Cây sung vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam ở cả 3 miền. Đến mùa, lá sung và quả sung rụng đầy góc sân, bờ ao, không mang lại giá trị kinh tế. Vài năm gần đây, không chỉ quả sung mà cả lá sung cũng trở thành đặc sản, được bán ở thành phố với giá không hề rẻ.
Lá sung có hình mũi giáo, đầu nhọn, phía cuống hơi tròn hơn. Khi lá còn non, cả hai mặt đều phủ lông. Khi già, lá trông cứng, phiến lá nguyên hoặc hơi có răng cưa thưa, dài 8-20cm, rộng 4-8cm. Lá sung thường có những nốt phồng, giống như bong bóng ở chiếc bánh đa nướng. Đó chính là điểm đặc biệt để phân biệt lá sung với các loại lá khác.
Lá sung hơi chát nhẹ, vị bùi bùi, dễ ăn và thích hợp khi kết hợp với các món rau khác trong bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, lá sung được sử dụng trong nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như nem thính, nem tai, nem nắm, gỏi cá, nem chua, thịt chua...
Nhiều hộ dân trồng cây sung để vừa thu hoạch lá, vừa thu hoạch quả để bán ra thị trường. Ở các chợ dân sinh hay trên chợ mạng, sàn thương mại điện tử, lá sung được bán với giá tới 35.000 đồng/kg. Theo đó, lá sung được hái xuống, sắp xếp thành từng bó gọn gàng rồi nhập vào nhà hàng hoặc bán cho thương lái gửi đi khắp nơi. Trong khi đó, lá sung khô được bán với giá khoảng 65.000 đồng/kg, dùng để làm trà.
"Mình chuyên làm nem nắm để bán ở chung cư nên ngày nào cũng cần khoảng vài kg lá sung gửi kèm cho khách. Vì cần nguồn hàng thường xuyên nên mình đặt riêng cho một chị tiểu thương bán rau quê ở Ứng Hòa (Hà Tây, Hà Nội). Ngày nào chị ấy cũng thu gom của bà con trong làng, rửa sạch sẽ rồi mang lên cho mình nên rất tiện", chị Hòa (ở chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Ngoài làm tăng hương vị của món ăn, lá sung còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe:
Tốt cho tiêu hóa, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
Nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào, lá sung giúp tăng cường nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và cải thiện hệ tiêu hóa. Chất xơ trong lá sung còn là nguồn thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Lá sung có tính mát, vị chát, có tác dụng cầm máu, tiêu viêm, giảm đau, thường được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, lá sung có khả năng làm giảm đáng kể lượng cholesterol xấu (LDL) và triglyceride trong máu, đồng thời tăng cường lượng cholesterol tốt (HDL). Bên cạnh đó, hàm lượng kali dồi dào trong lá sung giúp điều hòa huyết áp, ngăn ngừa các cơn đột quỵ và đau tim.
Việc kết hợp lá sung vào chế độ ăn uống hàng ngày không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mà còn cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, hãy bổ sung lá sung vào thực đơn của bạn để có một trái tim khỏe mạnh.
Kiểm soát đường huyết
Trà lá sung rất có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường ở loại 2. Nguyên nhân là do lá sung chứa nhiều hợp chất quan trọng có thể cải thiện mức insulin và giảm lượng đường trong máu. Đồng thời, trà lá sung cũng giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Chống ung thư
Lá sung đóng vai trò quan trọng trong việc kháng u và chống lại sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết. Không chỉ vậy, thường xuyên bổ sung trà lá sung còn giúp ngăn ngừa ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư gan.
Chữa sưng viêm và mụn nhọt
Lá sung có tính kháng khuẩn giúp làm sạch mụn nhọt, làm sáng da và giảm sưng viêm bong gân ngoài da.Do đó có thể dùng nước lá sung để rửa mặt, tắm và uống.
Giảm huyết áp
Lá sung được biết là có hàm lượng kali cao, một loại khoáng chất có hiệu quả trong việc giảm và kiểm soát huyết áp cao.
Tăng cường sức khỏe xương
Việc bổ sung lá sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn có một hệ xương chắc khỏe, phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp như loãng xương.