Hiện nay không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Trên vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ngày và đêm nay 23/1, không khí lạnh tăng cường mạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7. Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét hại; khu vực Hà Tĩnh trời rét đậm, rét hại; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét, có nơi rét đậm.
Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ.
Miền Bắc rét đậm rét hại đến ngày 25/1 (Ảnh minh họa)
Sáng nay đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của không khí lạnh, nhiệt độ xuống 3,6 độ C, thấp nhất miền Bắc.
Một số vùng núi cao sáng nay cũng rét dưới 10 độ C như Đồng Văn (Hà Giang) 6,7 độ C, Trùng Khánh (Cao Bằng) 7,8 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 8,6 độ, Sa Pa (Lào Cai) 9,2 độ C. Tại Hà Nội, các trạm khí tượng Hà Đông, Hoài Đức, Láng, Sơn Tây, Ba Vì đều hơn 13 độ C.
Dự báo đợt rét hại diện rộng ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/1. Khu vực Hà Tĩnh rét đậm, rét hại có khả năng kéo dài đến hết ngày 24/1. Đây có thể là đợt rét kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Từ ngày 23-24/01, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trung tâm khí tượng và Thủy văn Trung ương cảnh báo rét đậm, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ ngày 23/01 gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2,0-4,5m; biển động mạnh; từ đêm 23/01 gió giảm dần. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9; sóng biển cao 3,0-6,0m; biển động mạnh.
Ngày và đêm 23/01, vùng biển từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-5,0m, biển động mạnh; vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-5,0m, biển động mạnh.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Về tình hình thời tiết dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay), từ nay đến cuối tháng 1/2024, miền Bắc đang trong thời kỳ chính đông nên tần suất không khí lạnh dồn xuống dày hơn.
Cuối tháng 1 đến nửa đầu tháng 2/2024 (thời điểm Tết Nguyên đán 2024) có thể xuất hiện tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, hiện dự báo xa thường có sai lệch cao. Người dân cần theo dõi các bản tin mới nhất trên trang của Trung tâm Khí tượng Thủy văn để nắm bắt tình hình thời tiết.
Chia sẻ trên VTV, GS.TS. Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thủy Văn và Hải Dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết trong giai đoạn Tết thời tiết ở miền Bắc không quá rét, nhưng cũng không ấm nắng như một số năm gần đây. Nhiệt độ dao động quanh mức 20 -22 độ, đêm và sáng có thể có mưa nhỏ, mưa phùn, còn ban ngày ít khả năng xảy ra mưa. Sau đợt rét cực mạnh đang diễn ra, không khí lạnh suy yếu dần nhưng miền Bắc vẫn rét cho đến khoảng gần Tết.
H.A