Bị nhiễm HIV sau 1 lần chủ quan
HIV là căn bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua 3 con đường: từ máu, từ mẹ sang con và quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, số người bị nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục không an toàn đang được các nhà chuyên môn đánh giá ngày một tăng và có diễn biến phức tạp, chiếm 81,6% số người nhiễm HIV, với độ tuổi trung bình ;à 16-29, theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).
Hoàng Minh Nam (25 tuổi), đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản được hơn 1 năm. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Nam cùng nhóm bạn đến phố đèn đỏ Kabukicho ở Shinjuku (Nhật) chơi. Tại đây, Nam quan hệ không an toàn với một cô gái hành nghề mại dâm sau khi uống rượu bia.
Phố đèn đỏ ở Nhật Bản.
“Lúc đi chơi, tôi không nghĩ mình sẽ xảy ra chuyện ngoài ý muốn nên không mang theo bao cao su”, Nam chia sẻ với anh Ngô Tấn Huỳnh, một chuyên viên tư vấn HIV hỗ trợ cộng đồng ở TP.HCM. Một phần, Nam cho rằng ở Nhật có quy chế về kiểm soát những người hành nghề mại dâm rất nghiêm, anh đã có tâm lý buông lỏng hơn.
Sau chuyến đi chơi về, Nam thấy sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện nào của các căn bệnh truyền nhiễm. Một tháng sau, Nam bị sốt, ớn lạnh và nhức mỏi. Chàng trai sinh năm 1999 cho rằng, bản thân bị cảm lạnh thông thường, uống thuốc sẽ hết.
Đừng hoảng sợ, mặc cảm tự ti nếu không may bị nhiễm HIV
Cuối tháng 4 vừa qua, Nam thường xuyên bị sốt, mệt mỏi, bị tiêu chảy và giảm cân nên đi khám. Sau khi nghe Nam chia sẻ, bác sĩ tại một bệnh viện ở Nhật cho làm xét nghiệm bệnh giang mai, sùi mào gà và HIV. Kết quả xét nghiệm giang mai và sùi mào gà là âm tính, còn HIV thì cho kết quả dương tính khiến Nam sốc, suy sụp. Anh sợ sẽ bị chủ nơi làm việc biết và trả về nước thì xem như chấm hết.
“Nam đã liên hệ từ Nhật cho tôi và nhờ giúp đỡ. Lúc đó, cậu ấy rất hoang mang, sợ mình mắc HIV thì sẽ chết và bị đuổi việc. Để có tiền sang Nhật làm việc, gia đình cậu đã phải vay nhiều nơi” anh Huỳnh chia sẻ.
Xét nghiệm máu là cách giúp bạn biết mình có nhiễm HIV hay không. Ảnh minh họa.
Anh Huỳnh cho biết, sau khi động viên Nam, anh đã liên hệ với chuyên viên về HIV hỗ trợ hỗ trợ cộng đồng tại Nhật nhờ giúp đỡ và hướng dẫn cơ sở y tế tại Nhật để Nam được điều trị HIV. “Hiện cậu ấy đã ổn định tâm lý, đang được uống thuốc kháng HIV ARV”, anh Huỳnh thông tin.
Từ trường hợp của Nam, anh Huỳnh lưu ý, bất cứ ai cũng không được chủ quan với HIV. Đây là căn bệnh truyền nhiễm, dễ lây, diễn biến âm thầm ở giai đoạn đầu và hiện vẫn chưa có thuốc chữa dứt điểm. “Hiện không chỉ Nam mà còn có rất nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nhiễm HIV. Ngay trên phố đèn đỏ của Nhật hiện cũng rất nhiều người mắc bệnh này, nhất là những người hành nghề mại dâm. Để phòng tránh nhiễm HIV, tốt nhất là nên tránh xa nó, không nên có tâm lý chủ quan và cần dùng biện pháp an toàn khi quan hệ”, anh Huỳnh khuyến cáo.
TS.BS. Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ không an toàn là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội nói chung và HIV nói riêng. Hiện rất nhiều người trẻ, độ tuổi 13-29 mắc HIV do nguyên nhân này.
Khi biết mình mắc bệnh, đa số mọi người mặc cảm, sợ bị lộ thông tin, sợ sẽ chết hay sợ bị đuổi việc dẫn đến suy sụp tinh thần. “Vì biểu hiện HIV ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ, hoặc dễ nhầm thành cảm cúm thông thường, trong khi người mắc lại thiếu kiến thức nên đã truyền bệnh ra động đồng. Đây là một điều rất khó kiểm soát”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Sử dụng bao cao su khi "yêu" là cách giúp phòng ngừa mắc HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Phương cho rằng, để phòng tránh bệnh HIV, bất cứ ai cũng phải biết cách:
- Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.
- Trong trường hợp không biết “đối tác” có mắc HIV hay căn bệnh truyền nhiễm khác hay không thì nên dùng biện pháp an toàn khi “yêu”.
- Nếu không may bị lây nhiễm HIV từ bạn tình thì không nên quá hoảng sợ. HIV không phải là một tệ nạn xã hội hay "án tử". Thực tế vẫn có nhiều người nhiễm HIV khỏe mạnh và sống hạnh phúc trong nhiều năm thậm chí vài chục năm.
- Thông báo đến các trung tâm tư vấn HIV/AIDS để nhận được những lời khuyên và được điều trị bệnh bằng thuốc kháng virus HIV.
- Dừng hoạt động tình dục không an toàn và thông báo cho những người bạn tình của mình về tình trạng bệnh.
- Cần uống thuốc kháng virus HIV đúng giờ và đúng liều để có thể ngăn chặn tối đa sự phát triển của virus.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
DIỆU THUẦN