Những năm gần đây, một trong những chất xúc tác quan trọng cho nhiều đột phá trong khoa học chính là sự phát triển của vật liệu tiên tiến và công nghệ nano. Ngành học Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano nổi lên để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Trong đó, công nghệ Nano (Nanotechnology) cho phép tác động, điều khiển hình dáng, kích thước và kiểm soát vật liệu ở quy mô cực kỳ nhỏ với kích thước nanomet (1nm = 1 phần tỷ mét). Sự phát triển của công nghệ nano khiến cho việc chế tạo các vật liệu mới có tính năng nổi bật mà vật liệu truyền thống không làm được.
Đây là nơi con người có thể chế tạo các vật liệu và thiết bị ở cấp độ nguyên tử, thậm chí thay đổi bản chất của vật liệu một cách hiệu quả. Tác động của công nghệ lớn này được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quan trọng như y học, điện tử, chuyển đổi và lưu trữ năng lượng hoặc giải quyết các vấn đề môi trường. Chính sự khát khao về các giải pháp năng lượng bền vững, môi trường trong lành cũng dẫn đến sự phát triển của một thế hệ vật liệu mới bao gồm vật liệu bán dẫn cấu trúc nano, graphene, dây nano, chấm lượng tử.
Ngành học Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano nổi lên trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
PGS. Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, hiện nay, yêu cầu cấp thiết cần đặt ra là phải phát triển những ngành công nghiệp nền tảng. Trong đó, công nghiệp vật liệu cần ưu tiên đi trước một bước, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất khác. Điều này góp phần đảm bảo xây dựng được một nền công nghiệp vững mạnh, độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Dù vậy, một trong những yếu kém của ngành công nghiệp vật liệu là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Việc đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Ngoài ra, cơ chế và chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.
“Khoa học và công nghệ cùng việc đổi mới và sáng tạo phải thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế”, PGS Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
Vì vậy, ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano đang được đánh giá là một trong những ngành nghề mang xu thế tương lai, “khát” nhân lực có tay nghề cao. Điều này mở ra cơ hội rộng mở cho những bạn trẻ muốn khám phá, thử sức với lĩnh vực mới.
Theo đó, học ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, sinh viên sẽ được cung cấp nền tảng kiến thức về cấu trúc của vật liệu, mối quan hệ giữa tạo - cấu trúc - tính chất vật liệu. Người học còn được tìm hiểu về khoa học kĩ thuật hiện đại, bao gồm nhiệt, chuyển chất và hóa động học,… đồng thời cũng được học chuyên sâu về kinh tế, xã hội và môi trường của việc chế tạo vật liệu.
Học ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano, sinh viên sẽ được cung cấp nền tảng kiến thức về cấu trúc của vật liệu
Triển vọng nghề nghiệp của những bạn trẻ theo đuổi ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano vô cùng rộng mở. Với nền tảng vững chắc về khoa học và kỹ thuật vật liệu cùng với kiến thức chuyên môn về vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, sinh viên có thể đóng góp sức mình cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và những tiến bộ công nghệ trong các ngành công nghiệp khác nhau, cụ thể: Kỹ sư quản lý dây chuyền sản xuất; kỹ sư phát triển công nghệ và sản phẩm mới; kỹ sư quản lý chất lượng; làm giảng viên hoặc nghiên cứu viên tại các trường, viện nghiên cứu; chuyên viên tại các tổ chức có liên quan.
Ngoài ra, các bạn trẻ còn có thể đảm nhiệm vị trí liên quan đến lĩnh vực sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử tại Samsung, LG, Panasonic, Brother, 4P, Intel, Viettel,....hay tại các học viện, phòng thí nghiệm nghiên cứu của chính phủ hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghiệp tại nước ngoài.
Đây là ngành học mới nên tại Việt Nam hiện có số ít trường đại học đào tạo ngành này, bao gồm: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Tất Thành; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội; Đại học Quy Nhơn và Đại học Phenikaa.
Năm 2024, ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội lấy điểm chuẩn 22 điểm
Năm 2024, dựa trên điểm xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT, điểm chuẩn ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội lấy 22 điểm, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội có mức điểm chuẩn là 20 điểm, Đại học Phenikaa lấy 20 điểm. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Quy Nhơn đào tạo ngành Khoa học vật liệu (chuyên ngành Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano) đều lấy mức điểm chuẩn là 15 điểm.
H.A