Ngành học từng bị "thất sủng", giờ rất tiềm năng: Chính sách hấp dẫn, lương lên tới 20 triệu đồng/tháng

Google News

Đây là ngành được chính phủ khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách hấp dẫn. Sinh viên ra trường đi làm có thể nhận lương lên tới 20 triệu đồng/tháng.

Ngành Bảo vệ thực vật có gì hot?

Bảo vệ thực vật là ngành học chuyên nghiên cứu về đất, môi trường sống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, đặc biệt đi sâu vào các kiến thức về sâu, bệnh hại cây trồng và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng… qua đó tổ chức xây dựng, điều hành mạng lưới bảo vệ thực vật các cấp, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho đến việc thực hiện các thao tác bảo vệ cây trồng trên đồng ruộng. Từ đó, cải thiện thu nhập của nông dân, sản xuất những giống cây trồng bền vững và đảm bảo cân bằng sinh học.

Trước hiện trạng nền nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hay sử dụng chúng thiếu kiểm soát dẫn tới các tổn hại tới môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái nông nghiệp thì ngành Bảo vệ thực vật càng mang trọng trách to lớn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Ngành này ít người theo học bởi nhiều bạn trẻ cũng còn cảm thấy e ngại việc học ngành nông nghiệp vì sợ cực, sợ lương thấp, khó xin việc… Tuy nhiên, những năm gần đây ngành học này "khát" đầu ra.

Chia sẻ từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên theo học ngành Bảo vệ thực vật sẽ được trang bị kiến thức tổng quát về cây trồng, hệ thống nông nghiệp, kỹ thuật canh tác và đặc biệt là kiến thức chuyên sâu về dịch hại trên cây trồng (côn trùng, nhện hại, bệnh hại), các biện pháp phòng, quản lý dịch hại trên cây trồng.

Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị kỹ năng điều tra, chẩn đoán, thu thập, phân tích và xử lý thông tin liên quan đến bảo vệ thực vật; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị cơ bản, hiện đại phục vụ hiệu quả nghiên cứu khoa học, quản lý, sản xuất và kinh doanh trong ngành bảo vệ thực vật; kỹ năng thiết kế và thực hiện các nghiên cứu khoa học, ứng dụng đạt được mục tiêu thuộc lĩnh vực bảo thực vật. Trong quá trình học, sinh viên có thể được lựa chọn để tham gia các khóa thực tập sinh nâng cao tay nghề tại các nước như Nhật Bản, Israel, UAE…

“Học ngành Bảo vệ thực vật ở đâu?” là câu hỏi của nhiều bạn học sinh đang muốn theo đuổi ngành học này. Hiện nay, ở nước ta có các trường đại học đào tạo ngành Bảo vệ thực vật sau:

Khu vực miền Bắc có Trường Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang

Khu vực miền Nam có Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ.

Ngành Bảo vệ thực vật là ngành có đa dạng về tổ hợp khối thi của các trường đại học. Do đó, có nhiều lựa chọn để các bạn có thể lựa chọn môn học là thế mạnh của mình. Tuy nhiên học tốt các môn tự nhiên sẽ là lợi thế cho bạn như môn Toán, Hoá, Sinh. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên học tốt Tiếng Anh bởi nó sẽ giúp bạn có nhiều kiến thức bổ ích từ các tài liệu nước ngoài.

Điểm chuẩn ngành Bảo vệ thực vật khá phù hợp cho lựa chọn của thí sinh. Năm 2023, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 15-22 điểm.

Cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở

Theo Trường Đại học Lâm nghiệp, học sinh muốn theo học ngành Bảo vệ thực vật cần có hững tố chất như sau: Yêu thiên nhiên, môi trường; Nhạy cảm và hòa hợp với thiên nhiên; Thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng; Có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động thực vật; Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn, lặn biển); Thu thập hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên; Thích xem các chương trình, thông tin về thế giới tự nhiên; Giỏi các môn tự nhiên như sinh học, hóa học, địa lý.

Khi đã xác định theo học ngành Bảo vệ thực vật, các bạn ra trường sẽ có cơ hội viện làm rộng mở. Dựa theo số liệu thống kê của tạp chí Bảo vệ thực vật thì ngành này đang rơi vào trạng thái “cháy hàng đầu ra”, tức là nguồn nhân lực ngành Bảo vệ thực vật đang có dấu hiệu bị thiếu. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp Bảo vệ thực vật có cơ hội việc làm rộng mở và đảm nhận công việc ở nhiều vị trí khác nhau như: Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… Giảng viên, nghiên cứu viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các viện, trung tâm nghiên cứu về bảo vệ thực vật. Ngoài ra, sinh viên ra trường có thể làm việc trong các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Các vị trí của ngành Bảo vệ thực vật có mức lương tạm ổn, trung bình từ 7 đến 20 triệu đồng/tháng. Một vài vị trí khác như Kỹ sư thực nghiệm cây trồng từ 9 triệu - 10 triệu đồng/tháng; Kỹ sư nông nghiệp 7 triệu đến 15 triệu đồng/tháng; Nhân viên canh tác từ 9 triệu đến 12 triệu/tháng. Sau thời gian ngắn làm việc cùng quá trình cống hiến tốt, mức lương sẽ khả quan hơn. Đặc biệt hơn, nếu học tập và làm việc tại môi trường quốc tế thì mức lương nhận được sẽ còn cao hơn nữa, có thể đạt mức tính ngàn USD cùng cơ hội thăng tiến cao.

Ngành Bảo vệ thực vật hiện nay đang được chính phủ khuyến khích đầu tư với nhiều chính sách hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật có thể tự xây dựng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hoặc thành lập công ty tổ chức tư vấn hỗ trợ công tác Bảo vệ thực vật.

H.A