Điều đặc biệt trong danh sách 100 ước muốn của người mẹ mắc ung thư giai đoạn cuối: "Tôi muốn khóc!"

Google News

Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, có lẽ điều khó đối mặt nhất không phải nỗi sợ hãi mà là những người thân yêu.

“Nếu một ngày mẹ ra đi, con sẽ làm gì?”

“Con sẽ không sống nữa…”

Đó là câu mà cậu bé 10 tuổi He Zishen (Trung Quốc) đã trả lời mẹ mình một năm trước, khi lần đầu tiên biết tin mẹ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối. Mẹ của He Zishen là Deng Jing, năm nay 36 tuổi. Sau 6 đợt hóa trị, cắt bỏ vú và 25 đợt xạ trị, các bác sĩ dự đoán cô chỉ còn sống được 3-6 tháng.

Cuộc sống bước vào những ngày đếm ngược, với mong muốn lưu lại kỷ niệm cho con mình, cô quyết định thực hiện thử thách 100 điều ước trong đời sau lời gợi ý của anh trai. Ban đầu, cô luôn muốn làm điều gì đó cho con cái và gia đình nhưng anh trai cô đã nói rằng, cô nên làm điều gì đó cho bản thân.

Có một mục rất đặc biệt trong danh sách của Deng Jing chính là: “Tôi muốn khóc!” Những năm tháng tuổi thơ khó khăn đã tôi luyện nên một Deng Jing cứng rắn, hiếm khi nào rơi lệ. Nhưng giờ đây cô muốn được thể hiện hết cảm xúc của mình, không chỉ khóc cho số phận bất hạnh, khóc cho tiếc nuối vì không được đồng hành cùng các con tới khi trưởng thành mà còn khóc cho tiếc nuối về cuộc đời hữu hạn…

Trên thực tế, cô cũng như rất nhiều người khác, đang thầm mong chờ một điều kỳ diệu sẽ xảy đến với mình.

“Tôi có thể sống được bao lâu nữa?”

Đối với bệnh nhân ung thư, một trong những câu hỏi nhức nhối nhất chính là: “Tôi có thể sống được bao lâu nữa?”

Nhìn vào danh sách những điều muốn thực hiện trước khi chết của Deng Jing, người ta không khỏi bất ngờ trước phần gạch đầu dòng “Leo núi Phượng Hoàng ở quê hương”.

Khi được hỏi “Tại sao leo núi lại là một trong những mong muốn cuối cùng của bạn?”, Deng Jing nói rằng: “Có lẽ tôi sẽ không leo nữa”. Người phụ nữ ấy không muốn tốn sức lực để leo núi. Cô còn nhiều điều khác muốn thực hiện, cho mình và cả những người ở lại.

Từ hóa trị, cắt bỏ vú phải, đến phát hiện tế bào ung thư đã biến mất, đến tế bào ung thư di căn sang cả hai phổi, Deng Jing đã liên tục trải qua những hy vọng và thất vọng.

Lần cuối cô kiểm tra xem mình có thể sống sót được bao lâu, kết quả cho thấy cô chỉ còn 3-6 tháng. Deng Jing quyết giữ bí mật điều này, không nói với chồng và luôn cố gắng tích cực an ủi anh. Thế nhưng cô không biết rằng, thực ra bác sĩ đã nói tình hình với chồng cô từ lâu nhưng anh chưa một lần tiết lộ.

Cứ như vậy, hai người không ai nói về việc mình đã biết sự thật đau lòng kia. Người ta nói rằng, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, có lẽ điều khó đối mặt nhất không phải nỗi sợ hãi mà là những người thân yêu.

“Tôi có thể làm gì khác?"

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Deng Jing phải trải qua 25 buổi xạ trị khác, mỗi ngày 1 lần, đều đặn 5 ngày 1 tuần. Da của cô khi ấy bị loét nặng, bác sĩ xác định nó đã đến mức bỏng cấp độ 3. Toàn bộ vết thương như bị “nướng giòn”, chỉ cần khẽ chạm nhẹ là da đã bong ra cả mảng. Sau đợt xạ trị, cô bước vào thời gian dài hồi phục vết thương.

"Nếu tôi chỉ còn nửa năm để sống, tôi có thể làm gì khác?"

Deng Jing đã chán ngấy việc nằm trên giường và lướt điện thoại di động mỗi ngày. Sau khi đánh giá tình trạng thể chất, cô quyết định thử tự mình làm truyền thông. Lựa chọn làm việc trong lĩnh vực truyền thông của cô không chỉ để hoàn thành danh sách 100 điều muốn làm kia mà còn giúp cô kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Thời điểm đó, cứ sau 21 ngày, Deng Jing cần đến Bắc Kinh 1 lần để lấy thuốc, mỗi lần tiêu tốn 30.000 nhân dân tệ (105 triệu đồng). Hơn nữa, những loại thuốc này đều không được bảo hiểm y tế chi trả. Số tiền đó thực sự rất lớn đối với các gia đình bình thường.

