Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 234 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 40 ca so với tuần trước), nhưng có thêm 17 ổ dịch mới. Cụ thể, 17 ổ dịch sốt xuất huyết mới được ghi nhận tại các quận, huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Đống Đa, Đông Anh, Thạch Thất và Thường Tín, tăng 2 ổ dịch so với tuần trước.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh. Các ca bệnh phân bố tại 28 quận, huyện. Trong đó, quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Đan Phượng 63 ca, Thanh Oai 22 ca, Phúc Thọ và Hà Đông mỗi nơi 15 ca. Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 2.300 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong, số mắc giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trong tuần giảm, nhưng số ổ dịch vẫn gia tăng. Ảnh minh họa.
Ngoài sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận thêm 27 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 14 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 1.845 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, khu vực nguy cơ. Đồng thời, các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tập trung nguồn lực xử lý triệt để tại các khu vực ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi đảm bảo tỷ lệ phun triệt để cao; triển khai vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực nguy cơ có chỉ số côn trùng cao.
Đồng thời, các đơn vị tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Ngành y tế cũng cần phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh, triển khai các hoạt động xử lý dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học khi có bệnh nhân, ổ dịch. Trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu nhưng dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Để phòng dịch bệnh đầu năm học mới, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Các cơ quan chức năng và người dân cần chủ động phòng bệnh trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu. Ảnh minh họa.
- Vệ sinh ăn uống: thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Theo dõi phát hiện sớm: trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
- Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác. Cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
LÊ PHƯƠNG.