Cô gái Lạng Sơn được cha đặt cho cái tên giống hệt con trai, lý do rất đơn giản: "Hay thì đặt"!

Google News

Cô gái tâm sự: “Nếu em giới thiệu họ tên thông qua mạng xã hội, ai cũng ngỡ em có giới tính nam. Còn em gặp trực tiếp mọi người, họ sẽ ngỡ em đùa vui vì chẳng có ai là gái mà tên Khánh Vinh cả".

Nhiều phụ huynh Việt làm giấy khai sinh cho con rất lạ kỳ - con gái nhưng đặt tên giống hệt con trai. Và chuyện đó đã gây không ít phiền toái cho đứa trẻ sau khi trưởng thành: đi học, làm giấy tờ tùy thân… Song đứa trẻ vẫn luôn trân trọng, yêu mến cái tên do chính cha mẹ đặt cho.

Hoàng Khánh Vinh (22 tuổi, Lạng Sơn) tâm sự: “Nếu em giới thiệu họ tên thông qua mạng xã hội, ai cũng ngỡ em có giới tính nam. Còn em gặp trực tiếp mọi người, họ sẽ ngỡ em đùa vui vì chẳng có ai là gái mà tên Khánh Vinh cả.

Em phải giải thích cặn kẽ hoặc trình Căn cước công dân gắn chip họ mới tin quả thực em là nữ, tên Khánh Vinh”.

Cô gái sở hữu làn da trắng hồng, gương mặt xinh xắn tiết lộ cái tên Khánh Vinh do cha đặt với lý do rất đơn giản: hay thì đặt, chứ không có ý nghĩa sâu xa gì. “Em từng hỏi bố vì sao lại đặt tên con là Hoàng Khánh Vinh, trong khi các chị em trong nhà có tên rất hay, phù hợp với giới tính.

Cô gái sở hữu làn da trắng hồng, gương mặt xinh xắn tiết lộ cái tên Khánh Vinh do cha đặt với lý do rất đơn giản: hay thì đặt, chứ không có ý nghĩa sâu xa gì.

Bố bảo thấy hay thì đặt, đồng thời hài hước cho rằng “hay là được”, bận tâm gì đến ý nghĩa. Từ đó em không thắc mắc về nguồn gốc của tên nữa. Em cũng chưa bao giờ có ý định thay đổi tên bởi quan niệm “hay thì đặt” của bố cũng là một ý nghĩa ấn tượng.

Em cũng nghĩ rằng dù tên là Vinh hay Mai, Hương, Lan… cũng chỉ đơn thuần dùng để gọi, còn em vẫn là em, là con gái cưng của bố mẹ. Hơn cả tên cho bố đặt chắc hẳn sẽ chứa đựng rất nhiều tình cảm của bố ở trong đó. Em trân trọng và luôn biết ơn bố mẹ”, cô gái Lạng Sơn bộc bạch.

Dẫu vậy Khánh Vinh không tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười khi sở hữu cái tên giống nam giới. Đi học cô thường gây ấn tượng với thầy cô giáo hoặc bạn bè lần đầu gặp gỡ.

Các thầy cô giáo lần đầu vào lớp thường gọi Hoàng Khánh Vinh lên bảng trả lời. Khi em đứng lên, thầy cô ngỡ ngàng không tin, thậm chí hoài nghi đó không phải là em. Em đành phải đưa thẻ học sinh – sinh viên ra trình diện để thầy cô tin là thật.

Em nghĩ tên đặc biệt cũng là cách gây ấn tượng đối với người đối diện. Nhờ đó em có thêm nhiều người bạn, được thầy cô giáo chú ý nên chuyện học tập cũng tiến bộ hơn rất nhiều”, Khánh Vinh tâm sự.

Không chỉ vậy, Khánh Vinh còn gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ tùy thân. Cô nàng kể, từ cấp I đến bậc đại học làm theo bảo hiểm y tế đều có sự nhầm lần về giới tính. Theo đó nhà trường đều để giới tính của cô nàng là nam giới. Cô đành phải lên xin làm lại cho đúng giới tính thật của mình.

Danh sách lớp hay giấy tờ suốt 3 năm học của em đều xảy ra chuyện nhầm lẫn giới tính. Em coi đó là chuyện bình thường, chỉ có đúng mới thấy lạ lẫm vì không ngờ cuối cùng họ tên đã trùng khớp với giới tính”, Khánh Vinh chia sẻ.

Thông qua câu chuyện, Khánh Vinh cũng muốn chia sẻ đôi điều đến những người “cùng cảnh ngộ”: “Em có đọc báo về rất nhiều bạn sở hữu tên độc lạ, thậm chí lạ hơn cả tên của em. Em biết các bạn có chút tự ti về cái tên do ông bà, bố mẹ đặt. Em muốn động viên các bạn rằng dù tên đẹp hay tên xấu vẫn là tên do người thân đặt với hi vọng con cháu sau này trưởng thành hãy sống thật tốt, hạnh phúc và vui vẻ. Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tên xấu tên đẹp để rồi tâm lý trở nên tự ti, muốn thay đổi thành cái tên mỹ miều hơn”.

NGỌC HÀ