Món ăn chống ngán ngày Tết, đưa lên bao nhiêu hết bấy nhiêu nhưng lại dễ thành hiểm họa cho sức khỏe

Google News

Không chỉ giò chả, bánh chưng hay thịt đông…, trong dịp Tết Nguyên đán còn có một món ăn kèm được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, món này dễ gây hại với những người có bệnh tim mạch và huyết áp.

Trên mâm cơm truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của người miền Nam, ngoài những món chính thì đồ ăn kèm cũng mang nhiều giá trị dinh dưỡng, bổ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Điển hình như món củ kiệu tôm nõn, hành tỏi muối chua ngọt...

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3) cho biết, củ kiệu tôm nõn là món ăn rất đặc trưng trong ngày Tết Nguyên đán của người Nam bộ. Kiệu có vị cay đắng, tính ấm; có tác dụng làm ấm bụng, tán khí kết, khỏi đầy hơi, bổ thận khí, mạnh dương; lợi tiểu.

Mâm cơm truyền thống của người miền Nam luôn có món củ kiệu tôm nõn được nhiều người ưa thích. 

Bác sĩ Ngân cho rằng, trong y học cổ truyền, kiệu là một cây thuốc phòng và chữa các bệnh liên quan đến tính hàn thấp như đau nhức xương khớp vào mùa lạnh, viêm mũi xoang do thời tiết. “Một số người cho rằng ăn nhiều kiệu muối gây đau nhức khớp, thật ra tác dụng phụ này chủ yếu đến từ các chất phụ gia dùng để tẩy trắng kiệu khi ngâm. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm để muối chua, nên chọn củ tươi nguyên, tránh dập nát, không sử dụng các chất phụ gia tẩy trắng không an toàn để làm sáng thực phẩm”, bác sĩ Ngân chia sẻ.

Theo bác sĩ Ngân, các thực phẩm muối chua nên được để trong lọ thủy tinh và bảo quản ở nhiệt độ mát, cũng nên làm với lượng vừa phải, tránh lưu trong thời gian dài. Đối với người cao tuổi và người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, việc ăn các món kiệu muối, dưa muối không rõ nguồn gốc dễ khiến đường huyết, huyết áp biến động. Chỉ nên ăn các món lên men được chế biến cẩn thận, độ chua ngọt vừa phải, không sử dụng các chất phụ gia tẩy trắng, và theo dõi huyết áp, đường huyết định kỳ.

Dù là món ăn rất "chạy" nhưng cần lưu ý vì ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh  minh họa)

Việc kết hợp với tôm nõn sẽ làm cho món ăn thú vị hơn, giúp giảm ngán-ngấy khi ăn nhiều đồ ăn béo trong dịp Tết. Tuy nhiên, tôm nõn là thực phẩm giàu đạm, vì thế mọi người chỉ nên cho ít khi trộn cùng kiệu để tránh bị dư chất, bởi Tết còn ăn nhiều món ăn giàu đạm khác.

Ngoài ra, bác sĩ Ngân cũng khuyến cáo, do củ kiệu muối thường có độ mặn cao, nên tránh dùng cho người có bệnh lý cần hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn như các bệnh lý thận, xơ gan cổ chướng, tim mạch. “Thời xưa, quá trình bảo quản thức ăn chủ yếu dựa vào việc muối mặn, lên men, còn ngày nay, chúng ta có ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, vì vậy lượng muối trong chế biến cần giảm bớt. Đối với người không có chỉ định hạn chế muối trong khẩu phần ăn, cũng chỉ nên dùng vừa phải món củ kiệu mặn và các đồ ăn đậm vị khác, để tránh nguy cơ rối loạn chuyển hóa”, bác sĩ Ngân khuyến cáo.

Theo chuyên gia, trong dịp Tết cổ truyền, các gia đình nên duy trì những món ăn truyền thống để giữ trọn hương vị ngày Tết. Tuy nhiên, khi lựa chọn thực phẩm, chế biến và sử dụng cần phải đảm bảo an toàn để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. 

LÊ PHƯƠNG.