Ngày chị gái bước lên xe hoa, ai cũng có chung 1 nhận xét là chị ấy xinh đẹp nên được hưởng số sướng. Không chỉ lấy được anh chồng to cao đẹp trai, yêu chiều vợ hết mực mà anh ấy lại có công việc tốt thu nhập cao. Dường như có gì tốt nhất đều thuộc về anh rể và chị gái tôi là vợ của anh ấy.
Bố mẹ rất hãnh diện về chị gái tôi và thường khoe cuộc sống khá giả giàu sang của gia đình chị ấy với mọi người xung quanh. Ngược lại thường xuyên dìm hàng vợ chồng tôi. Mẹ suốt ngày than thở chúng tôi không năng động, kém cỏi, phải học anh chị mới có thể giàu lên được.
Chồng tôi thì luôn than thở:
“Số người ta giàu có thì ném đâu cũng giàu, còn số vợ chồng mình nghèo, cố gắng cả đời cũng chẳng khá hơn được. Vì thế cứ túc tắc làm việc và hưởng thụ cuộc sống từ từ, không vì những lời chê trách của bố mẹ mà nghĩ cho nặng đầu. Gia đình mình còn hơn rất nhiều nhà khác”.
Nhờ suy nghĩ lạc quan của chồng mà không khí gia đình tôi luôn tràn ngập hạnh phúc dù tiền bạc không dư giả là bao.
Bố mẹ rất hãnh diện về chị gái tôi và thường khoe cuộc sống khá giả giàu sang của gia đình chị ấy. (Ảnh minh họa)
Chị gái tôi mang tiếng là lấy chồng giàu có nhưng hơn 10 năm nay số tiền chị biếu bố mẹ có thể đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần biếu cũng chỉ là 2 đến 3 triệu là cùng. Thỉnh thoảng chị về quê chơi thì cho các con tôi mỗi lần 100 nghìn, chưa bao giờ chị cho em gái nổi 1 triệu.
Cả mẹ và tôi đều biết chị gái lấy chồng giàu nhưng keo kiệt mà không dám nói với người ngoài sợ bị người ta chê cười.
Mấy hôm Tết vừa rồi tôi ăn nhiều nhưng lại sụt cân, lo sợ sức khỏe có vấn đề nên sau Tết, tôi theo xe vợ chồng chị gái ra phố khám bệnh.
Do trong tủ lạnh không còn đồ ăn nấu bữa tối nên chị tôi gợi ý cả nhà ra quán ăn cho nhanh. Anh rể lưỡng lự nhưng chị gái tôi lại thuyết phục:
“Suốt mấy ngày Tết ăn thịt thà nhiều rồi, em muốn ra quán ăn lẩu hải sản, đổi vị cho ngon. Với lại mấy ngày Tết gia đình mình ăn ở nhà em gái nhiều bữa, chẳng lẽ không mời em ấy được 1 lần đi quán sao”.
Cuối cùng anh rể cũng đồng ý và cả nhà đi ăn lẩu. Suốt bữa ăn diễn ra vui vẻ nhưng đến lúc thanh toán thì gặp 1 vấn đề. Tiền ăn và uống hết 1,3 triệu, anh rể nói là chia 3, anh ấy chỉ bỏ ra 500 nghìn, còn 800 nghìn là phần tôi và chị gái.
Anh rể nói là chia 3, anh ấy chỉ bỏ ra 500 nghìn, còn 800 nghìn là phần tôi và chị gái. (Ảnh minh họa)
Nghe cách chia tiền ăn của anh rể mà tôi câm nín, không biết nói gì. Thấy vậy, chị gái vội tranh trả tiền cho tôi nhưng nhìn mặt anh rể không được vui lắm nên tôi bảo:
“Em lên thành phố khám bệnh nhờ vả anh chị nhiều, thôi bữa chi hôm nay để em trả”.
Trở về nhà, chị gái lén đưa trả lại tôi 1,3 triệu tiền ăn buổi tối nhưng tôi không lấy. Chị nghẹn ngào nói:
“Mang tiếng lấy chồng giàu có nhưng anh ta keo kiệt hà tiện lắm. Anh ta chỉ ăn của người, đố ai ăn của anh ấy cái gì. Nhiều lần chị muốn biếu tiền bố mẹ và cho em tiền lắm nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu, mỗi tháng dư giả chẳng được là bao.
Có 2 đứa con, mỗi người bỏ tiền ra nuôi 1 đứa con. Còn ăn uống hằng ngày thì mỗi người bỏ tiền ra mua thức ăn 1 tuần. Rất hiếm khi gia đình đưa nhau đi ăn quán vì chị thấy ngượng mỗi lần chồng cưa đôi tiền.
Tuy nhiều tiền là thế nhưng anh keo kiệt với chính cả với người sinh thành. Ngày mẹ chồng cấp cứu cần 50 triệu chữa trị, anh ấy ép các anh em trong gia đình phải góp tiền chữa bệnh cho bà. Chị không hiểu nổi sao lại lấy phải người chồng hà tiện đến vậy?”.
Anh rể tính toán với cả tính mạng của mẹ đẻ thì coi vợ con là cái gì. Chị tôi rất muốn chồng sống thoáng 1 chút cho vợ con dễ thở mà không biết phải làm sao nữa?
PHƯƠNG LINH