Không ít người từng đặt ra câu hỏi vì sao cô không “tô vẽ” thêm để bán được nhiều hàng hơn, kiếm nhiều tiền hơn nhưng Deng Jing thành thật trả lời rằng cô vốn không hiểu biết nhiều những điều đó, chỉ đơn giản là chân thành bộc lộ bản thân mình.

"Tôi không có tiền. Nếu muốn sống sót, tôi phải làm mọi cách để kiếm tiền", cô nói.

Deng Jing bên con trai lớn He Zishen.

Ngoài việc tự làm truyền thông, Deng Jing còn sử dụng những mối quan hệ có được khi làm công việc bán hàng để trở thành một đại lý bất động sản. Mỗi khi sức khỏe cải thiện, cô sẽ ra ngoài để giới thiệu nhà cho khách hàng.

Một số người theo dõi câu chuyện của Deng Jing đã ngỏ lời mở cho cô kênh gây quỹ, thậm chí có người nói có thể giúp cô quyên góp 350.000 nhân dân tệ để chữa bệnh nhưng đều bị cô từ chối. Cô nói không muốn bị ai thương hại, coi thường.

"Người khác có thể giúp bạn một lần, nhưng không thể giúp bạn mãi mãi. Ít nhất bây giờ tôi có thể dựa vào nỗ lực của chính mình để nhận quảng cáo và bán hàng qua các chương trình phát sóng trực tiếp. Tôi kiếm tiền với lương tâm trong sạch", Deng Jing quả quyết.

"Tôi muốn khóc!"

Có một mục rất đặc biệt trong danh sách những điều muốn làm trước khi ra đi của Deng Jing chính là “Tôi muốn khóc!” Cô cho biết, bản thân đã không khóc kể từ khi đủ lớn để ý thức được.

Ngày Deng Jing lên 8, sau khi cha qua đời, mẹ cô tái hôn và cô có một gia đình mới. Deng Jing gọi cha dượng của mình là "bác". “Bác” không hề đối xử tử tế với họ, 3 ngày cãi nhau nhỏ, 5 ngày cãi nhau lớn. Để bảo vệ mẹ, cô chỉ có thể trở nên mạnh mẽ và rắn rỏi ơn, thường xuyên đối đầu với "bác" của mình.

Mẹ cô là một người phụ nữ nông thôn điển hình, luôn cam chịu trước mọi hành động và lời nói của chồng, nhường nhịn tất cả để có thể là người mẹ kế tốt. Tuổi thơ đủ những bất hạnh và thiếu vắng tình yêu khiến tính cách cứng rắn đã khắc sâu vào xương tủy của Deng Jing, khiến cô hiếm khi khóc.

Khi này lớn lên, cô gặp người chồng hiện tại và bước sang một trang mới của cuộc đời. Sau khi kết hôn, cô có một gia đình nhỏ với người chồng yêu thương và hai đứa con ngoan ngoãn. Cô thực sự đã trải qua quãng thời gian thực sự hạnh phúc của cuộc đời.

Tuy nhiên, sau khi biết mình mắc bệnh ung thư, cô đã khóc suốt 2 tiếng đồng hồ rồi tự vực cảm xúc của mình dậy. Việc cô làm những video ngắn không chỉ để thực hiện tâm nguyện của bản thân mà còn là muốn để lại kỷ niệm cho chồng và các con sau này.

“Mai này, mỗi khi anh và các con cảm thấy buồn hãy xem video để nhớ rằng vợ/mẹ mình đã mạnh mẽ và hạnh phúc như thế nào”, cô nói.

Deng Jing muốn sau này chồng và các con nhớ về mình với hình ảnh mạnh mẽ và hạnh phúc. 

Năm 2024, vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Deng Jing đã tổ chức một sự kiện từ thiện trên đường phố vì bệnh nhân ung thư vú. Cô đã viết một bức thư cho tất cả những người phụ nữ có mặt:

“Xin chào!

Tôi đã từng tức giận và lo lắng vì những thăng trầm của cuộc sống này. Chúng kéo dài suốt nhiều đêm, khiến tôi không thể ngủ ngon giấc.

Bây giờ tôi là một phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn cuối. Để tồn tại, tôi đã cắt đi một nửa bộ ngực của mình.

Cảm ơn các bạn rất nhiều vì những cái ôm ấm áp trong cuộc đời tôi. Tôi mong rằng lần sau, khi bạn không vui, bạn có thể ôm lấy chính mình.

Hãy yêu thương chính mình, yêu thực sự và yêu mãi mãi!”.

BẢO ANH.