Nghề lạ ở Việt Nam: Trồng thứ cây từng mọc bờ bụi có hoa bán 200.000 đồng/kg, chăm nhàn tênh vẫn lãi to

Google News

Sở hữu giá thành cao gấp 2-3 lần các loại nông sản thông thường, hoa hoè hiện nay đang là loại cây dược liệu đem lại nguồn thu nhập cho nhiều nông dân Việt Nam.

Từ loại cây dại mọc bờ bụi, hoa hoè giờ đây lại trở thành giống cây làm giàu cho nông dân Việt Nam. Đây là một loại cây dược liệu được trồng để lấy nụ hoa, sấy khô để chế biến thành trà, có nhiều tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền. Theo tìm hiểu, trong nụ hoa hoecó chứa khoảng 6-30% hàm lượng rutin, có tác dụng giúp ổn định huyết áp và hỗ trợ lưu thông tuần hoàn. Trên thị trường, nụ hoa hòe khô được bán với giá từ 180.000- 200.000 đồng/kg.

Chặt bỏ hơn 3 hecta hồ tiêu để trồng hoa hoè, ông Tình (ở Gia Lai) giờ đây đã có thể kiếm được nguồn thu nhập hàng trăm triệu nhờ vào giống cây này. Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai của vùng Tây Nguyên, hoa hoè tại vườn ông Tình phát triển rất tốt, ít công chăm bón. Đặc biệt, cây bung hoa và cho thu hái quanh năm. 

“Từ tháng 3 đến tháng 12 là thời điểm hoa nở rộ nhất. Cây sinh trưởng và phát triển ổn định, cho thu hoạch khoảng 10 năm mới phải trồng lại”, ông Tình cho biết. Giống cây này ít sâu bệnh, nhanh thu hoạch, lại cho thu nhập cao. Để chăm vườn cây bền vững, ông Tình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; lắp đặt hệ thống tự động tưới nước 2 lần/ngày cho cây vào mùa nóng. 

"1 héc ta hoa hòe cho sản lượng khoảng 10 tấn nụ tươi. Giá nụ hoa tại vườn hiện nay khoảng 80.000-100.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình thu về khoảng 250 triệu đồng/ha. Với 3ha cây hoa hòe trưởng thành, gia đình thu về hơn 700 triệu đồng. Tôi thấy cây hoa hòe đem lại lợi ích kinh tế gấp 4-5 lần so với cà phê”, ông cho hay.

Vào thời điểm giá hồ tiêu giảm, anh Tình chặt bỏ hơn 3 héc ta để trồng hoa hoè.

Cũng làm giàu từ loại cây dược liệu này, ông Hiển (ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết với giá thu mua hoa hòe như hiện tại thì ít có cây trồng nào mang lại thu nhập cao như cây hòe.

Ông Hiển tiết lộ, so với cấy lúa, trồng ngô, cây màu thì cây hoa hòe cho hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần, với 5 sào hòe này gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư sản xuất của cây hòe rất thấp, chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng/sào/năm. Chỉ với diện tích 5 sào, trồng trên khoảng hơn 300 gốc nhưng năm nào ông Hiển cũng thu về khoảng 1 tấn nụ hòe khô, năng suất đạt 200kg/sào. Mang về thu nhập trên 35 triệu đồng/sào/vụ, một mức thu nhập vô vùng cao ở xã thuần nông.

Loại cây dược liệu này đã đem lại mức thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân như ông Hiển.

Đến với cơ sở chế biến hoa hoè, ông Thành (huyện Vũ Thư, Thái Bình) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết được mỗi năm gia đình ông thu về tiền tỷ đồng từ loại cây dược liệu này. “Vào thời điểm những năm 90, người dân trong xã trồng nhiều cây dược liệu, trong đó có cây hòe. Dù mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định nhưng bà con vẫn đang loay hoay tìm đầu ra. Vì vậy tôi quyết định nhận thu mua giúp họ và cung cấp hàng cho các doanh nghiệp trong tỉnh”, ông Thành nói. 

Thời gian đầu, gia đình ông làm đại lý thu mua cho các doanh nghiệp trong tỉnh, dần dần tạo được mối quan hệ và giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp thu mua của Trung Quốc. Nhờ “mua tận gốc, bán tận ngọn”, ông giảm được chi phí trung gian, sản phẩm đến tay khách hàng vẫn được bảo đảm. Bà Phương (vợ ông Thành) chia sẻ: “Công việc này rất vất vả, phải trông nắng, trông mưa, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nụ hoa hòe phải được lựa chọn tỉ mỉ, sau khi nhận hàng từ người dân chúng tôi phải xử lý sạch sẽ".

Gia đình ông Thành hiện nay thu mua, xử lý hoa hoè và xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Hiện tại, gia đình ông xuất bán sang Trung Quốc khoảng 500 - 600 tấn nụ hoa hòe/năm, thu nhập từ 7 - 8 tỷ đồng. Nghề này đòi hỏi người thu mua phải có kiến thức, kinh nghiệm, chỉ cần nhìn và nắm nụ hoa hòe trong tay là có thể biết sản phẩm này đạt chuẩn hay chưa. Nụ hoa hòe tốt phải chắc, có màu vàng đẹp, chất lượng phụ thuộc vào chất đất của từng vùng.

Theo đó, hoa hoè được xem là bài thuốc quý trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Hòe hoa sau khi được thu hái, phơi khô sẽ được bảo quản và sử dụng hãm nước uống, uống như trà hàng ngày. Nếu sử dụng với mục đích điều trị bệnh, có thể phối hợp hoa hòe với các vị thuốc khác trong các bài thuốc cổ phương hoặc bài thuốc dân gian.

H.A