Khi nhắc về ngành Công nghệ sinh học, nhiều người sẽ thắc mắc học ngành này làm công việc gì sau khi ra trường, có khó xin việc không, mức lương như thế nào?
Trên thực tế, công nghệ sinh học là ngành đã được đào tạo từ lâu ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên khắp cả nước. Hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu hay ứng dụng đều cần sử dụng công nghệ sinh học, bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, chọn tạo giống, thú y, thủy sản, công nghệ thực phẩm, y sinh học, y dược học, xử lý môi trường… Những năm trở lại đây, cùng với xu thế phát triển của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của con người, ngành công nghệ sinh học trở nên được quan tâm, đầu ra nhân sự vô cùng lý tưởng.
Ngành Công nghệ sinh học được nhận xét là ngành của tương lai, nhu cầu nhân sự cao
Ngành học triển vọng nhưng ít người lựa chọn, dẫn đầu xu thế tương lai
Ngành Công nghệ sinh học là lĩnh vực kết hợp công nghệ, quy trình kỹ thuật hiện đại cùng nền tảng khoa học trong sinh học, nhằm sản xuất và tạo ra các sản phẩm sinh học chất lượng cao.
Đây là ngành học bao gồm nghiên cứu, sử dụng những thực thể sống trên nguyên lý sinh học, tạo ra những sản phẩm phục vụ lợi ích và nhu cầu của con người. Sinh viên theo học cần ứng dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực vào quá trình học như: Y dược, Nông nghiệp, Môi trường, Năng lượng…
Như vậy, Công nghệ sinh học là lĩnh vực đa ngành và liên ngành, gắn kết với nhiều lĩnh vực trong sản xuất và cuộc sống. Có thể kể đến như: chọn tạo giống cây trồng vật nuôi mang các đặc tính mới (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản); chế biến và bảo quản thực phẩm; sản xuất các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng trong y học và dược phẩm, chẩn đoán bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải… Công nghệ sinh học còn là chìa khóa giúp con người bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững.
Theo số liệu nghiên cứu từ Viện chiến lược và Chương trình Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần ít nhất là 25.000 lao động chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học. Điều này mở ra cơ hội việc làm lý tưởng cho các nhân sự có chuyên môn, được đào tạo bài bản.
Sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học ở nhiều trường Đại học lớn trên khắp cả nước
Theo học ngành Công nghệ sinh học, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về sinh học, kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm và các lĩnh vực chuyên sâu về sinh học phân tử, di truyền phân tử, bệnh học phân tử.
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên ngành Công nghệ sinh học được trang bị kỹ năng tiếng Anh để có thể nghiên cứu những tài liệu tham khảo, những thành tựu mới về công nghệ sinh học của thế giới.
Hiện nay, những cơ sở giáo dục đào tạo về ngành Công nghệ sinh học chất lượng có thể kể đến như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM… Sinh viên theo học ngành Công nghệ sinh học thi tuyển các khối: A00 (Toán, Lý, Hoá), B00 (Toán, Hoá, Sinh), A02 (Toán, Lý, Sinh)...
Năm 2024, ngành Công nghệ sinh học ở các trường có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất từ 15 điểm và cao nhất là 25 điểm. Trong đó cao nhất là điểm chuẩn của trường Đại học Tôn Đức Thắng với 25 điểm, một số trường khác có điểm chuẩn cụ thể như sau: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội - 24,9 điểm; trường Đại học Nông lâm TP.HCM - 23,25 điểm; Trường Đại học Dược Hà Nội - 24,26 điểm; Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM - 22,25 điểm…
Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương trên 30 triệu đồng/tháng
Cử nhân tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực, đơn vị như: Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân ở các tỉnh…, hay Khoa vi sinh, xét nghiệm… ở các Bệnh viện, trung tâm y tế.
Ngoài ra, công việc ở các công ty dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm… cũng chào đón những người có chuyên môn về Công nghệ sinh học. Có một số người học thêm chứng chỉ về Sư phạm để trở thành giáo viên giảng dạy bộ môn Sinh học ở các trường.
Nhu cầu của thị trường lao động đang cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực Công nghệ sinh học
Về mức lương, với sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, lương có thể dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Với nhân sự có kinh nghiệm lâu năm, mức lương ước tính trên 30 triệu đồng/tháng. Mức lương của ngành Công nghệ sinh học tương đối cao, được quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Nhân sự có trình độ cao, kinh nghiệm trong ngành Công nghệ sinh học có thể đạt mức thu nhập lý tưởng
Hiện nay có nhiều công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tuyển dụng các vị trí cho nhân sự về lĩnh vực Công nghệ sinh học. Trước tiên mỗi nhân sự cần trau dồi kinh nghiệm để có thể dễ dàng tìm kiếm được những việc làm có mức lương hấp dẫn, đúng với năng lực và mong muốn.
PHÚ NGUYỄN