Bé trai N.M.Đ (quê Vĩnh Phúc) dù mới chào đời được 12 ngày, nhưng vừa phải trải qua ca phẫu thuật chữa lành trái tim đầy cam go và phức tạp. Chị T.H (29 tuổi) cho biết, bé Đ là con thứ 2 của chị, thời gian đầu mang thai mọi thứ diễn ra rất bình thường. Đến tuần thai 26, khi đi khám định kỳ, chị H đau đớn khi bác sĩ thông báo con bị teo tịt tại van động mạch phổi. Nghe thông báo, chị H vô cùng lo lắng, nhưng với tình yêu của một người mẹ dành cho con, chị quyết không từ bỏ.
Chị H đến Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E thăm khám chuyên sâu, tại đây bác sĩ Trần Đắc Đại (trưởng khoa Tim mạch trẻ em) một lần nữa khẳng định, thai có bất thường nặng về tim, đó là dị tật bẩm sinh teo tịt tại van động mạch phổi, kèm van ba lá hở nặng. Với chẩn đoán trên, thai nhi được tiên lượng rất xấu, nếu không được can thiệp sớm ngay sau sinh thì nguy cơ bé mất cao sau vài giờ chào đời.
Với những chẩn đoán trên, chị H một lần nữa rơi vào bế tắc, cố gạt nước mắt, chị quyết tâm giữ con và tự hứa với bản thân mình rằng, sẽ đồng hành cùng con trên chặng đường chữa lành trái tim non nớt.
Suốt thời gian mang thai còn lại, chị H luôn tuân thủ chỉ định và tư vấn của bác sĩ về việc thăm khám định kỳ. Giữa tháng 8/2024, cháu Đ đã chào đời tại khoa Phụ sản (Bệnh viện E), ngay sau đó các bác sĩ ở trung tâm tim mạch đã cấp cứu và đưa ra phương án can thiệp kịp thời cho cháu bé.
Bệnh nhi hiện được 12 ngày tuổi, mọi chỉ số sau phẫu thuật đều ổn định. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Trần Đắc Đại cho biết, khó khăn lớn nhất của ca bệnh này là bệnh nhi mới sinh (nặng 3,3kg), còn rất nhỏ nên sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi can thiệp. Do vậy, các bác sĩ đã cho bé Đ dùng thuốc giúp duy trì hoạt động của ống động mạch, mục đích để hạn chế những nguy cơ như nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa sau sinh…
Sau khi theo dõi ổn định, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chữa lành trái tim cho bé Đ, bác sĩ Đại thông tin: "Rất may ở trường hợp người bệnh này, khi tiến hành can thiệp, dù bệnh nhi nặng 3,3kg nhưng màng van động mạch phổi mỏng, vòng van đủ lớn để các bác sĩ có thể thuận lợi tiến hành can thiệp nong van động mạch phổi cho bé. Sau can thiệp, hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, tự thở, hết tím tái…".
Theo bác sĩ Đại, đối với các bệnh nhi mắc tim bẩm sinh, việc chẩn đoán được bệnh trong giai đoạn thai kì rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự sống của trẻ khi ra đời. Hiện nay, siêu âm tim thai có thể chẩn đoán được loại bệnh tim bẩm sinh này và đánh giá được các yếu tố tiên lượng nhằm định hướng cho sản phụ kế hoạch kiểm soát thai kì một cách chủ động.
“Một tín hiệu đáng mừng đối với một số trường hợp mắc các bệnh tim bẩm sinh như trường hợp bệnh nhi này, đó là hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, các bác sĩ đã có thể can thiêp ngay trong bào thai với các dị tật tương tự”, bác sĩ Đại cho hay.
Bác sĩ Đại khuyến cáo, khi mang thai các thai phụ nên được theo dõi suốt trong thai kì, trong trường hợp không may thai nhi gặp những bất thường, các bác sĩ sẽ tư vấn và giải thích các nguy cơ của mẹ và thai nhi như: tiên lượng bệnh, khả năng giữ thai, kế hoạch theo dõi thai bằng siêu âm nhằm theo dõi tiến triển bệnh; tư vấn sản phụ lựa chọn cơ sở y tế để sinh con có đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất giúp cấp cứu sơ sinh và sau đó chuyển ngay thai nhi đến cơ sở chuyên khoa tim mạch để theo dõi và đưa ra phương án can thiệp kịp thời…
LÊ PHƯƠNG.