Những cụ ông tuổi U100 vẫn mê tập gym
Cụ Phạm Mạnh Hùng, người gốc Hải Phòng, hiện thuê phòng trọ sống ở TP Biên Hòa năm nay đã hơn 99 tuổi nhưng vẫn đi tập gym thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.
Cụ Hùng cho biết, cụ mê tập gym từ ngày còn trẻ. Hiện tuổi đã cao, nhưng cụ được bạn gái kém tuổi động viên tập gym cho khỏe.
Khi thấy cụ ông đã lớn tuổi đến hỏi xin tập, chủ phòng gym nơi cụ Hùng tập đã miễn phí hoàn toàn cho cụ. Ngoài ra, chủ phòng gym này còn nhờ huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn, theo dõi sát sao cụ Hùng tập. Nhưng khi thấy cụ ông sinh năm 1925 hành thạo tập các bài, đẩy được tạ 50kg rất nhẹ nhàng, ai cũng bất ngờ.
Ngoài tập gym, ông Hùng còn ăn uống lành mạnh để tốt cho sức khỏe, giúp ông sống thọ hơn. Ảnh minh họa.
Giống như cụ Hùng, mấy năm qua cũng rất nhiều người bất ngờ và ngưỡng mộ cụ Khứu Văn Chắc (ở An Giang), năm nay 89 tuổi có thân hình săn chắc, cơ bắp cuồn cuồn nhờ tập gym.
Cụ Chắc cho biết, đến nay đã tập gym được hơn 6 năm. Nhờ môn tập này, cụ đã đẩy lùi được bệnh gout, viêm xoang. Căn bệnh tim mà cụ đang mắc cũng đỡ đi rất nhiều. Điều đặc biệt, mới đây khi đi khám sức khỏe tổng quát, cụ Chắc được bác sĩ khen có sức khỏe bình thường.
Tập gym là cách giúp kéo dài tuổi thọ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC Mỹ), cho rằng, tập luyện sức mạnh có thể là một công cụ giúp làm giảm các triệu chứng của nhiều căn bệnh mạn tính, bao gồm tiểu đường, viêm khớp, loãng xương và béo phì.
Luyện tập sức mạnh có thể không khó như bạn nghĩ, vì những bài tập này dễ hiệu quả mà không cần quá nhiều thiết bị hỗ trợ và không quá tốn thời gian. Theo CDC, khi thực hiện đúng những bài tập này và với sự hướng dẫn của bác sĩ, luyện tập sức mạnh có thể là một dạng bài tập an toàn cho cả những người cao tuổi mắc các vấn đề về sức khỏe.
Tập luyện sức mạnh giúp làm giảm các triệu chứng của nhiều bệnh mạn tính, bao gồm tiểu đường, viêm khớp, loãng xương và béo phì... Ảnh minh họa.
Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ cũng cho rằng, những người cao tuổi cần luyện tập các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp ít nhất 2 ngày/tuần để luyện tập tất cả các nhóm cơ lớn trên cơ thể, bao gồm cơ chân, cơ cánh tay, cơ vai, cơ hông, cơ lưng, cơ bụng và cơ ngực. Tuy nhiên, cơ quan này khuyến cáo, người cao tuổi nên tuân theo một quy trình các bài tập về sức mạnh và nên tăng mức độ luyện tập một cách từ từ. “Những bài tập sức mạnh không nên gây đau đớn cho người tập. Nếu bạn cảm thấy đau nhói, hãy dừng ngay bài tập và hỏi ý kiến của bác sĩ để xem có nên tiếp tục hay không”, chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Nhân sinh Mỹ cũng khuyến cáo, với người lớn tuổi, trước khi bắt đầu tập gym cần khởi động bằng cách đi bộ khoảng 5-10 phút để giúp cơ thể chuẩn bị cho bài tập bằng cách định hướng lưu lượng máu chảy tới các cơ, nhằm ngăn chặn chấn thương.
Một nghiên cứu mới đây do Đại học Brigham Young (Mỹ) thực hiện cho thấy, người tập thể dục thường xuyên từ mức độ vừa phải đến cường độ cao thật sự có telomere trong DNA dài hơn người không tập. Theo các nhà nghiên cứu, telomere là những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể, nhằm bảo vệ cấu trúc di truyền khỏi bị tổn hại. Telomere được coi là thứ tạo ra "tuổi sinh học" của mỗi người, cho thấy tuổi của tế bào trong cơ thể họ chứ không phải độ tuổi theo trình tự thời gian thông thường.
Ông Khướu Văn Chắc là một người tập gym để rèn luyện sức khỏe suốt mấy năm qua. Ảnh: Diệu Thuần.
Tuổi càng cao, các telomere sẽ càng có xu hướng ngắn lại. Riêng những người tập thể dục thường xuyên ở cường độ cao thì có tuổi sinh học trẻ hơn người lười vận động khoảng 9 năm. Tức là, telomere của người thường xuyên tập gym dài hơn người không tập.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, muốn làm chậm quá trình lão hóa hiệu quả và kéo dài tuổi thọ, chúng ta cần tập gym với cường độ cao (tần suất khoảng 5 buổi/tuần) là tốt nhất.
DIỆU THUẦN