Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi giống gà là loài linh thiêng để cúng tổ tiên dịp Tết, giá đắt vẫn không có hàng để bán

Google News

Gà trống thiến nặng đến 4kg, giá hơn 700.000 đồng/con vẫn “cháy hàng” vào dịp Tết, không đủ cung ứng ra thị trường.

Theo quan niệm dân gian, gà trống thiến là loài vật linh thiêng được chọn để dâng cúng tổ tiên, thể hiện ước vọng của người Việt một năm mới an khang, thịnh vượng. Chính vì vậy mà cứ đến gần Tết, mặt hàng gà trống thiến lại “cháy hàng”, nông dân bán ra thị trường những con gà trống nặng 3-4kg, giá hơn 700.000 đồng, đắt gấp đôi gà trống thường vẫn không có hàng để bán.

Ông Trần Văn Chanh ở ấp Phú Tài, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nuôi gà trống thiến thả rông dưới vườn cây ăn trái đã hơn 7 năm nay, mỗi năm cho thu nhập tăng thêm khoảng 100 triệu đồng từ chăn nuôi loại động vật này. Ban đầu, mảnh vườn 2ha nhà ông Chanh chỉ trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, bưởi. Do kinh phí đầu tư phân bón và công chăm sóc cũng nhiều nên lợi nhuận cũng chẳng là bao. Sau vài chuyến tham quan học tập kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả trong tỉnh, đặc biệt là mô hình nuôi gà truyền thống kết hợp với gà trống thiến thả rông dưới vườn cây ăn trái, đầu năm 2018, ông Chanh mạnh dạn đầu tư tiền mua lưới chắn và gà giống về thả nuôi.

Ông Chanh bên một thành phẩm gà trống thiến sắp xuất chuồng.

Từ đó đến nay, trang trại gà trống thiến nhà ông Chanh luôn đáp ứng nguồn cung đều đặn cho thị trường trong và ngoài tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cứ mỗi dịp Tết đến, nhà ông Chanh lại tấp nập thương lái, người buôn sỉ, khách lẻ, khách vãng lai... ghé thăm mua gà trống thiến cho dịp Tết. Với trọng lượng trung bình 3,5kg/con, giá bán tại các nhà hàng khoảng 220.000 đồng/kg, như vậy mỗi con gà trống thiến thương phẩm có giá tương đương 700.000 đồng. So với gà trống thông thường, loại gà trống thiến có giá đắt gấp đôi.

Theo ông Chanh, so với gà truyền thống, gà trống thiến có thời gian nuôi dài nhưng gà có sức đề kháng cao nên độ rủi ro về dịch bệnh cũng ít. Gà thả rông, ngoài thức ăn xanh, côn trùng chúng tự kiếm dưới vườn cây, cần bổ sung thêm bắp hạt xay ủ với men vi sinh cho đàn gà ăn vào buổi sáng. Vừa nuôi gà vừa kết hợp trồng cây ăn trái, mỗi năm gia đình ông Chanh thu nhập trên dưới 300.000.000 đồng, ổn định nguồn thu giúp gia đình ông có kinh tế khá vững vàng.

Cũng giống như ông Chanh, anh Lý Văn Tắc (Đắk Lắk) nhiều năm nay đã tận dụng mảnh vườn nhỏ của gia đình vốn canh tác các cây công nghiệp lâu năm để nuôi gà trống thiến. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Tắc thường nuôi gối đầu từ 200 - 300 con giống gà ri. Mỗi lứa nuôi, anh chỉ chọn được vài chục con gà trống để thiến. Anh thường chọn những con gà trống tơ khoảng 3 tháng tuổi to khỏe, đẹp mã để thiến. Gà được nuôi cho đến khi đạt trọng lượng từ 3 - 5 kg/con là có thể thịt hoặc xuất bán.

Anh Tắc giới thiệu gà cho khách.

Theo anh Tắc, gà trống thiến là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ của đồng bào Tày – Nùng, để dành thiết đãi khách quý hoặc các tiệc ăn mừng, hiếu hỉ; đặc biệt vào các dịp lễ, Tết như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán… Tuy nhiên kỹ thuật thiến gà trống còn chưa được nhiều người biết đến, do đó nguồn cung vẫn chưa đủ trên thị trường.

"Thịt gà trống thiến ngọt, mềm nhưng săn chắc, da dày và giòn; sau khi luộc, màu gà ngả vàng óng rất đẹp mắt. Nhờ vậy, gà trống thiến rất được người dân ưa chuộng để ăn vào những ngày Tết hoặc đem biếu, tặng", anh Tắc chia sẻ thêm.

Do không kén chọn khí hậu, nên dù ở bất kỳ khu vực nào gà trống thiến cũng có thể phát triển được. Điển hình như ở Đồng Nai có ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) khá “mát tay” với đàn gà 4.000 con của mình… Trung bình mỗi năm ông Bùi Văn Thân thu về khoảng 500 triệu đồng từ việc nuôi gà ta thả vườn, trong đó không thể không kể đến đàn gà trống thiến.

Theo ông Thân, trong quá trình thiến gà, nếu thiến không chuẩn có thể khiến gà phát triển chậm, nhẹ ký, thậm chí bị viêm loét vết thiến dẫn tới chết gà. Sau khi thiến xong, gà được chăm sóc bằng chế độ riêng, sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, đường ruột, hô hấp… Sau khi lành vết thương, gà trống thiến ăn khoẻ, tính tình khá hung hăng, phải có chế độ nuôi nhốt cách ly và cho ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng để đảm bảo trọng lượng. So với gà trống thông thường, gà trống thiến cũng cần từ 7 - 8 tháng mới có thể xuất chuồng, giá thành cũng vì vậy mà cao hơn.

H.A