Nghề lạ ở Việt Nam: Tình cờ mang loài giống ba ba về nuôi, cho ăn thứ rẻ tiền, bán làm đặc sản lãi 1 tỷ đồng/năm

Google News

Nhờ việc chăn nuôi cua đinh bán làm kiểng và lấy thịt, nhiều hộ nông dân đã phất lên nhanh chóng bởi loài này có giá thành phẩm cao, đầu ra ổn định.

Cua đinh, hay còn được biết đến với tên gọi khác là ba ba Nam Bộ, là loài động vật thuộc lớp bò sát, họ ba ba. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi ngoại hình của chúng tương đối giống với ba ba, thường xuất hiện nhiều ở vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong những năm trở lại đây, nhờ việc chăn nuôi cua đinh bán làm kiểng và lấy thịt, nhiều hộ nông dân đã phất lên nhanh chóng bởi loài này có giá thành phẩm cao, đầu ra ổn định.

Cua đinh gần giống với ba ba, thường được dùng để chế biến món ăn hoặc làm kiểng.

Về ngoại hình, cua đinh và ba ba đều có nhiều nét tương đồng với nhau. Tuy nhiên, điểm khác biệt là đầu của cua đinh có đốm bông còn ba ba gai sẽ nhẵn trơn. Ngoài ra phần cổ của cua đinh cũng sẽ có nhiều gai hơn so với ba ba gai. Đặc biệt ở 2 bên vai những con cua đinh sẽ có nốt lồi ra trông như 2 cây đinh, còn ở các giống ba ba sẽ không có.

Nhờ vào kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, mô hình nuôi cua đinh đặc sản của anh Quan (ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ) thu về xấp xỉ hơn 1 tỷ mỗi năm. 13 năm trước, trang trại của anh Quan nuôi chủ yếu là ba ba. Nhưng thị trường không ổn định, giá ba ba lên xuống bấp bênh, chưa kể loài này còn dễ bệnh vặt nên anh quyết định chuyển đổi mô hình chăn nuôi.

Tình cờ tìm hiểu về cua đinh, anh Quan sớm nhận ra tiềm năng kinh tế mà giống này đem lại. Vậy là vay mượn đủ nơi, vợ chồng anh mua 100 con cua đinh giống về nuôi với giá 500.000 đồng/con.

Trang trại cua đinh gần 1.000m2 thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Thức ăn chủ yếu của cua đinh là cá, ốc do vợ chồng anh tự bắt, vì vậy mà giảm được phần chi phí. Theo anh, so với nuôi ba ba trước kia, cua đinh dễ nuôi hơn lại ít tốn kém hơn. Từ 100 con cua đinh giống, giờ đây, mô hình nuôi cua đinh giống và cua đinh thịt của gia đình anh Quan trở thành cơ sở có tiếng ở TP Cần Thơ.

Cua đinh thịt được nuôi trong ao, bể với quy cách 5 con/m2, cua đinh sinh sản được nuôi trong bể riêng biệt. Mỗi năm, cua đinh mẹ đẻ từ 3-4 ổ trứng và mỗi ổ từ 8-15 trứng. Sau khi thu trứng, anh Quan đem cho ấp từ 100-105 ngày sẽ nở. Cua đinh con sau đó được nuôi hơn 60 ngày tuổi và xuất bán làm con giống.

Cua đinh giống có giá thành đắt không kém gì cua đinh thương phẩm.

Sau khi thả nuôi từ 12-15 tháng, cua đinh giống có thể đạt từ 1kg trở lên. Sau giai đoạn này, cua đinh lớn khá nhanh và mau chóng đạt trọng lượng thương phẩm để thu hoạch. Hiện nay, cua đinh đang có thị trường tiêu thụ ổn định, con giống cua đinh khan hiếm. 

Mỗi năm, anh Quan bán ra thị trường 2.000 con cua đinh giống với giá cua đinh giống khoảng 350.000 đồng/con. Với cua đinh thịt thương phẩm, giá bán hiện nay trên thị trường dao động khoảng 400.000-450.000 đồng/kg. Mỗi năm, tổng doanh thu của anh Minh Quan xấp xỉ 1 tỷ đồng từ nuôi cua đinh.

Cũng bén duyên với nghề nuôi cua đinh, anh Hồ (31 tuổi, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đầu tư hàng tỷ đồng nuôi 1.000 con theo hướng sản xuất sạch, bền vững đối với loài vật này.

Trang trại nuôi cua đinh của anh Hồ theo hướng sạch và bền vững.

Đến với trang trại rộng hơn 3.000m2 với khoảng 8.000-10.000 con cua đinh, nhiều người không khỏi bất ngờ với cách nuôi trong bể kính độc lạ của anh Hồ. "Quá trình nuôi cua đinh theo cách truyền thống tuy hiệu quả nhưng mô hình tốn nhiều chi phí, vật nuôi dễ nhiễm bệnh. Một lần nhìn thấy con cua đinh kiểng trong bể kính, tôi đã nảy ra ý tưởng thay đổi cách nuôi loài thủy sản này”, anh Hồ chia sẻ.

Ban đầu, anh chỉ nuôi vài con để quan sát, kế đó nuôi thử nghiệm 50 cua đinh trong bể kính để rút kinh nghiệm. Sau một năm, thấy cua đinh phát triển tốt, anh quyết định đầu tư nuôi quy mô lớn.

Hơn 1.000 bể kính được anh đầu tư với giá 2 tỷ đồng.

Mỗi bể ngang 40 cm, dài và cao 50 cm, anh thả nuôi một con cua đinh với mực nước khoảng 10 cm. Loài này được cho ăn cám công nghiệp, khi đạt trọng lượng 7-8 kg mỗi con được xuất bán. Đặc biệt, mỗi bể nuôi, anh lắp đặt một hệ thống thay nước, vệ sinh bể và hộp đựng thức ăn. Chi phí đầu tư 1.000 bể kính lên đến 2 tỷ đồng. 

So với việc nuôi ba ba, cua đinh tăng trọng nhanh, giá bán cao nên khi nuôi thành công sẽ có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với ba ba, nhất là khi người nuôi tự sản xuất được con giống.

Cua đinh giống được anh Hồ nhập về từ Thái Lan, với tỷ lệ thành công cho các vụ nuôi đạt khoảng 85%. Cua đinh đang có đầu ra ổn định khi bán cho các thương lái khắp cả nước, các nhà hàng, quán ăn. Ngoài tự sản xuất, anh Hồ còn đi thu mua của bà con xung quanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cua đinh được dùng để chế biến các món ăn, với giá trị dinh dưỡng cao.

Sau khi trừ hết chi phí, năm vừa rồi anh Hồ thu lãi khoảng hai tỷ đồng. Hiện anh đã hoàn thành các hồ sơ để xuất bán cua đinh thương phẩm và giống sang nước ngoài. Anh cho biết thêm: "Thịt cua đinh thơm và ngọt, giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu rất lớn".

H.A