Những dòng suối trong mát, rì rào trên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là nơi trú ngụ của một loại cá có tên vô cùng lạ: cá chành dục.
Cá chành dục giống như cá lóc nhưng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều, con to nhất chỉ bằng nửa cổ tay người trưởng thành. Cá có đặc điểm là vây lưng, vây đuôi có viền ngoài màu hồng hoặc vàng và có màu xám đen ở mặt lưng, nhạt dần xuống bụng. Khi lớn, vây cá có màu xanh, một số người mang về nhà làm cá cảnh.
Cá chành dục được ví như "lộc trời" ở vùng núi Cấm, An Giang
Loài cá này sống ở các con suối nên nhiều người gọi nó là cá suối. Chúng thường sống và đi kiếm ăn ở các hang, hốc, kẹt đá, nơi có luồng nước chảy. Khi đẻ, trứng nở ra cá ròng ròng được cá mẹ dẫn đi kiếm ăn từng bầy. Đây cũng là thời điểm dễ săn bắt cá bố mẹ nhất.
Ông Xe (ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo) cho biết cá chành dục có mặt ở vùng núi Cấm từ rất lâu. Trước đây, loại cá này không ai bắt, chỉ có một vài hộ câu lên để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi cua núi, ốc núi trở thành những món đặc sản thì cá chành dục bắt đầu nổi tiếng theo.
Những năm gần đây, với sự khai thác ồ ạt để phục vụ du khách, cá chành dục đang dần trở nên khan hiếm. Ông Xe tiết lộ, loài cá suối này di chuyển khá nhanh trong nước nên rất khó bắt được. Cách hữu hiệu nhất để bắt được loại cá này là đi câu.
Chúng có giá đắt đỏ nhưng không phải lúc nào cũng có hàng
"Với các loài cá khác, việc đớp mồi và bị hụt dính một lần đã rất sợ, tuyệt đối không dám đớp mồi lần thứ 2. Nhưng cá chành dục lại khác, vừa bị rơi ngược xuống suối, lại quăng câu thì chúng sẽ tiếp tục đớp mồi. Do đó, người đi câu kiên trì sẽ bắt được cá chành dục", ông Xe tiết lộ.
Trên thị trường, cá chành dục được bán với giá vài trăm nghìn/kg. Lúc khan hiếm, giá có thể lên tới 500.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng mua được. Người dân địa phương cho biết cá chành dục cho thịt thơm, ngon và ngọt đậm giống như thịt cá lóc. Cá được chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng, nhưng hấp dẫn nhất là món kho tiêu, nướng trui chấm mắm me hoặc chiên giòn.
Để bảo tồn giống cá này, ông Xe và một số người dân ở khu vực núi Cấm đã nghĩ cách thuần dưỡng cá chành dục. Nhờ đó, thời gian qua gia đình ông được nhiều nhà hàng và khách du lịch tới trải nghiệm, câu cá suối rồi chế biến, thưởng thức tại chỗ. Nhiều người còn mua về nhà để làm cá cảnh hay đem về để làm quà.
PHÚ NGUYỄN