Gặp người cha U80 của hơn 300 đứa trẻ: "Nhiều người bảo bác điên, lớn tuổi còn lo chuyện bao đồng..."

Google News

21 năm qua, bác Nguyễn Trung Chắt đã trở thành người cha đặc biệt, cưu mang, hỗ trợ cho khoảng hơn 300 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Người nào thương thì gọi bác là "ông Bụt giữa đời thường", người nào ghét thì bảo bác điên, thích làm chuyện bao đồng...

Với những ai từng theo dõi câu chuyện về người cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt (SN 1952, ngụ xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên), hiện đang sinh sống tại phố Núi Trúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, chắc hẳn đều khâm phục tấm lòng nhân ái cao cả mà bác dành cho những đứa trẻ kém may mắn. 21 năm qua, bác Chắt đã trở thành người cha đặc biệt, giúp hơn 300 đứa trẻ mồ côi thay đổi số phận.

“Gia đình từ chối các cháu, bác sẽ thắp lại hy vọng..."

Trong quá trình làm bộ độ biên phòng tại Lạng Sơn, chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh éo le, không ai chăm sóc, bác Chắt đã ấp ủ dự định cưu mang, hỗ trợ các em. Sau khi về hưu, năm 2003, mái nhà nhỏ đầu tiên của bác dành cho 24 em nhỏ khó khăn đã được thành lập tại quê nhà Hưng Yên. Đến nay, bác Nguyễn Trung Chắt đã thành lập 3 trung tâm ở Hưng Yên và Lạng Sơn để hỗ trợ các em mồ côi. Tất cả đều mang tên Hy vọng, hiện nhiều em ở trung tâm đã trưởng thành, có công việc ổn định.

Chúng tôi may mắn được trò chuyện với bác Chắt một ngày đầu tháng 6 tại Hà Nội. Trong bộ quần áo giản dị, bác Chắt niềm nở kể về hành trình 21 năm "làm cha" của mình. Nhớ lại những ngày đầu thành lập trung tâm, bác Chắt cho biết dù gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây ngô của tụi nhỏ mồ côi, thiếu hơi ấm của người thân đã thôi thúc bác phải hành động.

"21 năm qua như một giấc mơ dài với bác bởi bác không nghĩ mình có thể thành lập được 3 trung tâm, đi một chặng đường xa với tụi nhỏ như vậy. Bác không muốn gọi là làng trẻ mồ côi vì sẽ khiến các cháu mặc cảm. Thay vào đó bác đặt là “Hy vọng” với mong muốn các trẻ có niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp sẽ đến. 

Mục đích của bác là muốn giúp bọn trẻ được cải thiện về điều kiện sống, được ăn no mặc ấm, được phát triển về tinh thần, thể chất, nhân cách lành mạnh và bình đẳng như những đứa trẻ có bố mẹ trong xã hội”, bác Chắt tâm sự.

Để có thể nhận nuôi các bé, bác Chắt cho biết sẽ nhận các con từ UBND xã, phường tại địa phương. Các bé đến trung tâm đều đã được cơ sở bảo trợ xã hội của địa phương tiếp nhận. Căn cứ vào đề nghị của chính quyền, bác sẽ trực tiếp khảo sát cụ thể và xem xét khả năng, điều kiện của trung tâm để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho các bé.

Các cháu đã được tiếp nhận vào trung tâm sẽ được bác nuôi dưỡng, chăm sóc và cho tiếp tục đi học. Sau khi học xong THPT, các cháu học khá giỏi sẽ được tiếp tục cho học lên cao đẳng hoặc đại học, các cháu không đủ khả năng học tiếp thì bác cho đi học nghề, để đảm bảo chắc chắn rằng khi đủ 20 tuổi, các cháu rời khỏi trung tâm sẽ đủ khả năng tự lập bản thân”, bác Chắt chia sẻ.

Dù phải đi “ăn xin”, bác cũng nuôi các con khôn lớn nên người...

Để có thể duy trì hoạt động của các trung tâm, đảm bảo những điều kiện nuôi dạy trẻ, ngoài việc giải quyết bài toán về  kinh phí hoạt động, việc quản lý, dạy dỗ các bé cũng không hề dễ dàng. Ngoài việc dành toàn bộ số tiền bản thân tích góp, sự chung tay của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã thắp lên hy vọng cho hơn 300 đứa trẻ tại trung tâm.

Có nhiều khó khăn lắm, mô hình tổ chức như trung tâm Hy Vọng của bác thì chưa có nhiều, lại không phải là dự án, hay có nhà tài trợ thường xuyên mà tất cả từ việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến nuôi dưỡng dạy bảo các em đều do bác tự lo liệu. Đặc biệt là có những khoản phát sinh mà khi thành lập trung tâm bác không nghĩ đến”, bác Chắt ngậm ngùi rồi nói tiếp.

“Nhiều người đã hỏi bác là lấy tiền đâu ra mà nuôi 300 đứa con, bác chỉ bảo cứ đến các trung tâm Hy Vọng thì sẽ hiểu ngay thôi, lúc nào cũng có rau xanh ăn 4 mùa. Tất nhiên, có những lúc cũng phải đi "ăn xin" để nuôi con đấy. Bác chưa bao giờ đi nghỉ mát, hay thăm quan đâu đó vì không có thời gian và cũng không nên lãng phí tiền bạc cho bản thân mình. 

Bác cho các con tăng gia trồng rau, nuôi lợn, cám nuôi thì mình có thể mua, nhưng cũng có thể ra nhà máy cám, xin vét những cám rơi vãi. Thức ăn cho các con hằng ngày cũng phải tìm cách mua cho rẻ hoặc xin của mọi người”.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ bác Chắt có ý định dừng lại, suốt 21 năm qua, nhiều người bảo bác điên, lo chuyện bao đồng nhưng với bác, chỉ cần được nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ có được cuộc sống tốt hơn, có thêm hy vọng ở tương lai, bác chấp nhận đánh đổi tất cả.

Nhiều người bảo bác điên, cũng có người bảo bác thích lo chuyện bao đồng, nhưng bác cũng kệ thôi. Bác luôn làm việc hướng thiện, theo tâm mình. Quan điểm của bác là sống khỏe, đi nhanh, không có của để dành.

Với bác, tài sản lớn nhất của đời người là những đứa con sống tự lập, tử tế, còn của cải không phải là thứ cần để lạiAi cũng có một vòng đời, dù giàu nghèo thì rồi cũng sẽ ra đi. Cái để lại là làm được gì cho xã hội, chứ không phải là sống bao nhiêu tuổi và làm được bao nhiêu tiền”, bác Chắt cười vui vẻ.

Mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng mỗi tuần, bác Chắt vẫn đều đặn đi đi về về ở cả 3 trung tâm, hôm nào có việc cần giải quyết, bác sẽ nán lại lâu hơn. Cứ như vậy, người cha già tiếp tục miệt mài trên hành trình thay đổi số phận cho trẻ mồ côi. Những đứa trẻ lớn lên từ tình yêu thương, vòng tay che chở của bác Chắt đều trở thành người có ích cho xã hội, đó cũng là cách mà các em đền đáp công ơn nuôi dưỡng cao cả của bác. 

Lắng nghe bác trải lòng mới thấy người cha ấy mang trên vai quá nhiều gánh nặng vô hình. Đó là một hành trình còn dài phía trước, bác Chắt vẫn luôn tự động viên bản thân cố gắng để giúp các em nhỏ vượt lên số phận, mang đến những mầm xanh tươi tốt cho đời. 

THẢO ANH