Hành lang bệnh viện nồng nặc mùi thuốc khử trùng khiến tôi muốn nôn. Tôi đứng trước cửa phòng bệnh của mẹ, cầm bản báo cáo khám trên tay mà lòng nặng trĩu.
Tôi hít một hơi thật sâu rồi giơ tay đẩy cửa phòng bệnh. Mẹ đang nằm trên giường bệnh, sắc mặt tái nhợt, đôi mắt đầy mệt mỏi và kiệt sức. Chị gái tôi đang ngồi bên giường, nắm tay mẹ, mặt trông nặng trĩu và bất lực.
- Kết quả kiểm tra thế nào rồi con?
Mẹ yếu ớt hỏi tôi. Tôi đứng ở cửa, cổ họng như bị thứ gì đó chặn lại, hồi lâu không nói được. Ánh mắt tôi vô tình hướng về chị gái cầu cứu. Chị khẽ gật đầu, ra hiệu đã đến lúc tôi phải nói ra sự thật. Tôi cố gắng ổn định lại cảm xúc trong lòng, giọng run run nói:
- Mẹ… Là… ung thư.
Vừa dứt lời, sắc mặt mẹ chợt thay đổi, nước mắt lưng tròng nói:
- Xong rồi, xong rồi. Vậy khoản vay của cháu trai tôi biết làm thế nào bây giờ?
Tôi choáng váng. Không ngờ rằng phản ứng đầu tiên của mẹ sau khi biết tin bà mắc bệnh ung thư là lo lắng cho khoản vay của cháu nội.
Cách đây không lâu, mẹ tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. (Ảnh minh họa)
Không phải mẹ nên lo lắng cho sức khỏe của mình sao? Tại sao lại là khoản vay của cháu nội chứ? Tôi vừa đau lòng, vừa tức giận xen lẫn sự bất lực và thất vọng. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng bình tĩnh để an ủi mẹ lo cho sức khỏe của bản thân trước. Nhưng bà hoàn toàn không nghe, vẫn khóc và lẩm bẩm:
- Cháu trai tôi còn nhỏ như thế, kinh tế thì khó khăn, tôi phải làm sao đây?
Vừa nói, bà vừa lau nước mắt như thể thứ bà mắc phải không phải là bệnh ung thư mà là khoản nợ thế chấp của cháu trai. Ngẫm mà lòng tôi nặng trĩu.
Nhà tôi có 3 anh chị em, tôi là con út và trên có một chị gái, một anh trai. Từ trước đến nay, hai chị em gái tôi đều gửi tiền cho mẹ hàng tháng. Ban đầu mỗi người gửi cho mẹ 1 triệu nhưng sau này bà lại yêu cầu nhiều hơn. Đến nay, số tiền hai chị em tôi gửi cho mẹ mỗi tháng tổng cộng là 10 triệu đồng.
Hỏi mẹ cần nhiều tiền thế làm gì, mẹ luôn bảo bà không có lương hưu, sức khỏe kém, công việc không ổn định nên cần tiền để duy trì cuộc sống. Thương mẹ, chị em tôi luôn cố gắng gửi tiền về quê để mẹ sống đủ đầy.
Nhưng mẹ lại luôn lấy tiền chúng tôi gửi về quê để trả khoản vay ngân hàng cho cháu nội. 5 năm trước, cháu trai tôi cưới vợ và vay tiền mua nhà. Khoản nợ vay mua nhà chưa trả hết thì 2 năm trước nó lại chơi chứng khoán và báo nợ thêm lần nữa.
Bây giờ mẹ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bà cũng chỉ quan tâm đến đứa cháu nội này, lo về khoản nợ của cháu nội. Bà lo chữa bệnh sẽ tốn một khoản viện phí và bà không thể đi làm kiếm tiền trả nợ giúp cháu trai được.
Mẹ tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nhưng bà chỉ quan tâm đến cháu nội. (Ảnh minh họa)
Khi anh trai và chị dâu tới thăm, ở bên giường bệnh, anh trai lo lắng bảo mẹ:
- Mẹ, mẹ phải chăm sóc bản thân thật tốt. Cháu trai mẹ còn nhỏ, khoản nợ của nó vẫn chưa trả hết, chúng con đồng lương ít ỏi chẳng đủ chi tiêu. Mẹ mà đi rồi chúng con biết làm sao?
Tôi và chị gái đứng bên cạnh mà lòng đau thắt. Trước đây biết mẹ lấy tiền hai chị em tôi gửi về chu cấp cho anh trai và cháu nội, chúng tôi đều mắt nhắm mắt mở cho qua. Bởi chúng tôi nghĩ rằng tiền đã cho mẹ rồi thì mẹ có thể tùy ý chi tiêu, người một nhà không nên tính toán làm gì. Nhưng bây giờ chúng tôi thật sự không thể chịu nổi được nữa.
Vì vậy, hai chị em tôi tuyên bố thẳng rằng tiền viện phí của mẹ phải chia 3, mỗi người con chịu một phần. Sau này bà khỏi bệnh, mỗi người con chu cấp cho bà 2 triệu mỗi tháng. Thiết nghĩ tổng 6 triệu thì một mình mẹ ở quê với mức đó là thoải mái chi tiêu rồi.
- Chúng con không nợ gia đình anh trai hay cháu nội của mẹ bất cứ điều gì cả. Chúng con cũng có gia đình của mình, không thể giúp đỡ họ vô điều kiện được.
Nghe chị em tôi nói vậy, sắc mặt mẹ trở nên rất khó coi. Bà trách móc chị em tôi không biết giúp đỡ người thân. Anh trai và chị dâu không ngừng than thở họ gặp khó khăn như thế nào, mong chúng tôi chi trả khoản viện phí cho mẹ và chu cấp cho bà như trước đây. Nhưng, lần này chúng tôi nhất quyết không thỏa hiệp, chúng tôi cần phải sống cho chính mình, lo cho tổ ấm của riêng mình.
CẨM TÚ