Theo chia sẻ của Trường Đại học Kinh tế Tài chính, Quản trị chất lượng là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm lập chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.
Quản trị chất lượng hiện đã được áp dụng trong mọi ngành công nghiệp, không chỉ trong sản xuất mà trong mọi lĩnh vực, trong mọi loại hình tổ chức, từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ, cho dù có tham gia vào thị trường quốc tế hay không. Quản trị chất lượng đảm bảo cho tổ chức làm đúng những việc phải làm và những việc quan trọng, theo triết lý "làm việc đúng" và "làm đúng việc", "làm đúng ngay từ đầu" và "làm đúng tại mọi thời điểm".
Sinh viên theo học ngành Quản lý chất lượng sẽ được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên ngành như: quản trị chất lượng; kỹ thuật quản trị chất lượng; hệ thống quản lí tiết kiệm và không lỗi; hệ thống quản lí theo tiêu chuẩn; quản trị công nghệ; quản trị sản xuất; quản trị dự án; thiết kế hệ thống chất lượng; đo lường chất lượng; chi phí chất lượng, năng suất và hiệu quả; tiêu chuẩn hóa; thống kê chất lượng; quản lí nhà nước về chất lượng…
Quản trị chất lượng là một công việc ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công và thất bại của một doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Kỹ sư Quản trị chất lượng sẽ đảm nhận công việc với những việc làm cụ thể như: lập kế hoạch, chương trình quản trị chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty dựa trên nhu cầu của thị trường; xác định mức chất lượng tối ưu trong chiến lược kinh doanh; xây dựng một một chính sách hợp lí về chất lượng cho công ty, cho ngành trên cơ sở những nhu cầu và khả năng của xã hội, của thị trường và của ngành; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị chất lượng trong các công ty, các ngành; phân bổ và sử dụng hợp lí các nguồn lực trong tổ chức, góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp.
Điểm chuẩn ngành Quản lý chất lượng ra sao, ra trường lương bao nhiêu?
Năm 2023, điểm chuẩn để thí sinh theo học ngành Quản trị chất lượng, thuộc ngành Quản trị kinh doanh khá cao tại các trường có khối ngành kinh tế. Cụ thể như với thang điểm 40, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức 34.54 điểm; Trường Đại học Hà Nội lấy 33.93 điểm; Trường Đại học Tôn Đức Thắng lấy 33.45 điểm.
Ở thang điểm 30, các trường có điểm chuẩn cao là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 27.25 điểm; Học viện Tài chính 26.17 điểm; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông 25.15 điểm; Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM lấy 25.05 điểm; Trường Đại học Giao thông vận tải với 24.77 điểm.
Theo chia sẻ của Học viện Bưu chính Viễn thông, tổng quan mức lương ngành Quản trị chất lượng như sau: Mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường là 4-21 triệu đồng/tháng. Tại những vị trí cấp cao hoặc ở các doanh nghiệp lớn, người có năng lực có thể nhận mức lương cao nhất lên đến 80 triệu đồng/ tháng.
Để đạt được mức lương cao hơn, sinh viên cần có kinh nghiệm làm việc lâu năm và các chứng chỉ chuyên ngành đặc thù. Việc học Thạc sĩ được xem là một bước tiến cần thiết để tiến lên các vị trí quản lý đầu ngành.
5 tiêu chí cần có để theo đuổi ngành Quản trị chất lượng
Tuy nhiên, theo hotcourses, do yêu cầu đối với nhân sự của ngành quản trị chất lượng đang ngày một cao hơn, nên bạn cần sở hữu rất nhiều phẩm chất và kỹ năng để có thể cạnh tranh trong lĩnh vực này. Một số yếu tố bạn cần đáp ứng được bao gồm:
Khả năng giám sát chất lượng: Nếu có đôi mắt nhạy bén và kỹ năng giám sát tốt, bạn có thể nhanh chóng phát hiện các bất thường trong quá trình sản xuất để kịp thời tìm biện pháp khắc phục và sửa chữa.
Khả năng giao tiếp: Đây là yếu tố rất quan trọng đối với những ai mong muốn làm việc ở vị trí quản trị chất lượng dịch vụ. Kỹ năng tiếp nhận và truyền đạt thông tin tốt sẽ giúp nhân viên quản trị chất lượng lắng nghe và thu thập ý kiến của khách hàng cũng như thu thập thông tin sản phẩm từ các bộ phận khác một cách hiệu quả.
Khả năng sử dụng công nghệ: Đây là một kỹ năng quan trọng đối với công việc của nhân viên quản lý chất lượng trong doanh nghiệp bởi bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều máy móc công nghệ như máy tính văn phòng, thiết bị kỹ thuật số và các công cụ đo lường và kiểm soát chất lượng chuyên dụng.
Khả năng ngoại ngữ: Thành thạo ngoại ngữ như Anh, Trung, Nhật,... sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong việc giao tiếp và làm việc với đối tác. Ngoài ra, nó còn giúp bạn đọc hiểu các tài liệu nước ngoài liên quan đến sản phẩm, như tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật,...
Đam mê: Để theo đuổi việc làm quản lý chất lượng lâu dài thì bạn cần phải có đam mê và sự kiên định bởi công việc này không hề dễ dàng mà đòi hỏi nhiều kỹ năng tổng hợp.
H.A