Ven đường quốc lộ thuộc huyện Châu Thành (Tiền Giang) có một ngôi nhà rất đặc biệt, đến mức ai ghé qua cũng phải thốt lên: “Chắc không có ai sinh sống ở đây?” bởi nơi này chất đầy rác thải, quần áo cũ và vỏ nhựa, sắt gỉ… Song chỉ cần dừng lại vài phút hỏi chuyện, tất cả sẽ hiểu hết lý do vì sao ngôi nhà lại giống bãi rác dân sinh như thế.
“Đó là nhà ở của cặp vợ chồng “đũa lệch”: chồng già – vợ trẻ, chứ không phải bãi rác đâu. Mọi người chỉ cần để ý một chút sẽ thấy có ông lão râu bạc phơ đi qua đi lại, thêm vài đứa trẻ chạc tuổi lên 10, 11 chơi ở trước cửa”, anh Vũ Hùng Hà (39 tuổi) – làm nghề chạy xe ôm ở gần đó cho hay.
Anh vừa dứt lời, người phụ nữ bán nước nhanh nhảu nói: “Ông lão đó chính là chủ nhân của ngôi nhà, còn lũ trẻ là con của vợ chồng ông. Ông ấy năm nay 62 tuổi nhưng con nhỏ xíu, đứa lớn nhất mới 15 tuổi thôi.
Ở đây ai cũng biết rõ hoàn cảnh của hai vợ chồng. Họ sinh sống bằng nghề lượm nhặt ve chai đem về nhà chất đống, đợi được giá thì bán lấy tiền mua thức ăn cho đám nhỏ”.
Sau đó hai người này dẫn chúng tôi đến gặp ông Võ Hoàng Minh – chủ của căn nhà chất đầy rác, ve chai… Ông dù đã có tuổi nhưng rất minh mẫn, giọng nói khoẻ và luôn nồng nhiệt khi tiếp đón “khách lạ” ghé thăm. Đặc biệt ông không hề giấu giếm cái nghèo, cái bẩn của chính gia đình mình.
Cả gia đình ông Minh sinh sống trong căn nhà ngập ve chai, quần áo cũ...
Người đàn ông ngoại lục tuần tâm sự: “Vợ chồng tôi sống ở đây từ hồi con bé lớn chào đời. Ban đầu căn nhà thoáng đãng, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc bàn thờ cúng tổ tiên cả. Dần dần chúng tôi đi đâu lượm nhặt được ve chai thì đem về tích cóp đợi được giá thì bán.
Chỗ này chúng tôi gom được hơn 2 năm rồi, giá sắt gỉ - ve chai thấp quá nên chưa bán thôi. Nếu được giá, tôi bán ngay. Khi ấy ngôi nhà sẽ bớt tù túng như bây giờ”.
Lúc này chúng tôi liền gặng hỏi: “Vậy suốt 2 năm qua, gia đình chú sống bằng nghề gì?”. Ông Minh cười bảo: “Tôi chạy xe chở đồ mướn cho người dân quanh đây. Còn bà xã đi rửa bát thuê hoặc làm đồng cho dân có nhiều ruộng. Nói chung chúng tôi không đủ ăn bởi nhà có tới 7 cái miệng lận.
Thi thoảng hàng xóm thương tụi trẻ đói thì cho cái bánh mì, bánh ngọt… Chúng treo ở gần bếp, đói tự động nướng lên ăn, thế là xong bữa”.
Thuở trẻ, ông Minh thuộc diện bảnh bao nhất vùng nhưng không nảy sinh tình cảm với bất cứ ai. Ông cứ sống cùng người mẹ già với hi vọng có thể phụng dưỡng đến khi mẹ “nằm xuống”. 19 năm trước, mẹ ông bệnh nặng khó có thể qua khỏi. Vì thế bà đã gọi ông vào và trăng trối đôi điều.
“Mẹ nói với tôi rằng muốn được thấy con trai lấy vợ, có tổ ấm riêng. Khi ấy bà mới có thể nhắm mắt yên nghỉ. Tôi đã gật đầu đồng ý vì nghĩ mình làm vậy mẹ sẽ vui vẻ, bệnh tình thuyên giảm. Song tôi cũng lấn cấn trong đầu bởi tìm đâu được vợ khi đã ở cái tuổi già”, ông Minh nhớ lại.
Đúng lúc đó, một người quen của ông Minh giới thiệu cho cô gái 19 tuổi đã có một đứa con riêng. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, ông đã có cảm tình và nảy sinh tình cảm yêu thương. Ông quyết định “cưu mang” cô gái tội nghiệp này.
“Hồi đó vợ tôi đi làm mướn cho người ta rồi bị hãm hại đến có thai. Cô ấy chịu đựng bao bất công, tủi nhục để sinh đứa con đó ra. Tôi gặp gỡ mẹ con cô ấy lần đầu đã có linh tính cần phải chăm sóc đứa trẻ đỏ hỏn. Vì thế tôi đã cưới cô ấy làm vợ, vừa để mẹ tôi vui vừa “cứu” được 2 con người khỏi cuộc sống tủi hổ. Sau đó không lâu mẹ tôi cũng qua đời”, người đàn ông miền Tây tâm sự.
Có vợ lẫn con, ông Minh đã dựng một căn nhà nhỏ ngay đường quốc lộ. Họ mưu sinh bằng nghề lượm ve chai và làm thuê làm mướn. Sau đó họ vỡ oà hạnh phúc khi chào đón lần lượt 4 đứa trẻ. Hiện tại có 2 đứa được đến trường học, còn lại ở nhà phụ giúp gia đình làm lụng, chăm em nhỏ.
Nhắc đến chuyện sinh sống trong căn nhà chứa đầy rác có thể xảy ra rủi ro, vợ ông Minh thừa nhận: “Tôi lo lắng từ lâu rồi, chỉ sợ nó cháy một cái là nguy hiểm cho tụi trẻ lắm. Song nhà tôi chưa bán được ve chai, cứ đợi giá lên mới dọn chỗ này đi. Giờ tôi có dám cho tụi trẻ đun nấu gì đâu. Khi nào chúng tôi có nhà, chúng mới được chất củi đun nấu”.
Chia sẻ ước nguyện tương lai, ông Minh chỉ mong hai vợ chồng có thật nhiều sức khoẻ để lo cho đàn con thơ. Còn chuyện mưu cầu giàu sang ông không mong bởi sống ở tuổi này đã nếm đủ cay đắng ngọt bùi của cuộc đời. “Điều tôi trăn trở nhất có lẽ là đám nhỏ. Chúng còn bé quá, trong khi tôi đã già, có thể đi bất cứ lúc nào. Tôi hi vọng chúng có cuộc sống đủ đầy, không phải chịu đói chịu khát”, người cha già nói.
NGỌC HÀ