Ở Chợ Lách (Bến Tre), có một gia đình rất đặc biệt: nhà 3 người đều… tí hon, sống không sung sướng nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương. Họ là tấm gương sáng để người dân trong vùng học tập về cách sống nghĩa tình, đùm bọc lẫn nhau trước khó khăn của số phận.
Anh Sơn (SN 1985) - người đàn ông trụ cột trong gia đình trên giới thiệu: "Tôi là chồng, tên Sơn. Còn vợ tôi tên Kim Hồng, năm nay 50 tuổi, tính ra hơn tôi 11 tuổi. Chúng tôi có một cậu con trai tên Lộc được 14 tuổi.
Sở dĩ người dân vùng này gọi chúng tôi là gia đình đặc biệt vì ai cũng... lùn. Tôi cao 1m3, vợ 1m và con trai cao dưới 1m".
Vợ chồng anh Sơn cùng con trai sống trong căn nhà tồi tàn, bên trong chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc võng cùng bàn bếp thấp lè tè. Như thế tất cả mới có thể sinh hoạt bình thường giống như bao gia đình khác.
"Người dân ở huyện này ai cũng biết vợ chồng anh. Họ nói anh chị rất đẹp đôi, có một chuyện tình cổ tích?", khi được hỏi, người đàn ông tí hon tỏ vẻ ngượng ngùng và e thẹn. Sau đó, anh cho biết, bản thân chào đời bình thường, lên 2 tuổi bỗng dưng không phát triển chiều cao, 6-7 tuổi mới biết đi.
Gia đình 3 thành viên của anh Sơn.
Lúc này, bố mẹ anh nhận thấy sự bất thường vì các anh chị em khác của anh không như vậy, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không đưa con trai đi bệnh viện kiểm tra. Anh cứ thế lớn lên với thân hình tí hon dù trí óc phát triển bình thường.
"Đến tuổi trưởng thành, tôi có đi mần mướn kiếm tiền nuôi thân và đỡ đần bố mẹ. Tôi cũng khao khát được yêu, có một tổ ấm nhỏ cho riêng mình.
Bữa đó, tôi được anh làm cùng ngỏ lời mai mối cho đứa em họ của anh ấy ở xã bên. Anh ấy nói chúng tôi trông rất đẹp đôi, có tướng phu thê. Tôi chẳng tin nhưng cứ đồng ý đến nhà cô gái đó coi sao.
Đến đó, tôi ngỡ ngàng khi cô gái lớn tuổi hơn mình rất nhiều, song lại có chút cảm thông vì chung cảnh ngộ... tí hon. Tôi nói chuyện vài câu liền nảy sinh hảo cảm nên tỏ tình luôn. Tôi vẫn nhớ như in câu nói: "Chị có chịu lấy em không?"", anh Sơn chia sẻ.
Khi đó chị Kim Hồng khá bất ngờ, xao xuyến khi lần đầu được ngỏ lời yêu thương. Chị đồng ý trở thành bạn gái của chàng trai cao hơn mình 30cm. Sau đó, cả hai có 6 tháng tìm hiểu trước khi tiến tới hôn nhân.
"Tôi là người nóng vội chuyện đám cưới chứ không phải vợ. Tôi thiết nghĩ mình nhỏ bé, gặp cô ấy cùng cảnh ngộ chính là duyên định mệnh không bao giờ đứt. Tôi đã về thưa chuyện với bố mẹ để gia đình qua đó hỏi cưới.
Thế là đám cưới của chúng tôi đã diễn ra trong sự vui mừng họ hàng đôi bên, hàng xóm láng giềng. Tôi cũng không thể ngờ mình có thể cưới được vợ hiền đảm như vậy", anh Sơn tự hào.
Một năm sau, chị Kim Hồng có thai khiến anh Sơn bật khóc. Anh chẳng thể ngờ có cơ hội được làm bố vì luôn nghĩ 2 vợ chồng có thân hình đặc biệt như vậy khó có thể có con. "Tôi có lo lắng chuyện con mang gen của chúng tôi. Ví dụ vợ tôi bình thường, 50% con sẽ giống mẹ nhưng đây cả hai đều lùn thì nguy cơ 99% như vậy. Song cô ấy động viên có thể may mắn con rơi vào 1% còn lại - giống các bác, cô, dì cậu thì sao, vì vậy, tôi lại nuôi hi vọng có phép màu xảy ra.
Bữa cơm giản dị nhưng chứa đựng bao tình yêu thương.
Ngờ đâu đứa trẻ chào đời, bác sĩ chẩn đoán con mang gen của bố mẹ. Có nghĩa nó sẽ chậm phát triển chiều cao, thậm chí trí não cũng vậy. Tôi buồn lắm nhưng chẳng thể thay đổi được số phận, đành dồn hết tình yêu thương để bù đắp thiệt thòi cho con", anh Sơn tâm sự.
Hiện tại, Lộc học lớp 7, luôn được bạn bè và thầy cô giáo yêu thương. Em cho biết: "Hồi em học cấp I, các bạn còn nhỏ chưa hiểu chuyện có trêu đùa việc em tí hon mãi không cao được. Em buồn lắm, về khóc oà với ba mẹ.
Ba động viên em hãy cố gắng, không bận tâm đến lời đó và hãy coi bản thân đặc biệt nên gây sự "chú ý". Khi em lên cấp II, các bạn dần thay đổi suy nghĩ, biết em thiệt thòi nên thường giúp đỡ, chỉ bài khó. Còn thầy cô luôn thương cảm nên ưu ái, quan tâm".
Anh Sơn cũng cho biết nhiều lần sợ con bị kỳ thị hình dáng, ngoại hình nên đến trường "thăm dò" xem sao. Anh hỏi những người bán hàng ngoài cổng và vui mừng khi con được tất cả quý mến. "Thằng bé cao chưa được 1m, cũng không nhanh nhẹn nhưng ngoan ngoãn lắm. Nó đi học về là phụ giúp mẹ việc nhà, thậm chí cơm nước để mẹ nghỉ ngơi.
Vợ tôi vài năm trở lại đây bị đau chân, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa khớp giãn tĩnh mạch. Họ khuyên cần lên bệnh viện ở Sài Gòn kiểm tra lại để có phác đồ điều trị cụ thể. Song tôi chưa đủ kinh phí để đưa vợ lên đó", anh Sơn bộc bạch.
Gia đình 3 người tí hon sống dựa vào công việc phụ khiêng cây cảnh của anh Sơn. Anh kể đợt này gần Tết nên công việc ổn định, ngày nào làm sẽ được chủ trả 200.000 đồng tiền công ngày đó. Còn mùa mưa, anh thất nghiệp vì chủ vựa không thuê nhân công. Anh đành ở nhà chăm sóc vườn cây trước nhà mong kiếm đồng ra đồng vào.
"Tôi làm được từng đó tiền nhưng chi phí nhiều lắm. Ví dụ ngày nào cũng tốn 40.000 đồng thuê xe đưa rước thằng Lộc đi học; tiền mua gạo, cái ăn và thuốc thang cho vợ.
Tôi chẳng ước cao sang gì, chỉ mong trời thương cho sức khoẻ để mần ăn. Tôi cũng hi vọng có chút tiền đưa vợ lên bệnh viện trung ương thăm khám bệnh. Như vậy tôi mãn nguyện lắm rồi", người đàn ông cao 1m3 tâm sự.
NGỌC HÀ