Phong tục cổ truyền vào ngày Tết Nguyên Đán xưa nay vốn đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đón Tết, ăn Tết, chơi Tết đến du Tết đều có những nét đặc trưng riêng, phảng phất hồn cốt Việt. Trong đó, không thể không kể đến nghi lễ cung đình Huế - triều đình phong kiến hoàn thiện nhất nước ta, đã góp phần tôn tạo và giữ gìn nhiều nghi thức chuẩn mực, thể hiện sự uy nghiêm của chốn kinh thành xưa.
Ngược dòng thời gian tìm về Tết xưa trong cung đình Huế để hiểu hơn về phong vị Tết truyền thống, giàu lễ nghĩa và trang trọng.
Tết là đại lễ quan trọng bậc nhất trong năm nên khâu chuẩn bị đón Tết vô cùng kỳ công và hoành tráng. Các nghi thức lễ Tết bắt đầu ngay từ tháng Chạp với lễ Ban Sóc (phát lịch) diễn ra vào ngày 1/12 âm lịch. Lúc này, vua ban lịch cho quan thần tại Điện Thái Hoa. Sau đó, các quan làm lễ tạ ơn và tổ chức các quan huyện lĩnh lịch để phát cho thần dân. Ngoài ra, Tết Nguyên Đán còn gắn liền với nhiều lễ nghi như lễ Nghinh xuân (đón ngày lập xuân), lễ Phất thức (lau chùi ấn tỷ và kinh sách), lễ Cáp hưởng (mời các vị tiên về ăn Tết), lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu)...
Khung cảnh ngày Tết nhộn nhịp và náo nức lạ thường với cờ hoa giăng khắp kinh thành và cung điện, tất cả đều tất bật chuẩn bị cho một ngày Tết sung túc và đủ đầy. Các nghi lễ diễn ra long trọng hơn nhân gian nhưng đều quay về những giá trị cốt lõi là cầu phúc, ban lộc và đề cao hiếu thuận.
Ngày mùng 1 Tết bắt đầu với lễ Thượng Triều long trọng. Trống ở điện Thái Hoà sẽ được đánh từ canh năm (khoảng 3 - 5 giờ), lá cờ hình rồng được kéo lên và đặc biệt súng thầnh công bắn 9 phát nổ vang trời, báo hiệu một năm mới đến. Trong điện, vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc lên ngồi ở ngai vàng đón nhận lời chúc tụng của quầ thần. Biểu mừng Tết dành cho vua thường có nội dung: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”. Bách quan đều lạy đủ 5 lạy và đồng thanh tung hô: “Chúng thần cầu chúa thượng vạn tuế, vạn tuế”, hết sức nghiêm cẩn. Tiếp đế, các hoàng đệ, hoàng tử và công chúa cũng đến mừng vua 5 lạy.
Sau nghi lễ Thượng Triều, vua sẽ truyền chỉ ban thưởng tiền xuân và chiêu đãi yến tiệc. Thông thường yến tiệc sẽ được tổ chức ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu với mâm cao cỗ đầy, vô cùng đặc sắc.
Nguyên vật liệu được quy tụ từ cả 3 vùng miền trên cả nước, đủ đầy sơn hào hải vị trên rừng dưới biển. Thuỷ hải sản có yến sào, vây cá, bào ngư, hải sâm, cá khoai, tôm, cua,… Cầm thú có gân hươu, thịt gà, dê, lợn, ngựa,... Ngoài ra không thể thiếu những món ngon cầu kỳ như nem công, chả phụng, bánh mứt,... Các món ngon vật lạ không chỉ trù phú, mà còn hoà hợp âm dương, thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân ẩm thức cung đình Huế.
Sau đại yến, vua sẽ ban thưởng cho quân thần tuỳ theo cấp bậc. Sau đó bách quan sẽ trở về nhà đón Tết cùng gia đình. Riêng vào thời vua Bảo Đại, do tiếp thu văn hoá phương Tây mà vua dẫn các quan cùng vị khách phương Tây vào điện Cần Chánh để cùng thưởng thức một ly rượu sâm panh.
Trong và sau 3 ngày Tết, nhiều lễ hội kéo dài xuyên suốt tháng Giêng. Nhà vua đích thân đến nơi thờ tự tổ tiên như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu... để làm lễ Tế. Từ mồng 3 đến mồng 5 Tết, vua đi lễ chùa, viếng lăng tẩm và thăm các bậc ân sư thể hiện đúng tinh thần "uống nước nhớ nguồn" bao đời của tổ tiên. Sau đó vua và hoàng hậu du xuân ngoài Kinh thành để thưởng khí xuân và xem xét tình hình ăn Tết của bá tính. Vua đi thuyền rồng, hoàng hậu đi thuyền phụng trên sông Hương.
Kinh thành có tổ chức các trò chơi giải trí và thử tài lộc đầu năm như trò chơi đầu hồ, họa ngự thi, đánh thơ, đánh cờ người... Ngày mồng 7 Tết là lễ hạ nêu và sau ngày 11 Tết là lễ kỳ đạo (lễ tế cờ), đánh dấu khép lại Tết Nguyên Đán lớn nhất năm.
Đón Tết nay không quên Tết xưa để càng thêm thấu hiểu những mỹ tục quý giá của dân tộc và cùng gìn giữ bản sắc Tết rất riêng của người Việt Nam.
MIMI