Trong một tập của chương trình "Hoa sơn luận giám" của Truyền hình vệ tinh Thiểm Tây, một người đàn ông hơn 60 tuổi mang đến một con dấu của triều đại Đông Hán. Ông cho rằng con dấu này được lưu truyền hơn 1.800 năm.
Ông lão ước tính con dấu này có giá 1 triệu tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, các chuyên gia thẩm định cho rằng nó chỉ có giá 5 tệ (khoảng 17 nghìn đồng).
Sau khi nghe các chuyên gia nói, người đàn ông tức giận đến mức chỉ vào chuyên gia và hỏi: "Các ông có biết tôi là ai không?".
Người đàn ông mang con dấu tới chương trình thẩm định, ông tin rằng đó là báu vật được truyền lại
Vậy danh tính của người đàn ông này là gì? Vì sao các chuyên gia kết luận bảo vật gia truyền của gia đình ông là giả?
Người đàn ông tên là Hạ Bảo Ngọc, 63 tuổi. "Chú Hạ, hôm nay chú mang món đồ gì đến chương trình?", MC hỏi nhưng ông Hạ không trả lời mà trực tiếp mở gói đồ ra. Bên trong là một miếng ngọc bích. Ông Hạ nói: "Đây là bảo vật tổ tiên của tôi để lại, đó là một con dấu".
Nghe ông Hạ nói, nhiều người bàn tán vì con dấu quả thực có hình dáng khác lạ, độc đáo, có dạng hình khối. Người dẫn dắt chương trình khá tò mò vì chưa từng thấy con dấu như vậy. Con dấu dài khoảng 25-30cm. Trên con dấu còn hai ký tự lớn màu đỏ tươi, nhìn giống triện thư (một kiểu thư pháp Trung Quốc cổ).
Ông Hạ nói, con dấu này của tổ tiên ông để lại, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, có lịch sử hơn 1.800 năm. Sau khi nghe ông Hạ nói, nhiều người sửng sốt. Vì họ không ngờ, con dấu này lại có lịch sử lâu đời như vậy. Trong khán phòng bắt đầu có những tiếng thảo luận, không khí trở nên sôi động hơn.
Người dẫn chương trình tiếp lời: "Chú ơi, chú nói đây là bảo vật được truyền lại trong gia tộc hơn 1.800 năm, vậy tổ tiên của chú là ai?".
Ông Hạ nói tổ tiên dặn phải khiêm tốn nên không tiết lộ danh tính của gia tộc. Tiếp đó, một vị chuyên gia đến trò chuyện với ông Hạ: "Ông nói, đây là báu vật được truyền lại, vậy tại sao ông lại mang đến đây thẩm định? Ông không tin những gì tổ tiên của mình nói sao?".
"Không phải, tôi rất chắc chắn về tính xác thực của món bảo vật này. Chỉ là, tôi muốn mang đến đây cho mọi người cùng chiêm ngưỡng", ông Hạ tiếp lời.
Trước đây, bố của ông Hạ rất quý con dấu này và thường không cho ông động vào. Sau này khi bố mất, ông Hạ tình cờ tìm được con dấu trong một ngăn bí mật dưới gầm giường. Điều này khiến ông càng chắc chắn hơn về giá trị của con dấu được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Sau đó ông Hạ mang con dấu đến chợ đồ cổ, đồng thời liên hệ với một số nhà sưu tập. Họ đều nói rằng con dấu này có giá trị rất lớn, khoảng 1 triệu tệ.
Sau khi nghe chuyên gia định giá, người đàn ông "sốc nặng"
Tuy nhiên ông Hạ không đồng ý bán. Vì sau nhiều lần tra cứu gia phải, ông tin rằng con dấu hẳn là ấn của Tào Tháo, vị anh hùng cuối thời Đông Hán. Sau khi nghe ông Hạ nói, tất cả khán giả đều sửng sốt. Vị chuyên gia của chương trình cầm kính lúp lên và bắt đầu quan sát. Sau vài phút, chuyên gia nói rằng, con dấu của ông Hạ là giả. Lúc này, chính ông Hạ mới là người bất ngờ, sửng sốt.
Chuyên gia giải thích:"Trước hết, chúng tôi có thể khẳng định, hình dáng của con dấu này chính là của thời Đông Hán. Nó quả thực có khắc chữ "Tào Tháo" bằng chữ triện lớn nên có thể gọi là "Đại ấn của Tào Tháo". Tuy nhiên, theo tôi, đây chỉ là sản phẩm thủ công được các thế hệ sau bắt chước và nó chỉ có giá trị nhiều nhất là 5 tệ (17 nghìn đồng).
"Những sản phẩm của thời Đông Hán được lưu truyền thì phải thô. Vì thời Đông Hán đã kết thúc hơn 1.800 năm trước. Nhìn vào con dấu này, tôi thấy nó trong suốt như pha lê, không có cảm giác thô. Vì vậy tôi tin đây chỉ là một sản phẩm thủ công bắt chước của thế hệ sau”, vị chuyên gia nói thêm.
Ông Hạ giải thích: "Chuyên gia sai rồi, tổ tiên của tôi là tướng quân của Tào Tháo - Hạ Hầu Đôn. Vì vậy tôi tin chắc con dấu này có từ thời đó".
Tuy nhiên bằng chứng về tổ tiên của ông Hạ đưa ra cũng chưa đủ thuyết phục các chuyên gia cho rằng con dấu đó là của thời Đông Hán và của Tào Tháo. Vì vậy chuyên gia khuyên ông Hạ nên mang con dấu đến cơ quan chuyên môn. Người ta chỉ cần thực hiện kiểm tra nhiệt phát quang trên con dấu là có thể xác định được nó có phải là đồ từ thời Đông Hán hay không.
Trước lời khẳng định của các chuyên gia, ông Hạ giận dữ cầm con dấu rời đi. Tuy nhiên, khán giả vẫn hoài nghi về nguồn gốc của con dấu vì chưa có câu trả lời chính xác thuyết phục nào. Có lẽ cách làm như chuyên gia khuyên sẽ xác định được rõ ràng nhất, chỉ là ông Hạ có chịu chấp nhận điều đó hay không.
PHÚ NGUYỄN