Anh Hưng - chồng chị Trần Như Mai (28 tuổi, ở Bình Phước) là tài xế xe tải đường dài nên thường phải đi làm xa, 1-2 tuần mới về nhà một lần. Chị Mai cho biết, mỗi lần anh Hưng về là muốn vợ phải đáp ứng nhu cầu tình dục của mình, trong đó có cả các kiểu quan hệ lạ đời.
"Anh ấy bắt tôi cởi hết đồ, rồi ngồi cắt móng tay, lấy ráy tai, cạo râu cho chồng trong lúc anh ấy hành sự", chị Mai rùng mình chia sẻ.
Không những thế, anh còn muốn vợ phải đáp ứng bất cứ khi nào mình có nhu cầu. “Tối nào anh ấy cũng muốn tôi phải “yêu”. Ban ngày, nếu chỉ có hai vợ chồng ở nhà, anh ấy cũng bắt tôi quan hệ. Lúc nào tôi mệt, không muốn thì anh bắt tôi thỏa mãn cho theo cách khác”, chị Mai kể.
Những hành vi quan hệ tình dục của anh Hưng khiến chị Mai có nhiều suy nghĩ. Ảnh minh họa.
Phải thân mật nhiều khiến chị Mai luôn thấy mệt mỏi, không thể tập trung làm việc được. Khi thấy chị Mai đưa đơn ly hôn với yêu cầu "nếu anh không đi khám thì vợ chồng mình đường ai nấy đi", anh Hưng mới giật mình. Nghe lời vợ, anh đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng cuồng dâm do có tiền sử sử dụng chất kích thích. Lúc này, anh Hưng mới kể, trước đây, để có thể tỉnh táo chạy xe đường dài, anh đã phải dùng một số chất kích thích. Sau khi dùng thuốc, anh tìm đến gái mại dâm và được thỏa mãn các kiểu như đã làm với vợ.
Do bệnh đang ở giai đoạn sớm, anh Hưng được uống thuốc và về nhà theo dõi. Vị bác sĩ cũng khuyên anh nên có đời sống tình dục lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể thao, xã hội, giúp vợ làm việc nhà, chăm sóc con nhỏ… để vừa rèn luyện sức khỏe vừa hạn chế nghĩ đến tình dục. Chị Mai cũng cần thông cảm với chồng, giúp anh hình thành thói quen chăn gối lành mạnh hơn.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cuồng dâm là hành vi tình dục cưỡng bức, bao hàm một mô hình dai dẳng về việc không kiểm soát được các xung động hoặc thúc giục tình dục dữ dội, dẫn đến hành vi tình dục lặp đi lặp lại.
Theo thống kê, có khoảng 31% nam giới mắc ít nhất một rối loạn tình dục. Trong đó, chứng cuồng dâm phổ biến nhất, dao động từ 3,9-30%. Bác sĩ Phương Mai cho rằng, số liệu này vẫn chưa chính xác và chưa phản ánh đúng số người mắc. Thực tế, vẫn còn nhiều người mắc một chứng rối loạn tình dục, trong đó có cuồng dâm nhưng còn e ngại, cho rằng hành vi tình dục của mình không phải bệnh nên không đi khám.
Theo thống kê, có khoảng 31% nam giới mắc ít nhất một rối loạn tình dục. Ảnh minh họa.
Cuồng dâm là bệnh, không phải bị suy đồi đạo đức
Dấu hiệu của người mắc chứng cuồng dâm thường là:
+ Hành vi tình dục lặp đi, lặp lại và trở thành trọng tâm trong cuộc sống khiến người bệnh bỏ bê sức khỏe hay các sở thích, hoạt động trách nhiệm khác.
+ Có nhiều nỗ lực để kiểm soát hoặc giảm đáng kể hành vi tình dục lặp đi lặp lại nhưng không thành công.
+ Tình dục là tâm điểm trong cuộc sống khiến nó có thể trở thành nguyên nhân của xung đột hôn nhân, ảnh hưởng đến tài chính hoặc pháp lý và tác động tiêu cực đến sức khỏe…
+ Thường xuyên thủ dâm, sử dụng nội dung khiêu dâm, quan hệ qua mạng hay qua điện thoại và các dạng hành vi tình dục lặp đi lặp lại khác.
+ Thường tham gia vào hành vi tình dục để đáp lại cảm giác lo lắng, buồn chán, cô đơn hoặc các trạng thái tình cảm tiêu cực khác.
Theo bác sĩ Phương Mai, có nhiều yếu tố khiến một người mắc chứng cuồng dâm như:
+ Do gen di truyền.
+ Tiếp xúc với các kích thích tình dục.
+ Bị chấn thương thời thơ ấu hay bị lạm dục tình dục, người gặp các rối loạn phát triển tâm thần, hành vi hoặc thần kinh rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.
+ Bị tác dụng phụ do dùng các loại thuốc điều trị một số bệnh như parkinson.
Các bác sĩ cho rằng, người mắc chứng cuồng dâm cần được thông cảm và nên đi khám để sớm được điều trị bệnh. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Phương Mai cho rằng, tình trạng cuồng dâm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất bệnh nhân, gây nên sự lo âu, trầm cảm cho người mắc. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng dễ bị ảnh hưởng đến học tập, công việc, các mối quan hệ xã hội và thậm chí có hành vi vi phạm đạo đức, cao hơn nữa là vi phạm pháp luật. Vì vậy, bác sĩ Phương Mai khuyến cáo, những người có các dấu hiệu trên cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị bệnh và tự bảo vệ mình kịp thời.
“Cuồng dâm là bệnh lý, không phải bị suy đồi đạo đức”, bác sĩ Phương Mai nhấn mạnh. Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, người thân, bạn bè, vợ chồng hay người tình của người mắc bệnh cần thông cảm, đừng nên có những lời nói, việc làm khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti hơn. “Có bệnh thì nên đi khám bệnh, đừng vì sự mắc cảm mà thấy xấu hổ rồi tự làm cuộc sống của mình mệt mỏi hơn”, bác sĩ Phương Mai khuyến cáo.
* Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi
DIỆU THUẦN