Ngành học lạ chỉ có 2 trường ở Việt Nam đào tạo, cơ hội việc làm hấp dẫn nhưng luôn "khát" nhân lực

Google News

Đây là ngành đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 2 trường đại học đào tạo chuyên ngành này.

Ngành học đặc biệt, vô số cơ hội việc làm nhưng luôn khan hiếm nhân lực

Kỹ thuật không gian là ngành đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh, bao gồm xử lý và phân tích tín hiệu, hình ảnh, công nghệ viễn thám và định vị vệ tinh. Công nghệ vệ tinh thường được áp dụng đa dạng trong đời sống xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo và an ninh quốc phòng.

Theo khảo sát sơ bộ, nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ không gian và các ứng dụng liên quan đến thông tin liên lạc, viễn thám hay sử dụng, khai thác hình ảnh vệ tinh như dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên thiên nhiên... cần ít nhất 2.000 lao động trình độ cao.

PGS.TS Hồ Thanh Phong (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM) cho hay, nhu cầu cần nhân lực khai thác, quản lý và kinh doanh dữ liệu vệ tinh sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do đó với con số dự kiến sẽ đào tạo được (khoảng 200 chuyên gia) trên tổng số nhu cầu là 2.000 chuyên gia trong lĩnh vực này cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu nhân lực trầm trọng để vận hành, khai thác các vệ tinh đang có và sẽ phóng trong tương lai một cách hiệu quả.

Phó trưởng Bộ môn Vật lý trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), thầy Phan Hiền Vũ cũng chia sẻ thêm, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Kỹ thuật không gian tại trường hàng năm khoảng 30 sinh viên. Là một trong những ngành học mới, đặc thù ở Việt Nam, nhiều phụ huynh và học sinh chưa nắm rõ thông tin và cơ hội việc làm, do đó chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ đạt mức trung bình, khoảng 50%.

Thầy Vũ chia sẻ, với những ý kiến cho rằng ngành Kỹ thuật không gian ở Việt Nam hiện chưa có nhiều cơ hội việc làm cũng như vấn đề liên quan đến thu nhập là chưa phù hợp.

Theo đó, ở Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực ứng dụng Kỹ thuật không gian, đặc biệt các ứng dụng của công nghệ vệ tinh trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Các nguồn dữ liệu lớn từ vệ tinh là nguồn tài nguyên số quan trọng phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và doanh nghiệp.

Việc phân tích các ảnh vệ tinh còn hỗ trợ giám sát, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu. Vị trí việc làm này cũng quan trọng và phổ biến của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin có các vị trí phát triển ứng dụng định vị trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, sử dụng quản lý dữ liệu vệ tinh để giám sát tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Làm việc trong các tổ chức kinh doanh dữ liệu vệ tinh và các ứng dụng liên quan hay các lĩnh vực liên quan đến viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử hoặc điện - điện tử hoặc trở thành giảng viên, chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật không gian…

Theo thống kê kết quả khảo sát, tỉ lệ sinh viên ngành Kỹ thuật không gian tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt 94%, đạt mức lương trong khoảng 12 – 23 triệu đồng/tháng ở các công ty phần mềm, công nghệ. Mức lương này được cho khá cao, tạo sự an tâm cho các bạn trẻ làm việc, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Ngành kỹ thuật không gian sẽ học những gì?

Ngành Kỹ thuật không gian yêu cầu cần có kiến thức chuyên sâu về cơ học, điện tử, điều khiển, vật liệu và các kỹ thuật liên quan đến không gian. Sinh viên cần phải nắm vững kiến thức về thiết kế, phát triển các hệ thống không gian, từ các thiết bị nhỏ nhất đến các hệ thống phức tạp như tàu vũ trụ. Bên cạnh đó, các kỹ năng phân tích dữ liệu, xử lý thông tin và làm việc với các công cụ và phần mềm thiết kế cũng không thể thiếu.

Theo học ngành Kỹ thuật không gian, sinh viên sẽ được chú trọng đào tạo theo 2 hướng chính, gồm:

Phát triển công nghệ không gian bao gồm: Thiết kế, phóng và điều khiển các loại vệ tinh, hệ thống dẫn đường.

Đẩy mạnh ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý và an ninh quốc phòng. 

Để theo đuổi ngành học này, sinh viên cần có nền tảng kiến thức vững chắc về toán học và khoa học, khả năng tư duy sáng tạo để đưa ra các giải pháp mới trong thiết kế, sản xuất và vận hành các thiết bị, hệ thống trong không gian. Bên cạnh đó, kỹ năng thực hành, tinh thần trách nhiệm cũng không thể thiếu để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong mọi hoạt động.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 2 trường đại học đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật không gian, bao gồm: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Quốc tế  - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật không gian theo hình thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 lần lượt tại 2 trường này là: 20,3 điểm và 21,0 điểm. Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có ngành Kỹ thuật Hàng không. Ngành này có bao gồm chuyên ngành kỹ thuật không gian nhằm thiết kế, phát triển, vận hành các phương tiện bay và hệ thống không gian. Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ngành này có điểm chuẩn 25,5 điểm.

H.A