Nhân viên kinh doanh mỹ phẩm là người chịu trách nhiệm tư vấn, quảng bá các mặt hàng mỹ phẩm, trang điểm chăm sóc tóc, mặt, body. Họ cũng đảm trách việc giới thiệu những dòng sản phẩm mới đến với những khách hàng mục tiêu.
Những người làm nghề này thường là các cô gái trẻ ở độ tuổi 22-24, có vóc dáng nuột nà, làn da trắng hồng và gương mặt ưa nhìn. Họ thường mặc đồng phục, cột tóc chỉnh tề nhưng vẫn toát ra vẻ đẹp cuốn hút, hấp dẫn khách hàng "chi tiền" mua các sản phẩm của công ty.
Bởi vậy, ai cũng ngỡ nhân viên kinh doanh mỹ phẩm thật sung sướng, đi làm vẫn được "ăn ngon mặc đẹp", tiếp xúc với loạt khách hàng nhiều tiền và thi thoảng còn được dùng mỹ phẩm miễn phí. Song câu chuyện phía sau của nghề khiến không ít người bất ngờ.
Thu Nguyễn (23 tuổi, quê Hải Dương) sở hữu chiều cao 1m6, gương mặt thanh tú "nét nào ra nét đó" cùng làn da trắng như trứng gà bóc, giọng nói nhẹ nhàng. Vì thế khi cô xin vào làm nhân viên kinh doanh cho một công ty mỹ phẩm tại Hà Nội đã được nhận ngay tức khắc.
Thu sở hữu ngoại hình nổi trội.
"Sau 5 ngày được cấp trên đào tạo cách quảng bá sản phẩm, em đã có cơ hội "tự đứng" tư vấn cho khách trong một cửa hàng ở trung tâm thương mại.
Ban đầu, em thích thú công việc này vô cùng bởi bản thân đam mê làm đẹp, rất thích tìm hiểu về các sản phẩm mỹ phẩm. Em cho rằng không phải ai cũng yêu thích và am hiểu về mỹ phẩm. Em sẽ là "cầu nối" giúp họ tìm được sản phẩm phù hợp với làn da, mái tóc... Từ đó họ ngày càng thăng hạng nhan sắc", Thu tâm sự.
Thu đã tự mày mò tìm hiểu các sản phẩm có tại quầy, từ xuất xứ, thành phần, công dụng cho đến giá cả, đối tượng thích hợp. Sau đó cô bắt đầu hành trình với nghề "làm dâu trăm họ" này.
Cô gái gen Z kể: "Đa phần khách ghé cửa hàng đều là người có tiền, không thành thạo việc mua sắm online nên mới tìm đến các cửa hàng với hi vọng được nhân viên tư vấn.
Chúng em sẽ ra tư vấn nhiệt tình, nói rõ công dụng của sản phẩm ra sao, thích hợp với loại da nào và hiệu quả tốt đến đâu. Đương nhiên, chúng em sẽ nói các sản phẩm trên kệ đều tốt cho họ cả và định hướng sản phẩm có giá đắt nhất.
Thậm chí chúng em để thuyết phục họ tin về chất lượng còn còn tự đưa mặt, tóc ra và nói bản thân cũng dùng sản phẩm đó được một thời gian. Họ nghe xong bùi tai, lại thấy "bằng chứng sống" trước mặt nên sẵn sàng mua cả một liệu trình lên tới hàng chục triệu đồng".
Thu tự nhận đó là lừa dối khách hàng nhưng để đạt được doanh số, nhân viên cần phải dùng đủ cách hợp lý để khách hàng chịu "xuống tiền". Còn chuyện dùng chính làn da, mái tóc của mình để thuyết phục khách hàng không hề khiến cô nàng hổ thẹn.
"Chúng em làm gì có tiền để mua được bộ mỹ phẩm cao cấp như vậy để dùng. Song em tin với giá như vậy chúng chắc chắn là hàng xịn, chất lượng vô cùng. Vì thế chúng em mới sẵn sàng "khoe" gương mặt của mình ra để thuyết phục họ. Đó cũng là lý do các công ty - hãng mỹ phẩm có bộ tiêu chuẩn lựa chọn nhân viên kinh doanh", cô nàng 23 tuổi thành thật.
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện lúc nào cũng dễ dàng, những vị khách sành mỹ phẩm sẽ khiến Thu cùng đồng nghiệp "điêu đứng". Cô nàng kể rằng đó là kiểu khách vừa có tiền vừa am hiểu các sản phẩm làm đẹp và thích "thử thách" nhân viên trong cửa hàng. Họ chấp nhận để nhân viên giới thiệu sản phẩm, sau đó đặt ra những câu hỏi thắc mắc về chính các sản phẩm đó.
Nếu ai không "cứng nghề" rất dễ rơi và cảnh tư vấn lan man, không đúng trọng tâm khiến khách hàng khó chịu hoặc bỏ sang cửa hàng khác. Vì thế với khách kiểu này, quản lý hoặc nhân viên có kinh nghiệm sẽ trực tiếp đứng ra tư vấn.
"Chúng em sợ rất kiểu khách không biết rõ về mỹ phẩm nhưng lại tỏ ra bản thân là người sành điệu, có tiền. Họ coi nhân viên như người không học thức, không tin vào lời tư vấn. Họ tự lựa chọn sản phẩm rồi đặt lên đặt xuống và cuối cùng quyết định không mua.
Kiểu khách này thường ít thấy nhưng khi xuất hiện sẽ tốn bao thời gian của nhân viên trong cửa hàng. Chúng em thường nói rằng hôm nào gặp khách như vậy coi như một ngày làm việc vô nghĩa", Thu chia sẻ.
Sau một thời gian làm việc tại đó, Thu quyết định xin nghỉ để tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp đại học. Cô cảm thấy vô cùng nuối tiếc vì môi trường làm việc thân thiện, sản phẩm thật - chất lượng thật, đồng nghiệp hoà đồng.
"Em tốt nghiệp xong chưa xin được việc làm nên tiếp tục xin làm nhân viên kinh doanh của một công ty mỹ phẩm khác. Em tự tin với kinh nghiệm có được từ trước đó và hi vọng sẽ gắn bó dài dài. Ngờ đâu em làm được 3 ngày phải xin nghỉ, không phải từ phía khách hàng mà chính từ công ty", Thu chia sẻ.
Lần đó, cô gái trẻ đảm trách vị trí nhân viên tư vấn cho một sản phẩm dưỡng da trị giá khá đắt. Cô đã sử dụng thử xem chất lượng ra sao và thấy không đúng như lời quảng cáo. Nhưng cấp trên vẫn yêu cầu phải nói thật tốt trước mặt khách hàng, có nghĩa sản phẩm không tốt vẫn phải nói tốt để hấp dẫn người mua.
"Em thấy đó mới là lừa dối khách hàng, thậm chí gây nguy hại cho sức khoẻ của họ. Do đó em đã xin nghỉ ngay tức khắc.
Sau này em mới biết sản phẩm đó là hàng gia công. Song khi đóng hộp vẫn nhập khẩu từ Hàn Quốc, thậm chí có mã vạch xịn đàng hoàng. Qua đây em cũng muốn nhắn nhủ chị em phụ nữ khi lựa chọn các sản phẩm mỹ phẩm cần kiểm tra rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng", Thu tâm sự.
Về thu nhập của nghề này, Thu tin rằng nó cao hơn các nghề bán hàng khác. Thường nó sẽ dao động 7-8 triệu đồng/tháng + % doanh số, tùy vào chính sách của mỗi công ty.
NGỌC HÀ