Giữa thời đại kỷ nguyên số, Khoa học máy tính trở thành một trong những ngành học được giới trẻ quan tâm khi mở ra cánh cửa nghề nghiệp tương lai đầy triển vọng. Theo đó, trong 10 năm qua, nhu cầu nhân lực về ngành Khoa học máy tính, công nghệ thông tin được cho tăng gấp 4 lần và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Khoa học máy tính là một trong những ngành thuộc khối Khoa học - Kỹ thuật. Hiểu đơn giản, đây là ngành học đào tạo về các phần mềm, lập trình phát triển ứng dụng chạy trên máy chủ (server), máy tính (PC, laptop hay các thiết bị kết nối thông minh), sử dụng các kiến thức và kỹ năng về công nghệ, phần mềm và hệ thống thông tin nói chung.
Ngành học này "gây sốt" trong mùa tuyển sinh năm 2023 khi hai thủ khoa khối A Kỳ thi tốt nghiệp THPT với 29,35 điểm trượt nguyện vọng 1 vào khoa Khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo đó, đây là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của trường này, với 29,42 điểm. Đặng Quốc Vinh (Cựu học sinh lớp 12A, trường THPT Ninh Giang - Hải Dương) chính là thủ khoa đầu vào của trường với 29,47 điểm.
Theo đuổi ngành học này, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng của khoa học máy tính, kỹ năng chuyên sâu về phân tích, thiết kế, triển khai, vận hành, phát triển và nâng cấp hệ thống thông tin. Ngoài ra, các em còn được đào tạo nền tảng nghiệp vụ về tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, … nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc phát triển các hệ thống thông tin.
Trong danh sách 12 ngành đào tạo trình độ đại học có nhu cầu nhân lực cao do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2022, ngành Máy tính - Công nghệ cũng có tên. Lý giải điều này, PGS. TS Vũ Duy Lợi – Trưởng khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Đại Nam cho hay, chính các tiền đề từ làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2030, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực Khoa học máy tính cao từ thị trường quốc tế… đã thúc đẩy ngành Khoa học máy tính phát triển mạnh mẽ và dẫn đầu về nhu cầu nguồn nhân lực trong 10 năm tới.
TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM nhận định, các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu... sẽ tiếp tục "hot" trong những năm tới, bất chấp tại nhiều quốc gia trên thế giới xuất hiện tình trạng giảm nhu cầu tuyển dụng.
Dự báo của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhu cầu về nhân lực khoa học máy tính và thông tin tại Việt Nam sẽ lên đến 700.000 người. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhân lực chỉ mới đáp ứng khoảng 10%, tương đương 50.000 đến 60.000 người.
Ngoài ra, Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của TopDev cũng dự báo từ năm 2022 – 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 – 195.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
Theo đuổi ngành Khoa học máy tính, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí như: Cán bộ kỹ thuật; Quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Lập trình viên, kiểm thử các sản phẩm phần mềm, quản lý quy trình xây dựng và phát triển phần mềm; Chuyên viên IT, quản trị và giám sát an ninh mạng; Thiết kế, vận hành và bảo trì mạng máy tính nội bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp; Quản trị dự án hệ thống mạng thông tin,…
Hơn nữa, 98% kỹ sư khoa học máy tính có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng. Những người chuyên môn và kinh nghiệm vững vàng hoàn toàn có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng. Tuy nhiên để đạt được mức lương kỳ vọng như vậy, sinh viên theo đuổi ngành Khoa học máy tính cần chú ý tới năng lực, nhanh nhạy và học tập liên tục.
Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ngành Khoa học máy tính. Tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 lấy ngưỡng điểm trúng tuyển là 35,35 điểm.
Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển ngành Khoa học máy tính dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm trúng tuyển là 27,25 điểm.
Ngoài ra, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và trường Đại học Giao thông vận tải cũng đưa ra mức điểm chuẩn lần lượt là 26,55 điểm và 25,24 điểm.
Tại cơ sở phía Nam, ngành Khoa học máy tính của Đại học ĐH Bách khoa TP HCM lấy điểm chuẩn là 79,84 điểm. Đây là mức điểm kết hợp nhiều nội dung thi, gồm: Kết quả thi đánh giá năng lực (75%), điểm thi tốt nghiệp (20%), điểm học bạ (5%) và các giải thưởng học thuật, thành tích hoạt động xã hội, văn thể mỹ.
Đại học Tôn Đức Thắng chia ngành Khoa học máy tính thành 4 chương trình đào tạo, gồm: Hệ đại trà, Hệ chất lượng cao, Hệ chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và Hệ chương trình liên kết Đại học Kỹ thuật Ostrava (CH Séc). Năm 2023, điểm chuẩn ở ngưỡng 26 - 33,5 điểm.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM có điểm trúng tuyển là 26,9 điểm.
H.A