Giáo sư Viện Hàn lâm chỉ 3 yếu tố độc hại rút ngắn tuổi thọ mỗi ngày, điều số 2 muốn tránh cũng rất khó

Google News

Để bảo vệ cơ thể, việc loại trừ các yếu tố gây độc hại và xây dựng những giá trị cốt lõi cho sức khỏe là rất quan trọng, trong đó có những điều rất đơn giản nhưng ít người chú ý.

Trong xã hội hiện đại, nếu không biết lựa chọn và chọn lọc từ nguồn thực phẩm, môi trường sống đến các yếu tố ảnh hưởng đến tâm trí thì sức khỏe rất dễ bị ảnh hưởng, khiến tuổi thọ bị giảm sút. Chia sẻ tại buổi Tọa đàm dinh dưỡng tại Hà Nội, GS.TS Lê Đình Phái, Viện Hàn lâm Đức, Đại học FSU Jena - Đức cho biết, trong mỗi chúng ta đều có chứa 3 yếu tố độc hại, hay còn gọi là “tam độc”, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể nhận ra.

GS Lê Đình Phái cho rằng, 3 yếu tố gây độc này không gây nên vấn đề cấp tính, mà nó sẽ tích tụ lại dần dần, khiến sức khỏe đi xuống, bệnh lý phát triển và khi bùng phát sẽ rất nguy hiểm. Cụ thể, 3 yếu tố tam độc gây hại cho con người đó là: Tâm trí; Môi trường sống; Ăn uống (thực phẩm).

- Tâm trí: GS Phái cho biết, xã hội phát triển cũng sẽ kéo theo hàng loạt những áp lực từ công việc, kiếm tiền, con cái, nhà cửa… điều này sẽ dẫn tới tình trạng stress, lo âu và sinh ra các chất độc hại cho sức khỏe. Khi tâm trí không khỏe thì thân thể cũng không thể khỏe mạnh được, vì thế sẽ sinh ra bệnh tật khiến tuổi thọ bị giảm sút.

Không khí là nguồn tài nguyên con người được sử dụng miễn phí, nhưng chính chúng ta lại đang đầu độc nguồn tài nguyên này hàng ngày. Ảnh minh họa. 

- Môi trường sống: Đây là vấn đề được cảnh báo ngày càng nghiêm trọng, khi không khí, nguồn đất, nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Đáng nói, không khí là thứ tài nguyên con người được sử dụng miễn phí trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nó lại có vai trò quan trọng vì thiếu không khí là sẽ chết.

Trong khi đó, nguồn tài nguyên này đang phải chịu gáng nặng ô nhiễm rất lớn từ khí thải giao thông, sản xuất công nghiệp hay ngay chính sinh hoạt hàng ngày cũng đang làm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta. Khi chất lượng không khí, môi trường kém sẽ sinh ra hàng loạt bệnh tật, nó sẽ tích tụ và “gặm nhấm” dần dần sức khỏe mỗi ngày.

- Ăn uống: Theo nhận định của GS Phái hiện nay chúng ta đang ăn uống thiếu kiểm soát, nuông chiều vị giác. Cách ăn tự do thoải mái, thích ăn thịt ít ăn rau xanh khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng.

Vị giáo sư này cho rằng, mỗi nhóm thực phẩm có vai trò khác nhau với cơ thể, nhưng mọi người chỉ nên ăn đủ, không ăn thừa. Ví dụ như ăn quá nhiều thịt có thể dẫn tới dư thừa chất đạm khi chuyển hóa sẽ sinh ra các chất không có lợi cho sức khỏe.

Ngoài vấn đề ăn quá nhiều thì vấn đề chế biến thịt có thể sinh ra những chất bất lợi cho sức khỏe cũng được GS Phái cũng chỉ ra. Đó là việc lạm dụng chế biến thịt bằng cách chiên, rán, nướng. Việc sử dụng thực phẩm chiên rán trường diễn sẽ dễ sinh ra các gốc tự do trong cơ thể.

Người Việt ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt đỏ khiến cho cơ thể bị "đầu độc" mỗi ngày. Ảnh minh họa. 

Ông Phái cho biết, để giải quyết “tam độc”, trước hết cần phải xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để bảo vệ sức khỏe. Trong cuộc sống cần giảm bớt “tham-sân-si” để tâm trí được thoải mái; bản thân mỗi người hãy luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống; trong ăn uống nên ăn đa dạng, cân đối thực phẩm, dùng sản phẩm tự nhiên thay vì sản phẩm công nghiệp.

“Hiện nay có nhiều sản phẩm, chế phẩm tự nhiên có chứa các hoạt chất có khả năng vô hiệu hóa tác hại của tam độc hóa sinh. Việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên không chỉ phòng được tam độc, mà còn cung cấp dinh dưỡng tốt cho cơ thể, từ đó nâng cao sức khỏe mỗi ngày”, GS Lê Đình Phái chia sẻ.

Song song với việc hạn chế “tam độc” vào cơ thể, GS Phái nhấn mạnh về vai trò của việc xây dựng 4 yếu tố cho sức khỏe. Cụ thể, 4 yếu tố cần xây dựng gồm có: tâm trí, dinh dưỡng, cách sống, môi trường.

- Tâm trí: Thanh thản, không stress.

- Dinh dưỡng: Ăn đủ chất, sạch lành; Uống đủ lượng.

- Cách sống: Ngủ đủ giấc, đúng giờ, ngủ sâu; Nghỉ ngơi thư giãn, thiền; Thể dục thể thao vừa sức 30 phút/ngày; Tập thở sâu, tập yoga; Bài tiết đều đặn hàng ngày.

- Môi trường: Sống trong môi trường trong lành.

LÊ PHƯƠNG.