chủ yếu là nam giới, thích nhân viên nữ bê bia ra để nói chuyện. Thường chúng em không phải làm việc đó nhưng khi bị yêu cầu quá nhiều đành phải ra để tránh rắc rối.

Em nhớ hôm đó phải bê đồ ra, có một anh đề nghị chạm cốc và uống. Anh ấy còn hứa sẽ tips bằng nửa tháng lương làm ở quán. Em từ chối vì không biết uống bia nhưng anh ấy không đồng ý. Em bối rối không biết phải làm sao, may mắn quản lý chạy ra “giải vây””, cô gái trẻ nhớ lại.

Một lần khác, Trần Trang bị người đàn ông đáng tuổi cha mình chọc ghẹo, “rủ rê” làm sugar baby với mức trợ cấp 10 triệu/tháng. Cô nàng từ chối liền bị xúc phạm, chê bai công việc đang làm. Lúc này, Trang đã bật khóc vì không thể chịu đựng được.

Họ có chút men say trong người, cộng có tiền nên nghĩ muốn gì cũng được. Lần đó em khóc vì sợ hãi nhưng cũng rút ra phải học kinh nghiệm cần phải khéo léo khi ứng xử với khách. Thay vì từ chối hãy cứ lờ đi, không bận tâm đến lời họ nói lúc say. Em chỉ cần làm tốt công việc của mình là được”, Trần Trang chia sẻ.

Về mức thu nhập, theo Trang, nếu làm chăm chỉ cả tháng có thể sẽ kiếm được 6.000.000 – 7.000.000 đồng. Thêm tiền tips của khách thì có thể xoay xở sống được tại Thủ đô. “Em là sinh viên, ở trọ ghép cùng các bạn nên với thu nhập đó là khá dư giả, không phải xin bố mẹ ở quê tiền ăn ở, thậm chí tự đóng học phí.

Còn với người làm full-time, lương cao hơn nhưng sẽ vất vả hơn chúng em rất nhiều. Em thấy làm nghề nào cũng có vất vả, áp lực và quan trọng là phải biết vượt qua mọi nghịch cảnh”, Trần Trang chia sẻ.

Khi được hỏi làm nhân viên phục vụ có cơ hội thăng tiến hay không, Trần Trang cho hay nghề phục vụ cũng như các ngành nghề khác. “Nhiều người nghĩ nghề phục vụ là lao động chân tay, không phải động não suy nghĩ gì cả. Song thực tế nhân viên ở quán em chủ yếu là các bạn sinh viên đại học ở các trường top đầu thành phố.

Chúng em đi làm vì muốn đỡ đần bố mẹ ở quê, công việc chính vẫn là học tập. Vì thế chúng em rất có tư duy, nhanh nhạy trong việc tính toán nên được thăng cấp là điều đương nhiên.

Ví dụ có một bạn nam trước làm công việc giống em, sau đó được chủ quán cân nhắc làm kế toán. Bởi bạn học chuyên ngành kế toán, tính toán và thu chi rất chuẩn. Hoặc có người ở đây làm phục vụ, được nhà hàng – quán khác mời về làm quản lý”, cô nàng chia sẻ.

NGỌC HÀ