Đi ăn ngoài, nếu thấy hiện tượng này trong chai nước tương thì đừng sử dụng, chuyên gia cảnh báo "toàn là vi khuẩn"

Google News

Hãy cảnh giác với cả những loại gia vị mà bạn sử dụng khi ăn uống ở bên ngoài, bởi nó có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Khi đi ăn ở bên ngoài, nhiều nơi thường cung cấp rất nhiều loại gia vị khác nhau để khách hàng có thể thêm vào món ăn sao cho phù hợp với khẩu vị của bản thân. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan, Lâm Quán Lương mới đây đã đăng trên trang cá nhân, cảnh báo mọi người khi ăn ở các hàng quán bên ngoài hãy cẩn thận với các loại gia vị được bày biện sẵn trên bàn, đặc biệt là nước tương (xì dầu). 

Theo chia sẻ của chuyên gia Lâm Quán Lương, nếu bạn phát hiện có những vết "chấm trắng" trên nắp chai nước tương thì đó thực chất là khuẩn lạc của vi khuẩn. Mỗi chấm trắng nhỏ đó đều chứa một số lượng vi khuẩn không thể xác định rõ và đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạn bị đau bụng, tiêu chảy hay thậm chí ngộ độc sau khi ăn uống bên ngoài. Đôi khi các vấn đề ngộ độc thực phẩm không hẳn do thức ăn có vấn đề mà có thể là do gia vị không đảm bảo vệ sinh.

Trước thắc mắc của cư dân mạng về việc liệu có thể tiếp tục sử dụng chai nước tương sau khi lau sạch những "chấm trắng" này không. Chuyên gia Lâm Quán Lương cho biết tốt nhất nên đổ hết toàn bộ chai và không nên cố sử dụng tiếp để phòng ngừa vi khuẩn đã có sẵn trong nước tương. 

Nếu có những chấm trắng trong chai nước tương thì đó là khuẩn lạc (ảnh trái), còn nếu là tinh thể trong suốt thì đó là hạt muối (ảnh phải). (Ảnh minh họa)

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc cảnh báo này không phải để yêu cầu mọi người không sử dụng nước tương từ các nhà hàng bên ngoài mà để nhắc nhở mọi người kiểm tra kĩ càng trước khi sử dụng. Hành động này sẽ giúp bạn có thể tránh được các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Với nước tương tại gia đình nếu không bảo quản cẩn thận cũng có thể xảy ra hiện tượng này, tốt nhất nên cất chúng ở trong ngăn mát của tủ lạnh.

Ngoài những chấm trắng có thể thấy trên chai nước tương, một số người có thể bắt gặp những hạt trong suốt trên thân và miệng chai. Theo chuyên gia Lâm Quán Lương lý giải, đó là những tinh thể muối. “Chúng ta có thể thấy rõ những hạt này có góc cạnh chứ không phải hình tròn như khuẩn lạc vì vậy bạn có thể yên tâm sử dụng", chuyên gia cho biết.

Theo các chuyên gia về sức khỏe, nước tương có chứa một lượng muối nhất định. Ăn quá nhiều nước tương có thể dẫn đến việc cơ thể dung nạp quá nhiều muối và điều này sẽ gây hại cho cơ thể. Theo "Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc" phát hành năm 2016 thì mỗi người nên ăn không quá 6g muối mỗi ngày. Trong khi đó, 100ml nước tương đã chứa khoảng 18g muối, nghĩa là nếu ăn trung bình sáu muỗng cà phê nước tương mỗi ngày thì chúng ta sẽ chạm mốc lượng muối khuyến nghị hàng ngày.

Khuẩn lạc là gì?

Khuẩn lạc là một cụm, hay một “tập đoàn” vi khuẩn (Colony). Cụm vi khuẩn này có thể nhìn thấy được bằng mắt thường khi chúng phát triển trên bề mặt một giá thể cứng.

Có thể hiểu đơn giản, khi nuôi cấy một vi sinh vật nào đó trong môi trường nuôi cấy, chúng sẽ sinh trưởng và phát triển thành các khuẩn lạc. Dựa vào đó, người ta có thể xác định được mật độ của các vi sinh vật. Và tùy vào môi trường nuôi cấy, màu sắc, hình dạng mà phân loại thành nhiều loại khuẩn lạc khác nhau.

MINH MINH