Đặc sản chỉ có ở Thanh Hóa, xưa không ai biết đến giờ nổi tiếng khắp nơi, dân thành phố "săn lùng"

Google News

Đây là món đặc sản nổi tiếng ở Bá Thước, Thanh Hóa, trước kia từng tiến vua, giờ mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân nơi đây.

Vịt Cổ Lũng có xuất xứ ở xã Cổ Lũng thuộc huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống vịt quý hiếm, có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển.

Loài vịt này cổ rụt, chân nhỏ và ngắn, cổ và đầu có lông khoang, con trống có lông đuôi xoắn, lông cổ màu xanh ánh biếc. Nhìn bề ngoài chúng giống như con vịt bầu. Khi mới nở, vịt có bộ lông tơ màu xám đen xen kẽ khoang màu vàng nhạt. Khi trưởng thành, vịt trống có lông ở đầu màu xanh, phần cổ, ngực và lưng lông màu nâu đỏ xen lẫn trắng. Đó là đặc điểm nhận dạng của vịt Cổ Lũng.

Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, có từ lâu đời, được các thế hệ người Bá Thước gìn giữ, phát triển.

Vịt Cổ Lũng sống ở những con suối trong lành, sạch sẽ, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú như ốc suối, cá nhỏ, tôm tép... Vì thế, thịt của chúng có hương vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loài vịt nào. Loài vịt này nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu đẻ trứng, trọng lượng tầm 3-4 tháng tuổi đạt 1,6-1,7 kg, sau 5 tháng nuôi trung bình có thể đạt 1,5-2 kg.

"Trước đây vịt Cổ Lũng là đặc sản tiến vua, mấy năm gần đây được người dân Bá Thước mở rộng mô hình nuôi để bán ra thị trường. Chúng có giá dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 150.000 đồng/kg. Mức giá này ngang ngửa giá gà ta thả vườn", anh Hoài Nam (một người nuôi vịt ở Bá Thước) chia sẻ. 

Thịt vịt Cổ Lũng thường được chế biến thành các món như luộc, nướng, quay. Các khu nghỉ, homestay hay nhà hàng tại Pù Luông thường chế biến vịt luộc, quay hoặc nướng. Với món vịt nướng, các đầu bếp thường tẩm ướp gừng, xả, gia vị cơ bản như mắm, mì chính, bột nêm và đặc biệt không thể bỏ qua hạt mắc khén và mật ong. Vịt được ướp đều, massage trong 30 phút rồi mang đi nướng. 

Vịt nướng là đặc sản trong các nhà hàng, homestay tại Pù Luông

Khi nướng được 10-15 phút, thịt săn lại, những giọt mỡ vàng óng chảy xuống bếp làm than củi thêm đỏ rực, mùi hương tỏa thơm phức. Tới khi vịt chín, lớp da chuyển sang màu nâu đỏ, nâu đậm.

Từng được thưởng thức món vịt Cổ Lũng nướng tại một nhà hàng ở Pù Luông, bạn Loan (ở TP.Vinh) cho biết thịt của loài vịt này thơm và dai ngọt như thịt gà chạy bộ, nướng lên thơm phức. Dù giá đắt hơn so với các loại vịt thường nhưng rất đáng để thử bởi không phải lúc nào cũng mua được chúng.

Đặc biệt, tháng 11/2020 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng, Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). 

H.A